Vừa về nhà chồng, Ma Thị Mến (SN 1980, ngụ thôn Tân Bình, xã Tân An, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) đã nhận được một món “quà mừng cưới” đặc biệt, đó là đứa con rơi của chồng. Tiếp đó, đời làm vợ của chị là những chuỗi ngày ê chề với sự khinh rẻ, những cú tát “ù tai”. Cuộc sống hiện rơi vào bế tắc khi chị và hai đứa con có nguy cơ rơi vào cảnh “vô gia cư”, bị chồng đánh đuổi.
“Quà mừng cưới” độc đáo
Hai mươi tuổi nhưng Mến chưa có mảnh tình vắt vai khiến cả nhà sốt ruột. Lúc này người dì mai mối cho chị với một người đàn ông hơn "hai giáp". Với nghề nghiệp giáo viên cấp một, hiền lành, chăm chỉ, anh nhanh chóng lấy được cảm tình của gia đình. Tìm hiểu chóng vánh, 3 tháng sau anh chị bước vào cuộc sống hôn nhân.
Ngay sau đám cưới, một bà lão dẫn theo một đứa bé trai khoảng 7 tuổi đến nhà chị, nói đó là kết quả tình yêu của chồng chị với con gái bà.
“Lúc đầu tôi cứ tưởng bà lão trêu đùa. Nhưng hỏi chồng, anh chỉ quanh co vài câu rồi cũng thú nhận”, chị nhớ lại. Chị đau khổ nhưng “ván đã đóng thuyền” đành chấp nhận số phận.
Tha thứ cho chồng, chị khuyên anh đón đứa trẻ đó về nuôi bởi dù sao cháu cũng không có tội tình gì. Anh nấn ná không chịu. Từ đó, cuối tuần nào chị cũng cùng chồng đi 20 km đến thăm đứa con riêng của chồng mà không một lời trách móc.
Thấy đi lại nhiều vất vả, hai năm sau, anh chị đón cháu bé về nhà cho tiện chăm sóc sau khi mẹ của đứa trẻ bỏ đi.
Năm 2001 chị sinh bé trai đầu lòng kháu khỉnh. Từ đây tính nết chồng càng thay đổi. Dù đi dạy ở trường chỉ cách 1 km nhưng anh đi sớm về muộn, không chăm lo đến gia đình, thường cáu gắt, tính tình cục cằn thô lỗ.
Nhiều người đồn thổi anh có quan hệ ngoài luồng, rồi thấy chồng tay trong tay với người đàn bà khác. Không làm ầm ĩ, chị nhẹ nhàng khuyên bảo. Chồng không nghe, còn dành tặng những cái tát như trời giáng với lời giải thích: “Tại cô “lên lớp” dạy đời tôi nên phải đánh”.
Từ đó, “đều như vắt chanh” tháng nào chị cũng nhận được những đòn “dạy” của chồng. Không biết than thở cùng ai chị cắn răng chịu đựng. Không chỉ ra tay với chị, anh còn nhiều lần đánh con riêng của mình. Không chịu nổi, đứa bé bỏ nhà đi, cả nhà cuống cuồng đi tìm, còn anh vẫn “bình chân như vại”.
Tìm được con, vài hôm cháu lại bỏ trốn, khiến chị bất lực. Tháng 1/2007, cháu bé bỏ nhà đến nay vẫn chưa về, gia đình đỏ mắt tìm vô vọng.
Chị tâm sự: “Tìm cháu khắp nơi nhưng không có tung tích gì khiến tôi rất buồn. Với tôi, cháu không khác gì con đẻ. Nhưng chồng tôi lại trách móc, bảo vì tôi không ra gì nên cháu mới bỏ đi”.
Vợ sinh con, chồng bỏ mặc
Được một thời gian sau, anh đón mẹ ở quê ra ở cùng. Bà đau ốm liên miên, một tay chị chăm sóc. Đã gần 80 tuổi, bà bị bệnh huyết áp cao, thể trạng yếu, suốt ngày chỉ làm bạn với chiếc giường. Chị tận tâm chăm sóc tắm rửa giặt giũ, 3 năm không lời oán thán.
Tuần nào vợ chồng chị cũng đưa bà đến bệnh viện khám cách đó khoảng 30 km. Cô em chồng lúc này có mảnh đất mặt đường, cách bệnh viện 8 km nên vợ chồng chị mua để tiện đi lại. Trong thời gian này, anh vẫn đánh chị “như đập đất”.
“Cuối năm 2009, trong một lần cãi nhau, anh ấy đánh tôi té xỉu rồi bỏ đi, may mà mẹ chồng ú ớ gọi hàng xóm sang cứu nên tôi không sao. Sau lần đó tôi bỏ về căn nhà trước kia vợ chồng từng sống. Sáu tháng sau mẹ chồng mất, anh lại năn nỉ xin quay lại. Tôi mủi lòng đồng ý”, chị nhớ lại.
Chăm chỉ làm ruộng, cộng với chăn nuôi nên chị cũng để dành được một số tiền khá khá. Vợ chồng bàn tính xây một ngôi nhà nhỏ. Sau thời gian sống riêng sáu tháng, vợ chồng trở lại sống khá hòa thuận, hàng xóm thấy thế ai cũng mừng.
Nhưng hạnh phúc muộn đó ngắn chẳng tày gang. Làm nhà xong chị mang bầu bé thứ hai. Được 3 tháng, người em chồng nói chị phá đi bởi lo không có người làm việc nhà. Chị không chịu. “Cô em chồng sang nói với chồng tôi rằng “khổ thân anh suốt ngày phải nuôi một lũ ăn bám”.
Chồng tôi lại quay ra đánh đập, chửi bới bắt tôi bỏ con, nhưng tôi kiên quyết không nghe. Từ lúc đó đến khi gần sinh anh ta đánh tôi nhiều hơn. Mang bầu đến tháng thứ tám, anh ta còn đuổi không cho vào nhà, tôi phải trốn sang trường học gần nhà ngủ tạm.
Con trai lúc đó thương mẹ nên mang theo chăn chiếu đến ngủ cùng, hai mẹ con ôm nhau khóc. Hôm sau 5h sáng đã lục đục ra về để khỏi xấu hổ với làng xóm”, chị nghẹn ngào.
Trong những ngày tháng đó, trường học là nơi tá túc hàng đêm của chị. Nhiều lần có ý định tự tử, nhưng nghĩ đến con, chị nuốt nước mắt sống tiếp. Đến kì sinh nở, người chồng vẫn không thèm đoái hoài. Cực chẳng đã chị xin chồng cho về nhà ngoại cách đó khoảng 10 km.
Tối đó, chị một mình với chiếc xe máy cũ rích về nhà mẹ, đến đêm thì trở dạ, cả nhà lại hộc tốc đưa chị đến viện. Vận đen vẫn đeo bám, đi được nửa đường thì xe hết xăng, lúc này cây xăng đã đóng cửa, mọi người đành dắt xe về nhà chị để lấy xăng. Tuy biết vợ mình sắp sinh nhưng anh chẳng đoái hoài, mặc kệ anh vợ và cháu đưa chị đến viện. Chị Mến khi ấy nước mắt giàn giụa mà không nói thành tiếng.
Nguy cơ trắng tay sau cuộc hôn nhân cay đắng
Những ngày sau khi sinh, anh chỉ đến một lần rồi cũng viện cớ bận “chuồn êm”. Nhìn sản phụ khác được chồng chăm sóc, chị không khỏi tủi thân. Về đến nhà được 10 ngày, chị phải tự mình làm hết việc nhà: Nấu cơm, giặt giũ. Tiền anh chẳng khi nào đưa một xu, mình chị phải tự xoay sở. Nhiều khi chị và con phải ăn bún trong 3 ngày liên tục. Không có sữa, đứa trẻ khóc ngằn ngặt vì đói, chị vay tiền mua gạo nấu ăn.
Cuộc sống cứ thế trôi đi, những thứ chị nhận được từ anh cũng chỉ là sự vô cảm, hay những trận đòn bầm da tím thịt. Nhiều lần chị có ý định ly hôn, nhưng nhìn con còn nhỏ dại, chị lại không đành lòng.
Đến tháng 7/2012, người chồng nói tiền vật liệu xây nhà trước đây khoảng 30 triệu chị phải trả, rồi đi biền biệt không về nhà. Được hai tuần, chồng và người em quay lại nói nhà đó là của người em, cho anh chị ở nhờ lúc nuôi mẹ.
Bất ngờ, chị đi tìm giấy sổ đỏ nhưng chúng đã “không cánh mà bay” khi nào. Chị trở nên tuyệt vọng, nhất là khi này người chồng liên tục đuổi ra khỏi nhà. Nhiều lần chối cãi, người chồng nhận là đã lấy giấy tờ đó đi nhưng nhất quyết không đưa.
Giờ đây, ngoài làm ruộng chăn nuôi, chị tranh thủ đi cắt nhựa cây sơn để kiếm thêm thu nhập nuôi con. Gia đình có nguy cơ tan vỡ, không biết số phận chị và những đứa con sau này sẽ ra sao. Với chị, cuộc sống hôn nhân ngày càng đen tối, hạnh phúc là thứ xa xỉ mà chị không dám mơ đến.
Trao đổi về trường hợp của chị Mến, Chủ tịch UBND xã Tân An cho biết, từ lâu địa phương đã nghe thông tin về việc vợ chồng nhà chị Mến thường xuyên mâu thuẫn. Vị Chủ tịch xã cho hay: “Nếu sự việc diễn ra nghiêm trọng hơn, chính quyền địa phương sẽ có biện pháp can thiệp. Việc vợ chồng tranh chấp ngôi nhà, địa phương cũng đã nắm rõ, các ngành chức năng đang trong quá trình xem xét phân xử”.
Trịnh Ninh