Như báo PLVN đã đưa tin, chiều 28/11, Nguyễn Quang Huy (SN 1973, Chánh văn phòng TAND huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) đã bị bắt vì có lệnh truy nã cách đây 26 năm.
Liên quan đến vụ việc, báo PLVN đã tìm hiểu về bản án năm 1993. Trong vụ án này, Huy bỏ trốn và bị truy nã nhưng 3 đồng bọn đã bị pháp luật trừng trị nghiêm khắc
Tại bản án số 02/HSST ngày 12/1/1993 của TAND tỉnh Hòa Bình do Phó Chánh án Bùi Thành Lê làm chủ tọa xét xử vụ án Trương Phú Quyền (SN 1965) là chủ mưu cùng đồng bọn phạm tội "Phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia", được quy định tại Khoản 1 Điều 94, Bộ luật hình sự năm 1985.
Cáo trạng số 66 ngày 17/12/1992 ghi rõ, Trương Phú Quyền, khi đó là bảo vệ Nhà máy Thủy điện Hòa Bình cùng với Đào Văn Tụ (SN 1958), Lương Xuân Học (SN 1955) đã có hành vi trộm dầu thủy lực tại nhà máy. Trong vụ án này, Quyền là chủ mưu.
Năm 1992, Huy cùng đồng bọn đã có hành vi trộm dầu thủy lực tại nhà máy thủy điện Hòa Bình. Ảnh minh họa |
Khi làm bảo vệ nhà máy, Quyền có nhiệm vụ bảo vệ cửa nhận nước của nhà máy thủy điện. Trong khi làm nhiệm vụ, Quyền phát hiện dầu thủy lực tại bể chứa là loại dầu đặc chủng trong việc nâng hạ cánh phai của tổ máy 3 và 4 nhà máy thủy điện. Từ đó, Quyền nảy sinh ý định trộm dầu.
Lợi dụng ca trực của mình là ca 3 (từ 4h đến 8h sáng) và nắm được quy luật của anh em công nhân vận hành máy tại cửa nhận nước thường xuyên ngủ trong ca trực đêm, Quyền bàn bạc với Tụ, Học kế hoạch trộm dầu. Các bị cáo này đã thực hiện trót lọt hành vi 3 lần.
Lần đầu tiên vào cuối tháng 5/1992. Quyền lên nhà Tụ, Học cùng đi. Sau đó, Tụ và Học rủ thêm Nguyễn Quang Huy (SN 1973) cùng tham gia nhóm.
Đến ca trực, Quyền đón 3 đồng bọn tại cửa nhận nước. Quyền trèo vào bể chứa dầu múc dầu ra ngoài cho đồng bọn. Lần này, cả nhóm lấy được 6 can loại 20 lít, tổng cộng là 120l dầu. Học, Tụ và Huy gánh dầu về giấu ở gần nhà. Học và Tụ đưa vợ mang đi bán còn Huy tự bán số dầu của mình là 2 can với tổng cộng 40l.
Lần thứ 2 cách lần đầu khoảng 3 ngày. Nhóm của Quyền tiếp tục có hành vi trộm dầu. Lần này, với thủ đoạn tương tự, nhóm lại tiếp tục lấy được 120l dầu.
Lần thứ 3, cách lần thứ 2 khoảng 3 ngày nhưng lần này Tụ không tham gia. Do trời mưa to, Quyền bỏ ca trực nên Huy và Học không lấy được dầu mà bỏ về.
Lần thứ 4, cách lần thứ 3 khoảng 3-5 ngày, nhóm Quyền tiếp tục lấy được 120l dầu đựng trong 6 can như những lần trước. Quyền vẫn là người trèo vào bể dầu lấy đưa ra ngoài cho đồng bọn. Huy vẫn tự đem bán trong khi Học và Tụ đem về nhà cho người thân đi tiêu thụ.
TAND huyện Cao Phong, nơi Huy làm việc trước khi bị bắt sau 26 năm trốn truy nã. Ảnh: IT |
Tổng cộng cả 3 lần, nhóm đối tượng đã lấy trót lọt 360l dầu tại bể thủy lực đem bán với giá 3.000 đồng/l, thành tiền là 1.080.000 đồng.
Quá trình điều tra vụ án, Nguyễn Quang Huy bỏ trốn khỏi địa phương nên Cơ quan điều tra đã ra lệnh truy nã và quyết định tạm đình chỉ điều tra, đợi khi nào bắt được sẽ tiếp tục xử lý sau.
Về phần các bị cáo bị đem ra xét xử, Hội đồng xét xử nhận định, hành vi của các bị cáo xâm hại trực tiếp đến công trình trọng điểm của Nhà nước, xâm hại trực tiếp đến sự an toàn tuyệt đối vận hành của Nhà máy thủy điện nên cần phải có hình phạt nghiêm khắc để răn đe.
Nguyễn Phú Quyền bị tuyên phạt 4 năm tù. Các bị cáo Học và Tụ bị tuyên phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Riêng Huy bỏ trốn nên có lệnh truy nã sau đó.