Dầm mình mưu sinh
Đối diện chợ Phạm Thế Hiển (phường 4, quận 8), xóm Chì nằm chênh vênh sát kênh Đôi, cũng phải ngoài nửa thế kỷ, nơi đây có nghề nấu chì và khoảng ngoài hai chục năm có thêm nghề mò chì, đãi chì. Từ thời Sài Gòn cũ, đến sau này, đây là nơi người ta gom bình ắc quy phế thải về gỡ chì nấu lại. Sau khi đỏ lửa lấy phần chì, phần xỉ họ đổ luôn xuống kênh. Dần dà, hàng ngàn tấn xỉ dưới lòng kênh bỗng trở thành “mỏ” khi ai đó nghĩ ra cách mò lại phần đổ đi, mang lên nấu tiếp, kiếm chút chì sót.
Gần mười năm trước, tình cờ ghé ngang xóm Chì, một cảnh tượng nhộn nhịp diễn ra khi nước ròng. Trai gái, già trẻ quây quần quanh năm bảy chiếc xuồng lặn ngụp, đào đãi dọc một đoạn kênh. Thanh niên trai tráng, hơi lặn dài bơi ra giữa dòng, phụ nữ hoặc kẻ yếu hơn, mon men trong bờ. Thứ đào đãi lên trông giống như sạn và nặng, được gọi là xỉ chì. Mặc kệ bao mùi xú uế từ dòng kênh ô nhiễm, ai cũng tất bật vì con nước chỉ ròng vài ba tiếng đồng hồ.
Chừng đâu ngoài chục năm trước, cạnh xóm chì xuất hiện vựa mua xỉ chì. Ban đầu giá chỉ vài trăm đồng một ký, sau đó vựa khác cạnh tranh, có lúc xỉ lên tới 1.500 đồng/ký. Dân mò hỏi mua làm chi, vựa nói phục vụ làm pháo hoa.
Cường là dân Sài Gòn gốc, nhà ở khu Bình Hưng, quận 8, mười lăm năm trước lấy vợ và ở rể tại xóm Chì. Cả hai vợ chồng mù chữ, vợ hơn chút đỉnh: Biết viết tên mình. Nay 35 tuổi, ba mặt con, Cường làm rể ngay nhà có ông bố vợ tên Bẹ là một thợ lặn xỉ chì kỳ cựu. Ông Bẹ giờ đã ngoài 60 tuổi, ngoài nghề lặn, người cha của sáu cô con gái này còn giỏi luôn nghề nấu chì và rất cưng rể. Thế là Cường bước vào nghề ngụp lặn cùng với vợ và học nấu chì.
Như hàng chục gia đình ở đây, hai vợ chồng sắm chiếc xuồng, bất kể ngày đêm, mỗi khi nước ròng là chèo ra giữa, chồng lấy hơi lặn xuống gần 4m nước, lôi theo cái rổ lớn đã cột dây thừng, cào đất đầy vào rổ và ngoi lên. Người vợ ở trên lôi rổ lên xuồng, đổ ra và đãi lấy xỉ. Vật lộn chừng ba tiếng, cả hai dong xuồng về. Mỗi buổi như thế, vợ chồng kiếm dăm bảy trăm ngàn, khoẻ lặn nhiều hơn, mệt thì nghỉ. Những lúc trên bờ, Cường đi nấu chì mướn, tiền nhiều nhưng độc hại, sau ngán vì bệnh, cậu bỏ. Ngoại trừ phần dơ dáy và bệnh tật phải mang sau này, với gia đình nhỏ, vậy là đủ và tự do.
Từ ngày không còn xuống kênh mò chì, Cường chán chường hẳn và nhớ dòng kênh, mái đầu hói nhiều |
Nhọc nhằn lên bờ
Lần lượt ba đứa trẻ ra đời, cách đều bốn năm, nay năm thành viên vẫn ở ké nhà ngoại. Năm năm trở lại đây, một biến cố đã đẩy xóm mò chì lên bờ. Thấy việc ngụp lặn sống cũng được, nhiều người nơi khác sắm xuồng đến mò. Giữa lòng kênh sâu, đòi hỏi thợ lặn phải giỏi, người kém nghề hơn, bèn vô gần bờ mò cho dễ. Đào đãi mãi ven bờ, đến một hôm mấy căn chòi trên kênh bỗng sụp xuống vì đào chì làm sạt lở. Chính quyền vào cuộc, ra lệnh cấm và lên kế hoạch giải toả xóm chì.
Cường chưa bỏ cuộc, hai vợ chồng vẫn lén ra giữa dòng đào bới, chuyển việc đãi chì sang làm đêm là chính. Là thợ lặn giỏi, dù đã vài lần phải đi cấp cứu khi đang lặn bỗng tê lạnh hay xì máu tai, vợ chồng Cường bám trụ đến khi cái xuồng nát vỡ thành mấy mảnh, cả hai mới thôi nghề.
Ngày giải toả cũng đến, gia đình ông Đáng, ông Năm, ông Sắt… bị dỡ trước. Gọi là nhà cho lớn, đó chỉ là những cái chòi tạm bợ cất bằng tôn trên nền cừ tràm lấn ra kênh Đôi, nên chính sách đền bù, hỗ trợ tới nay cũng không được mấy đồng. Gia đình những thợ lặn này được đưa lên ở tạm tại một chung cư tận xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, tất cả thành thất nghiệp. Ngày ngày, họ quay lại xóm Chì nơi ở cũ dù phải chạy tới gần 30 cây số. Đám thợ đãi chì không có nghề nghiệp nên ai kêu gì làm nấy. Đến trưa hầu hết lại ghé về xóm Chì, kiếm chòi nào chưa bị dỡ ngả lưng, nhìn dòng kênh và tám chuyện. Tất cả chỉ đều chung một niềm ước cái xóm này sớm giải toả để họ có chỗ mò chì tiếp.
Như những người không còn chỗ ở xóm Chì, Cường lên bờ, thời gian đầu đi quét rác mướn, mò phế liệu, sau xin phụ hồ, công ngày gần 200 ngàn đồng, vợ thất nghiệp. Làm phụ hồ bữa đực bữa cái, tiền ít mà luôn tay suốt ngày, nghĩ lại cái tự do ngày trước, trong người luôn bực dọc, chán chường. Có người quen rủ lên Đồng Nai nấu chì mướn, Cường đi được hơn tháng về đổ bệnh, sau phải bỏ dù nấu xong một mẻ chì bây giờ, chủ trả công hơn ba triệu. Vợ con đói khát, ăn ké mãi ông ngoại cũng kỳ, trở lại dòng kênh không được vì xuồng đã bể, quẫn bách đủ đường. Một ngày dại dột hồi năm ngoái, Cường leo lầu 3 chung cư kế đó và lao mình xuống, may thay có người kịp kéo lại được. Kỷ niệm sống chết đó được đánh dấu bằng một vết khâu dài thượt dọc háng vì vướng vào lan can.
Bệnh đổi miếng ăn
Ngay những ngày đầu của tháng 8, xóm Chì suýt mất thêm một mạng người. Con bé mới hơn một tuổi, đang đi chập chững và bước lọt xuống cái lỗ chó, rơi tủm xuống kênh, chìm nghỉm. Cha mẹ nó cũng dân mò xỉ chì, đổi nghề, qua Chợ Lớn làm mướn, đứa lớn mới sáu tuổi ở nhà trông em. May sao một bà hàng xóm ngó thấy, nhảy tủm xuống kênh mò, cứ theo vệt tăm sủi lên mà vớt kịp. Ngày trước, lúc các lò nấu chì còn đỏ lửa nhiều, thỉnh thoảng lại có đứa trẻ chết. Nguyên do, khi người ta gỡ ắc quy, có một chất bột trắng trong đó, có vị ngọt như đường, trẻ con thấy ngon, chấm bỏ vào miệng, một lúc là xong. Người đã vậy, vật cũng không khác, cả xóm Chì chẳng có chó nào vì ít bữa lại có con chết khi liếm phải thứ bột trắng kia.
Chẳng rõ Cường có bị nhiễm độc chì hay do ngấm thứ nước thúi dưới kênh, da càng ngày càng xảm, tóc rụng xói đầu, so với hồi tám năm trước, sức xuống nhiều. Mấy đứa con cứ đẹt lại, hay bệnh vặt. Cậu ta gật gù chắc do mấy năm đi nấu chì, kể tên mấy người nấu đã mất sớm, bác sĩ không tìm ra bệnh. Ông Bẹ, cha vợ Cường cũng bỏ luôn nghề lặn sau khi hai người bạn lặn cùng lứa ở kế nhà lần lượt đột tử ở tuổi ngoài 50. Cả hai đều thấy mệt, nằm ngủ rồi đi, có lẽ, những năm tháng lặn ngụp cùng với khói chì trong các mẻ nấu đã cắt ngắn đời họ.
Biết thế, nhưng Cường vẫn ước có được một cái xuồng, giá mua lại bây giờ chừng ngoài hai triệu đồng. Mấy tháng trước, cậu ta lượm ở đâu về cái bồn tắm lủng đít, lui cui trám lại. “Em tính thả lưới kiếm cá bán”, Cường khoe. Không biết chiếc bồn tắm thủng kia có đủ lớn làm xuồng giăng câu hay không nhưng trong thâm tâm, Cường đang mong đến ngày bờ kênh được giải toả, để vợ chồng và cả xóm Chì lại tiếp tục đời lặn ngụp.