Đời bi kịch của người đàn ông 2 lần trúng số độc đắc ở Bình Dương

Khi mới 15 tuổi, trong cùng một năm, Đỗ Hoàng Toàn 2 lần trúng số độc đắc. Số tiền lớn đã "lái" cuộc đời Toàn sang hướng khác, đầy những nỗi buồn.

Hàng ngày, từ mờ sáng, người ta đã thấy một người đàn ông lặng lẽ đi vào công viên Phú Cường, phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một. Ông ngồi xếp bằng bất động, tập thiền cạnh gốc cây. Khi người đi tập thể dục đông dần, ông nghỉ thiền chuyển sang chạy bộ rồi trồng cây chuối bằng đầu. Chốc chốc, ông nhào lộn và hít đất bằng một cánh tay còn lại.

"Nếu này xưa tôi không trúng độc đắc hai lần mà chỉ lớn lên một cách bình thường thì ít nhất tôi không bị mất cánh tay trái. Tôi đã cũng không mất hơn 10 năm tuổi trẻ chỉ để chìm trong ma túy", người đàn ông tự giới thiệu tên là Đỗ Hoàng Toàn, 65 tuổi, nói. Ông bảo, thể dục là cách mà để chứng tỏ với mọi người rằng mình đã đoạn tuyệt với ma túy, thành người khỏe mạnh.

Ông Toàn làm nghề cho thuê bàn bàn ghế, chén dĩa. Tuy mất một tay nhưng ông có thể lái xe 3 bánh chở hàng, bưng bàn ghế cho khách. Ảnh: Diệp Phan.

Ông Toàn làm nghề cho thuê bàn bàn ghế, chén dĩa. Tuy mất một tay nhưng ông có thể lái xe 3 bánh chở hàng, bưng bàn ghế cho khách. Ảnh: Diệp Phan.

Ông Toàn sinh ra trong gia đình có 9 người con. Cả nhà ông sống trong một cái chòi tạm dựng lên từ mảnh đất đi thuê. Trước cửa chòi là quầy tạp hóa nhỏ - nguồn thu nhập của nhà ông khi đó.

Học hết cấp 1, ông Toàn ở nhà phụ cha mẹ bán hàng. Thuở ấy, cửa hàng của gia đình ông ngoài sách báo, thuốc lá còn bán thêm vé số. Trước năm 1975, vé số mỗi tuần chỉ xổ một lần, giá trị tờ vé số không cao nên cậu bé Toàn thường xin cha mẹ giữ lại một vài tờ có con số mà mình thích. Tới ngày quay số, nếu vé không bán hết, cha mẹ ông cũng thường giữ lại để cầu may.

Những tờ vé số bán không hết ấy đã "bẻ lái" cuộc đời ông theo một cách mà không ai ngờ tới. Tháng 9/1970, ông Toàn hay tin mình trúng giải độc đắc cộng thêm hai giải khuyến khích với tổng số tiền là 3 triệu đồng. Vì chỉ mới 15 tuổi, chưa có căn cước nên ông Toàn nhờ cha lên Sài Gòn lãnh thưởng và giữ tiền hộ.

"Lương một công chức thời đó mỗi tháng chỉ vài nghìn đồng, số tiền 3 triệu đồng lúc bấy giờ có thể xây được mấy căn nhà và mua cả xe hơi", ông Toàn kể.

Có tiền, ông Toàn tụ tập đám bạn choai choai của mình tổ chức chiêu đãi, nhậu nhẹt thâu đêm. Những cuộc nhậu kéo dài liên tiếp nhiều ngày. Sau những chầu nhậu, ông Toàn cùng bạn bè tổ chức đua xe. Sẵn tiền, ông Toàn lên Sài Gòn mua hẳn một con xe nhập khẩu từ Nhật, chiếc xe chỉ 50 phân khối, ông độ lên thành 70 phân khối để tìm cảm giác mạnh.

"Đám bạn tâng bốc tôi lên làm đại ca, nghĩa là tôi có nghĩa vụ phải lo cho anh em, cho tụi nó mượn tiền, đãi ăn nhậu", ông kể.

Số tiền trúng số lần trước mới vơi vơi thì tháng 12 năm đó, ông Toàn lần thứ hai trúng độc đắc với giải thưởng 4 triệu đồng. Cha mẹ ông đã dành ra hơn một triệu đồng để mua lại miếng đất đang thuê, đập căn chòi tạm và xây một ngôi nhà khang trang. Thời đó, căn nhà rộng hơn 50 mét vuông được xây bằng xi măng, lát gạch bông với một tầng trệt, một lầu là gia sản lớn. Số tiền còn lại, cha mẹ vẫn giữ giúp ông, khi nào lấy thì đưa.

Ông Nguyễn Quang, 70 tuổi, một người dân ở phường Phú Cường và biết khá rõ câu chuyện cuộc đời của ông Toàn kể lại: "Gia đình tôi từ miền Bắc vào đây sau năm 1975, chỉ dám dựng nhà lá, căn nhà của ông Toàn có thể coi là lớn nhất khu này thời đó".

Hai lần trúng độc đắc, một số tiền cực lớn đột nhiên "rơi vào đầu" khiến ông Toàn sa đà hẳn vào con đường ăn chơi. Một khi đã lấy tiền thì đi vài ngày mới về nhà. Một lần, đang ngồi uống cà phê cùng đám bạn thì ông Toàn được một người bạn mời hút điếu thuốc có tẩm ma túy. "Tôi không biết tác hại của nó, nghe đám bạn nói ‘thử một lần cho biết’ không mất gì nên tôi thử, không ngờ không dứt ra được", ông hồi tưởng.

Ông Lê Văn Nghĩa, 63 tuổi, một người bạn cùng xóm thuở nhỏ của ông Toàn kể: "Ngôi nhà của Toàn lúc bấy giờ lớn nhất xóm. Tôi biết là do trúng số, có tiền nên mới ham chơi rồi sau này mới dính vào ma túy".

Ông Toàn giữ thói quen tập thể dục, thiền, luyện khí công từ ngày cai nghiện đến bây giờ. Đã 65 tuổi nhưng ông có thể nhào lộn nhiều vòng bằng một tay, chạy bộ giật lùi vài km mỗi ngày. Ảnh: Diệp Phan.

Ông Toàn giữ thói quen tập thể dục, thiền, luyện khí công từ ngày cai nghiện đến bây giờ. Đã 65 tuổi nhưng ông có thể nhào lộn nhiều vòng bằng một tay, chạy bộ giật lùi vài km mỗi ngày. Ảnh: Diệp Phan.

Năm 18 tuổi, ông Toàn có quen một người con gái rồi đưa về nhà sống chung và có một người con trai, khi ấy ông chưa nghiện nặng. Đến năm 20 tuổi, tiền trúng số đã hết, những cơn thèm thuốc nhiều hơn. Để có tiền mua ma túy, ông Toàn bắt đầu ăn trộm. Một lần bị công an bắt và bị tạm giam, ông cùng người bạn phá khóa vượt ngục. Trên đường chạy trốn, cậu thanh niên Toàn bị bắn một phát súng vào cánh tay trái sau đó vết thương hoại tử, phải cắt bỏ.

Vợ ông ở nhà biết tin, dẫn con đi biệt tích. "Trở về nhà với thân thể tật nguyền, mất vợ con, gia đình bỏ mặc, tôi chìm sâu vào ma túy để quên đời. Hết hút lại chuyển sang chích", ông Toàn nói.

Người bạn cùng xóm của ông Toàn kể thêm: "Thời điểm Toàn chuyển sang chích là đã nghiện nặng rồi. Sau đó, những người nghiện trong xóm mà tôi biết thì đã chết hết, chỉ còn mỗi ông Toàn còn sống đến giờ".

Để có tiền mua thuốc, ông Toàn lợi dụng việc mất một cách tay, thân thể ốm yếu mặc quần áo rách rưới đến những ngôi làng cách nhà hàng chục km để ăn xin. Cuối ngày, ông đem số gạo xin được đến bán cho những tiệm cơm bình dân với giá rẻ, lấy tiền mua thuốc chích rồi ngủ gầm cầu, ít khi về nhà.

Năm 1986, lúc ấy ông Toàn đã 31 tuổi đã nghiện nặng với 3 cữ chích một ngày. "Người ta nhìn tôi như nhìn một con vật".

Một lần, có người bạn nghiện của ông qua đời. Tìm đến nhà định thắp nhang ông Toàn chỉ thấy chiếc quan tài đặt trơ trọi giữa nhà với vài người thân. Chợt ông nghĩ: "Cái chết của một người nghiện nhục nhã vậy sao, chết rồi mà chẳng có ai ngó đến".

Không lâu sau đó, ông lại chứng kiến cảnh một người bạn nghiện khác của mình lên cơn thèm thuốc vật vã. Ông không rõ người bạn đó bị ảo giác hay vì muốn kết thúc đời mình mà lấy nước tương bơm thẳng vào mạch máu rồi chết.

Đến lúc này, dường như ông Toàn nhìn thấy tương lai của mình cũng sẽ như thế. Ông quyết tâm tự cai nghiện. "Lúc đó tôi chỉ muốn được sống, mà muốn sống thì phải hết nghiện, thế thôi", ông nói.

Trở về nhà, ông giam mình trong phòng, tự chống chọi với những cơn vật thuốc. Nghe nói người nghiện sợ nước nên cứ mỗi lần lên cơn, ông lại vào nhà tắm xối nước thật mạnh vào người như một cách "lấy độc trị độc". Từ việc mỗi ngày lên cơn 3 lần, mỗi lần kéo dài cả tiếng thì sau 10 ngày cơn nghiện giảm hẳn. Sau một tháng, ông Toàn mới dám ra khỏi nhà.

Cai được ma túy, người đàn ông bắt đầu làm thuê bằng nghề gánh nước cho những hộ gần nhà. Người bình thường mỗi lần chỉ gánh hai thùng nước, nhưng riêng ông vừa gánh, vừa xách thêm một thùng nữa. Lâu dần, ông gánh được 4 thùng, xách thêm một thùng. "Không ai tin tôi bỏ được ma túy, nhiều người nói tôi bỏ được họ đi đầu xuống đất. Tôi phải làm để chứng tỏ cho họ thấy mình đã khỏe", ông trải lòng.

Ông Nghĩa kể: "Thời gian đầu mới hết nghiện, bản thân tôi và hàng xóm không ai tin chú Toàn sẽ làm lại cuộc đời. Lúc đó chú ấy rất cố gắng làm việc, tập thể dục để có sức khỏe, vài ba năm sau mọi người mới nhìn chú ấy bằng một con mắt khác. Toàn từ khi trúng số được coi là một công tử, không quen lao động, sau khi cai nghiện được thì lao vào làm việc, ngoài việc hết nghiện thì đó cũng là một sự thay đổi nữa của Toàn".

Từ việc gánh nước thuê, ông dành dụm mua được một chiếc xe 3 bánh để chở hàng. Giá mỗi lần chở là 10 nghìn nhưng ông chỉ lấy 5 nghìn, bởi theo ông, nếu lấy bằng giá người khác, thì khách sẽ không thuê ông, vì ông chỉ có một tay, không thể làm nhanh.

Vợ ông Toàn đang phụ bán cho cửa hàng đồ điện trước nhà. Ảnh: Diệp Phan.

Vợ ông Toàn đang phụ bán cho cửa hàng đồ điện trước nhà. Từ khi lấy vợ, ông Toàn đảm nhiệm việc cơm nước cho cả nhà. Ảnh: Diệp Phan.

Năm 1998, ông Toàn đăng ký lên mục "Tìm bạn bốn phương" trên báo Bình Dương để tìm một người bạn đời. Sau vài tháng làm quen, gặp gỡ, ông nên duyên vợ chồng với bà Lê Thanh Thúy, quê ở Sài Gòn kém ông 17 tuổi. Sau 22 năm chung sống, ông vợ chồng ông đã có hai người con một trai một gái.

"Cuộc đời tôi như nằm trên một mũi tên, bị kéo lùi về phía sau nhưng như thế tôi mới có động lực để tiến về phía trước. Dù sao tôi vẫn thấy mình may mắn, hơn chục thằng bạn nghiện của tôi giờ đã chết hết rồi, chỉ còn mình tôi", ông cười.

Gia đình ông Toàn hiện đang sống bằng nghề cho thuê rạp, bàn ghế và chén dĩa. Năm ngoái, ông bắt đầu dành phần trước căn nhà để cho thuê mặt bằng kiếm thêm thu nhập. Ông chưa bao giờ có ý định sẽ đi tìm lại người vợ cũ và đứa con đầu lòng của mình vì sợ ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Hơn nữa, điều ông quan tâm nhất bây giờ là một cuộc sống hiện tại yên bình bên vợ con. Ông mong có đủ sức khỏe để lo cho cô con út đang học lớp 7 của mình.

Căn nhà được xây từ tiền trúng số năm xưa đến nay chưa một lần được tu sửa. Nhắc lại chuyện xưa, ông Toàn không tiếc, không tự trách mình mà chỉ nghĩ đó là duyên số của mỗi người. "Cũng may ngày xưa cha tôi đã thu xếp mua mảnh đất dựng căn nhà này. Nếu tiền trúng số vào tay tôi hết thì giờ tôi chẳng có nhà", ông trầm giọng.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, trưởng khu phố 4, phường Phú Cường, nơi ông Toàn sinh sống chia sẻ: "4 năm nay, vào ngày rằm tháng giêng vợ chồng ông Toàn tự nguyện xay nước mía để tặng miễn phí cho khách thập phương đến lễ chùa Bà Thiên Hậu. Ông Toàn tuy không khá giả nhưng có cái tâm tốt".

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.