Thế đất hoa sen nơi Phật ngự
Tứ Pháp là các vị Phật - Bồ Tát có nguồn gốc từ những nữ thần trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam gồm: Mây - Mưa - Sấm - Chớp. Các yếu tố này đại diện cho các hiện tượng tự nhiên có vai trò quan trọng trong nền nông nghiệp lúa nước.
Các vị Tứ Pháp vừa là Phật, vừa là Bồ Tát, vừa là Thần, lại mang nữ tính. Vì vậy, tín ngưỡng Tứ pháp là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa Phật giáo và Tín ngưỡng dân gian qua câu chuyện nhà sư Ấn Độ và cô gái Man Nương. Tương ứng với 4 yếu tố tự nhiên kia trong Phật giáo là bốn vị Đại Thánh Pháp Vân – Pháp Vũ – Pháp Lôi – Pháp Điện.
Chùa Đậu nằm ở cuối làng Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, ngoại thành Hà Nội. Cổ tự nằm trong hệ thống các chùa tại Hà Nội thờ tự Tứ Pháp. Nơi đây đã có lịch sử gần 2000 năm tuổi với những huyền tích gắn liền với Pháp Vũ. Chùa có 5 tên gọi khác nhau: Thành Đạo Tự, Pháp Vũ Tự, Chùa Vua, Chùa Bà, Chùa Đậu.
Tương truyền dưới thời Sĩ Nhiếp, khi đó ở phía Nam thành Luy Lâu (thủ phủ của cả Giao Châu từ năm 111 TCN đến 106 TCN) có xuất hiện một luồng linh khí. Quánh Thông một thầy địa lý nổi tiếng thời đó theo lệnh Sĩ Nhiếp liền tìm về đất Gia Phúc. Tại đây Quánh Thông thấy thế đất trông tựa hình dáng một bông hoa sen đang nở.
Về tới kinh thành, ông liền trình với Sĩ Nhiếp, Sĩ Nhiếp khi đó cho rằng hoa sen là nơi đất Phật ngự nên bèn cho lập chùa đặt tên là Thành Đạo Tự. Sau đó, ngài cho rước Đại Thánh Pháp Vũ Đại Bồ Tát về thờ nên còn được gọi là Pháp Vũ Tự.
Chùa Đậu đã trải qua gần 2000 năm tuổi |
Sau khi xây dựng theo lệnh Sĩ Nhiếp nơi đây chỉ dành cho các bậc Vua Chúa đến lễ, người dân chỉ được lễ trong ba ngày hội chính nên được gọi chùa Vua. Thường ngày, dân làng quanh vùng chỉ làm lễ trong chùa nhỏ bên cạnh - chùa Am. Theo các vị tu hành nơi đây bởi Bồ Tát hiện thân nữ nên có tên gọi chùa Bà.
Ngay từ khi được xây dựng, chùa Đậu không chỉ có các bậc Vua Chúa tới cầu cho quốc thái dân an mà các bậc trí sĩ cầu nghiệp lớn, mong đỗ đạt cũng thường tìm về đây. Người dân thường thì mong cho cây cối đậu hoa, đậu quả. Tất cả những ý đó đã giúp chùa được gọi với tên chùa Đậu như ngày nay. Chữ Đậu cũng là chữ rút gọi từ chữ Thành Đạo theo Hán ngữ.
Cảnh đẹp cùng sự linh ứng, công đức vô lượng của chùa Đậu được ghi lại trong cuốn “Sách đồng” còn lưu giữ tại chùa:
“Đồng bằng bát ngát nẩy tòa sen/ Phật ngự trang nghiêm tựa động tiên. Đất Phúc xây nên cây nguyệt điện/ Trời Nam riêng hẳn cảnh thiên nhiên. Lô hương khói tỏa tan niềm tục/ Hồ ngọc trăng soi rõ cửa thiền. Công đức từ bi sao xiết kể/ Công lao vô lượng lại vô biên".
Độc nhất trong hệ thống Tứ Pháp
Theo Đại đức Thích Quang Minh (đã ở chùa 30 năm), trước đây bức tượng Pháp Vũ của chùa Đậu cũng được làm từ chất liệu gỗ dâu như các bức tượng nằm trong hệ thống Tứ Pháp ứng theo truyền thuyết Man Nương. Tuy nhiên, vào năm 1947, thực dân Pháp đã nhẫn tâm đốt ngôi Tam Bảo của chùa Đậu, trong đó có cả bức tượng Đại Thánh Pháp Vũ Đại Bồ Tát. Đến khoảng những năm 1963 – 1964, bức tượng Pháp Vũ được một vị trụ trì cho đúc lại bằng đồng và đặt vào khu vực Cung cấm thuộc ngôi Tam Bảo.
Nhiều người chỉ biết đến chùa Đậu bởi hai pho tượng nhục thân nổi tiếng của hai vị Thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường. Dẫu biết chùa Đậu thờ Đại Thánh Pháp Vũ nhưng chưa ai được thấy tượng ngài.
Điều này dễ hiểu bởi tượng Pháp Vũ chùa Đậu được đặt trong Cung cấm, đây là khu vực mà chỉ “các vị sư trong chùa được phép vào bao sái (vệ sinh bát hương) hay thắp hương, thắp nến hàng ngày”. Tuy nhiên, về cơ bản tượng vẫn giữ được khuôn mẫu giống như các tượng trong hệ thống Tứ Pháp.
Pho tượng thuộc loại hình điêu khắc tượng tròn, tư thế tọa thiền trên tòa sen và có cấu trúc tổng thể gồm hai phần: Phần tượng và phần bệ tượng nhưng là một thể thống nhất. Cả hai hợp lại mới tạo thành một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh. Vì được chế tác bằng đồng nên tượng Pháp Vũ tại chùa Đậu không được sơn nguyên một màu son như các tượng Tứ Pháp như ở chùa Dâu (Bắc Ninh).
Về nghệ thuật, cách tạo tượng Pháp Vũ chùa Đậu vẫn giống với dòng tượng Ấn Độ - Khơ-me. Nghệ thuật tạo tượng vẫn bảo lưu đậm nét cách tạo hình của Phật giáo Ấn Độ nguyên thủy được các nhà sư Ấn Độ đưa sang. Bức tượng Pháp Vũ ở chùa Đậu được để trần, quấn xà rông, nhân tướng theo kiểu Ấn Độ, mũi cao, lõ.
Tuy nhiên, thân hình là Phật mẫu nên mang vẻ đẹp gợi cảm của người phụ nữ khác xa với hình tượng Quan Âm mang hình dạng nam của Ấn Độ. Điều này cũng khẳng định dấu ấn bản địa Việt Nam của một giai đoạn mẫu hệ còn tồn tại. Cho đến bây giờ vẻ đẹp của tượng Phật Việt Nam nói chung và tượng Tứ Pháp nói riêng vẫn là vẻ đẹp nữ, chứ không phải mang tướng nam nhân. Vì thế những tượng Phật Tứ Pháp ở Việt Nam rất nữ tính, đôi tay, thân người thon gọn, đẹp gợi cảm.
Bức tượng Đại Thánh Pháp Vũ Đại Bồ Tát bằng đồng tại chùa Đậu. |
Đại đức Thích Quang Minh cho hay, hàng năm vào ngày 26 tháng Chạp, chùa Đậu cùng con dân quanh vùng lại tổ chức lễ rước nước tắm tượng Pháp Vũ để chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán. Nghi lễ này xuất phát từ xa xưa và vẫn được các vị tăng ni, phật tử tại chùa Đậu duy trì tới ngày nay. Nghi lễ được bắt đầu vào khoảng 8h ngày 26, tháng Chạp, toàn bộ người dân làng Đậu sẽ tổ chức rước kiệu tới thôn bên cạnh là Hòe Thị (xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín).
Tại đây có một giếng nước rồng, tương truyền khi xây dựng chùa Pháp Vũ người ta thấy một long mạch nối dài tới giếng nước của làng Hòe Thị. Long mạch này tiếp tục kéo dài và bắt ra sông Hồng nên bởi vậy nguồn nước tại con giếng làng Hòe Thị chưa bao giờ cạn. Hơn nữa, nước giếng quanh năm trong sạch và mát lành. Từ đó, các bậc tiền nhân cho rằng giếng nước tượng trưng cho mắt rồng, nước trong sạch để có thể dùng tắm cho tượng Phật Pháp Vũ.
Trước khi nghi lễ diễn ra, nhân dân tại thôn Hòe Thị sẽ cấm giếng, không cho người dân lấy nước sinh hoạt trong vòng một tuần trước đó. Việc làm này nhằm để đảm bảo sự thanh tịnh có thể dâng lên đức Phật. Các vị chư tăng sẽ làm lễ xin nước tại đây. Nước lễ được đựng vào một ché to và rước quay lại chùa Đậu.
Khi rước về chùa Đậu các thầy ở chùa trước hết sẽ tổ chức làm lễ cúng Phật sau đó là sái tịnh. Nghi thức sái tịnh cũng gọi là sái thủy, có nghĩa là rưới nước thơm để cho mọi vật được trong sạch. Trong Phật giáo, trước khi tu các bí pháp cần phải sái tịnh đạo tràng và những cúng phẩm. Nước thơm sau khi đã được gia trì ấn chú, đem rảy quanh đạo tràng và trên các vật phẩm dâng cúng khiến cho tất cả đều được thanh tịnh.
Buổi lễ được kết thúc vào khoảng 11h sau nghi thức tế lễ của xã. Buổi chiều, các nhà sư tại chùa Đậu sẽ dùng nước giếng rồng trong buổi lễ đó để tắm cho tượng bồ Tát Pháp Vũ. Kết thúc là đội tế của xã hàng tế Tổng làm lễ tế đến khoảng 11h thì bắt đầu đến buổi chiều nhà chùa dùng nước đó để báo sái, tắm cho tượng bồ Tát Pháp Vũ. Nghi lễ này giống như nghi thức tắm Phật trong ngày lễ Phật đản.
“Trước khi đón Tết nguyên Đán thì chùa Đậu tổ chức tắm cho tượng Pháp Vũ, cho tượng sạch sẽ rồi đón Tết nguyên đán. Phục vụ cho việc vua chúa đến cầu đảo mỗi khi dịp Tết đến xuân về. Cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu”, Đại đức Thích Quang Minh cho hay.