Bộ lạc trên đỉnh núi
Bộ tộc Dogon thuộc đất nước Mali, miền Tây Phi có số dân khoảng từ 400-800 nghìn người. Lịch sử cổ đại và nguồn gốc bộ tộc Dogon cho đến nay vẫn chưa tài liệu nào chỉ rõ. Nhiều dự đoán cho rằng họ có thể đến từ nhiều dân tộc khác nhau tập hợp lại do chạy trốn một cuộc đàn áp nào đó.
Tuy nhiên, người Dogon vẫn truyền miệng cho nhau nghe về nguồn gốc của mình, họ đến từ khu vực bờ tây con sông Niger thuộc đất nước Burkina Faso nằm ở Tây Phi vào khoảng thế kỷ X- XIII sau Công nguyên. Sau này để chạy trốn cuộc đàn áp Hồi giáo, người Dogon chạy về cư trú tại những vách đá miền đông nam đất nước Mali hiện tại. Mãi cuối thế kỷ XIX, họ mới tiếp xúc với người châu Âu.
Bộ lạc nằm trên đỉnh núi sa thạch cao khoảng 500m và trải dài gần 150km, với hàng chục ngôi làng được xây dựng chạy dọc theo những vách đá, kèm theo đó là hệ thống hang động cổ xưa rộng lớn. Độc đáo hơn, khu chôn cất người chết nằm ngay ở phía trên nhà của mỗi ngôi làng, cao hơn và có bậc thang đi lên. Các khu chôn cất người chết của bộ tộc này đang được đề nghị công nhận là di sản văn hóa thế giới bởi ý nghĩa văn hóa chứa đựng ở đó.
Theo nhiều người, khi sống trên những vách đá sa thạch khô hạn và khắc nghiệt, người Dogon sẽ khó có thể tồn tại. Nhưng thực tế, nền kinh tế của bộ tộc này lại khá phát triển, dựa vào các hoạt động nông nghiệp. Người Dogon rất giỏi trong việc canh tác, họ chủ yếu trồng cây kê, lúa, đậu, cây me chua, thuốc lá và hành. Ngoài ra, họ cũng chăn nuôi thêm cừu, dê, bò và một số loại gia cầm.
Trong những năm gần đây, Dogon cũng đã phát triển mối quan hệ hòa bình với các xã hội khác, đa dạng chế độ ăn uống. Cứ 4 ngày, người Dogon tham gia vào các khu chợ với các bộ lạc lân cận, như Fulani và Dyula và bán các mặt hàng nông sản như: hành tây, ngũ cốc, bông và thuốc lá. Họ mua đường, muối, hàng hóa châu Âu và nhiều sản phẩm động vật, như sữa, bơ và cá khô…
Nhà của người Dogon được xây đắp bằng một loại bùn đặc quánh. Chúng có kiến trúc rất độc đáo với mái lá, nhìn như những túp lều tranh nằm san sát nhau. Phía trước mỗi nhà có đặt một số bức tượng chạm trổ tinh xảo, thể hiện được cuộc sống, hoạt động nghệ thuật, sự khéo léo của nghệ nhân Dogon.
Có hai kiểu nhà khác nhau, những ngôi nhà có mái nhọn dành cho nam giới, nơi đây còn lưu trữ hạt giống và ngũ cốc. Còn những ngôi nhà mái bằng dành cho nữ giới cất giữ đồ đạc riêng tư, vì trong xã hội Dogon người phụ nữ độc lập về kinh tế, không phụ thuộc người chồng.
Tại trung tâm của mỗi ngôi làng đều có một Toguna. Toguna là một ngôi nhà có cấu trúc nhỏ, đơn giản. Đây là trung tâm gặp gỡ chỉ dành riêng cho đàn ông, cùng thảo luận trao đổi các vấn đề quan trọng của làng. Đặc biệt ngôi nhà này thiết kế mái thấp, chỉ có thể ngồi tranh luận chứ không đứng lên được. Lý do rất đơn giản, khi cuộc tranh luận lên đến đỉnh điểm thì họ vẫn ngồi yên vị trí không đứng lên được, hạn chế bạo lực xảy ra.
Phần lớn hôn nhân của người Dogon theo chế độ một vợ, một chồng và rất ít hôn nhân đa thê. Việc lấy vợ sẽ do cha mẹ quyết định và chỉ giới hạn trong gia tộc. Mặc dù được cưới hỏi đàng hoàng, nhưng cho đến khi sinh đứa con đầu lòng, người vợ mới chính thức là thành viên của gia đình chồng. Trước đó, người phụ nữ có thể thoải mái ly dị, nhưng sau khi có con, bỏ chồng là việc rất hệ trọng và hiếm khi xảy ra.
Mỗi ngôi làng có một pháp sư gọi là Hogon. Nhà của pháp sư được xây dựng đẹp và kiên cố hơn so với các ngôi nhà khác trong làng. Người được bầu chọn làm pháp sư phải là trưởng bối uy tín nhất trong làng. Theo quy định, kể từ lúc trở thành pháp sư Hogon, người dân bị cấm không được chạm tay vào người Hogon và ông phải sống tách biệt một mình không được tắm rửa hay cạo râu trong suốt một thời gian dài.
Trong thời gian này, Hogon sẽ được dân làng dâng tặng một trinh nữ đang bước vào tuổi dậy thì để phục vụ việc ăn uống, dọn dẹp nhà cửa, nhưng cô gái cũng không được phép đụng vào người ông và có thể về nhà với cha mẹ mỗi tối.
Pháp sư có quyền hành cao nhất ở mỗi ngôi làng và có vai trò như một người cầm cân nảy mực mang lại sự công bằng giữa các thành viên trong bộ tộc. Ông ấy được cho là người có khả năng cầu mưa, gọi gió khi mùa màng khô hạn.
Nền “thiên văn” bí ẩn
Dogon là một bộ tộc cực kỳ bí ẩn, trí tuệ về thiên văn của họ đã làm lạc hướng các nhà nghiên cứu trong nhiều thế kỷ. Dù không có kính viễn vọng, nhưng người Dogon lại được truyền dạy từ đời này qua đời khác theo những bức họa có hình thù kỳ dị trên những vách đá, chính điều này đã hé mở vì sao người Dogon lại có khả năng phi thường về vũ trụ như vậy.
Nhờ những hình thù trên vách đá mà người Dogon đã phát hiện ra sao Thiên Lang, ngôi sao sáng nhất trên bầu trời. Chúng có thể xuất hiện như một ngôi sao đơn, nhưng thực chất nó là hệ sao kép hoặc thậm chí có thể là bộ ba ngôi sao, theo các quan sát năm 1920. Tuy nhiên, người Dogon biết về “hệ ba sao” từ trước, và đó là nguyên nhân gây xôn xao.
Người Dogon cho rằng, điều thiêng liêng nhất mà hầu hết các truyền thuyết cổ xưa của họ đều nhắc đến, đó là một ngôi sao đi kèm ngôi sao chính Thiên Lang, tên gọi “Po Tolo”. Thậm chí điều thú vị hơn là người Dogon biết được hành trình hoàn tất quỹ đạo của nó mỗi 50 năm, điều này đã được các nhà thiên văn hiện đại chứng thực. Đáng chú ý hơn, Dogon biết về sự tồn tại của một ngôi sao thứ ba mà họ gọi là “Emme Ya”.
Người Dogon có kiến thức chi tiết hệ Mặt trời, họ biết về sao Mộc và nhắc đến ngôi sao này như một hành tinh khổng lồ tên là “Dana Tolo”, không những thế họ còn biết sao Mộc có 4 vệ tinh tự nhiên lớn nhất và 1 vành đai vây quanh.
Những câu chuyện “thần thoại” của người Dogon cũng mô tả quỹ đạo elip của các hệ hành tinh xung quanh mặt trời, thậm chí họ còn biết Mặt trời là “hệ anh em” của sao Thiên Lang. Họ cho rằng hai hệ thống này đã tách riêng thành hai hệ thống sao khác nhau nhưng cùng một nguồn gốc.
Một cuốn sách đã tiết lộ vì sao người Dogon có thể biết rõ về vũ trụ như thế, bởi cách đây khoảng 5 ngàn năm, các sinh vật từ sao Thiên Lang đã đến thăm bộ tộc Dogon và dạy cho thổ dân Dogon những kiến thức về vũ trụ.
Giả thuyết khác cho rằng, người Dogon vẫn còn vách đá đánh dấu hướng của ngôi sao Thiên Lang và mặt trời mọc hay từ vị trí một cái hang bí mật nào đó của người Dogon có thể quan sát thấy sao Thiên Lang.