Theo luật tục của người Chu ru, sau ngày "lễ bắt chồng", ai còn "léng phéng’’ với nhân tình cũ thì sẽ bị phạt đền 3 con trâu đực. Đây cũng được xem như một luật tục bảo vệ hôn nhân chung thủy "một vợ, một chồng" của người Chu ru.
Ngoại tình được coi là trọng tội
Đồng bào Chu ru sinh sống nhiều ở các xã vùng sâu thuộc địa bàn huyện Đức Trọng (Lâm Đồng). Với bản tính chất phác, đồng bào dân tộc trên khắp Tây Nguyên coi ngoại tình là hành vi nghiêm trọng, đáng lên án và tối kỵ. Từ xa xưa, ngoại tình và thông dâm là hai tội bị luật tục của người Chu ru trừng phạt cực kỳ nghiêm khắc. Người phạm phải những điều tối kỵ sẽ bị cộng đồng làng trừng phạt nặng nề bằng những vật phẩm thích đáng. Tục lệ phạt vạ được thiết lập nhằm răn đe, giáo dục, trừng phạt người có thói “vụng trộm” hoặc vì trót dại mà “léng phéng” với tình riêng.
Cộng đồng người Chu ru vốn cư trú trên một lãnh thổ theo tộc người tương đối thống nhất, vì thế từ trước tới nay họ vẫn thường có quan hệ hôn nhân trong nội bộ dân tộc. Chế độ hôn nhân của người Chu ru là một chồng một vợ, người chồng sau khi bị bắt về sẽ phải ở rể và sống bên nhà vợ đến suốt đời. Người phụ nữ đóng vai trò chủ trốt, quan trọng nên mọi chuyện trong gia đình do người phụ nữ quyết định. Con cái sinh ra phải mang họ của mẹ, cho đến khi chết đi mồ mả vẫn phải thuộc dòng họ mẹ.
Cũng như nhiều đồng bào dân tộc thiểu số khác ở Tây Nguyên, trong cộng đồng người Chu ru, hiện tượng quan hệ nam nữ tiền hôn nhân không được xem là hệ trọng, vấn đề trinh tiết của người phụ nữ không hề ảnh hưởng đến hôn nhân. Người Chu ru có quan niệm khá thoáng về vấn đề trinh tiết nhưng một khi đã kết hôn thì chung thủy phải đặt lên hàng đầu.
Bởi vậy ngoại tình bị coi như là trọng tội, bị luật tục của đồng bào trừng phạt rất nặng nề và nghiêm khắc. Có lẽ cũng vì thế, ly hôn rất ít khi xảy ra, nếu có thì phải được sự chấp thuận của già làng và sự đồng thuận của hai bên gia đình nội, ngoại dưới sự chứng kiến của nhiều người có uy tín trong làng.
Đại ngàn Tây Nguyên bao la nơi đồng bào dân tộc sinh sống hiện còn lưu giữ nhiều luật tục thú vị. |
Theo quan niệm của người Chu ru, một khi phụ nữ đã có chồng và người đàn ông đã được bắt về làm chồng mà đi ngoại tình thì sẽ được đem ra xử lý. Người nào cố tình phạm vào những điều tối kỵ của buôn làng đặt ra thì đều bị trừng phạt thích đáng. Sau khi bắt quả tang ai đó “vụng trộm” với kẻ khác, một cuộc họp khẩn cấp giữa hai bên gia đình thông gia sẽ được triệu tập để xử lý kẻ vi phạm cùng nhân tình. Kẻ phản bội sẽ bị người kia yêu cầu phải đáp ứng phạt vạ. Người ngoại tình sẽ bị bà con trong buôn làng xem thường, khinh rẻ vô cùng, thậm chí bị cách ly.
Ngoài việc bồi thường danh dự cho vợ hoặc chồng của người kia còn phải bồi thường cho chính vợ hoặc chồng mình vì những đêm đi ngủ với người khác ở bên ngoài. Nếu chồng ngoại tình thì phải phạt vạ cho chính vợ mình 3 con trâu đực, và những đồ vật mà gia đình nhà vợ yêu cầu. Còn khi người vợ mà bị bắt quả tang “tòm tem” với người khác cũng phải nộp cho chồng 3 con trâu đực và 1 ché rượu. Trong đó, 1 con cho người bị hại, 1 con cho vợ hoặc chồng của bị cha mẹ bị hại và 1 con cho buôn làng mổ ăn trong buổi lễ xét xử phạt vạ.
So với luật tục của đồng bào K’ho ở một số địa phương ở Lâm Đồng thì việc phạt vạ của người Chu ru có phần nhẹ nhàng hơn. Bởi với người đàn bà K’ho mà ngoại tình trước khi hết tang chồng thì phải nộp phạt cho gia đình người chết 6 con trâu, 1 áo, 1 mền, 1 vòng đeo cổ, và làm lễ giao hòa phải nộp thêm một ché rượu, 1 con vịt và 1 con gà mái. Chẳng may người chồng qua đời, vợ chỉ được tái giá trước thời hạn ấn định khi cha mẹ người chồng quá cố cho phép.
Người đàn ông đã lập gia đình mà có con với một người đàn bà khác thì phải nộp cho người vợ bị phản bội 6 con trâu, 2 con dê, 1 con gà mái, 1 ché rượu, 1 cái áo, 1 vòng đeo cổ, còn cô nhân tình thì phải nộp 6 con trâu.
Phát huy tác dụng răn đe và phòng ngừa chung
Tuy nhiên luật tục của người Chu ru cũng hết sức công bằng, người nào tố cáo người khác phạm tội ngoại tình mà không có chứng cứ để chứng minh sự xác thực của lời tố cáo thì cũng sẽ bị làng đem ra xử lý làm hòa và bồi tường danh dự cho người bị vu khống. Có thể thấy, luật tục của người Chu ru được ra đời từ rất sớm nhưng bên cạnh những hình thức phạt vạ nặng nề họ đã có được những điều tiến bộ vượt trội, đặc biệt là những quy định về nghĩa vụ của con cái đối với cha mẹ và ngược lại.
Theo tập tục truyền thống của người Chu ru, khi vợ chồng không muốn sống với nhau nữa thì cho phép ly dị nếu một trong hai người ngoại tình hay vi phạm phong tục gây ảnh hưởng đến đời sống gia đình.
Đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên. |
Tuy nhiên, tình trạng ly hôn ở người Chu ru rất ít khi xảy ra bởi sự ràng buộc rất chặt chẽ của tập tục từ khi nam nữ thành vợ, thành chồng. Nếu khi có dấu hiệu rạn nứt tình cảm vợ chồng vì những lý do khác nhau, hai bên gia đình, dòng họ sẽ tìm cách khuyên ngăn, hòa giải. Nếu vẫn không giải quyết được thì sẽ tổ chức một buổi họp, ngoài các thành viên chủ chốt của hai bên nội ngoại còn có sự tham gia của già làng.
Trường hợp đặc biệt phải ly hôn thì những người ly hôn phải chịu phạt và phải được cha mẹ, già làng chấp nhận. Khi đã ly hôn, gia đình nhà trai buộc phải trả lại số lễ vật mà trước đó đã thách cưới nhà gái (trị giá đồ vật có thể được tính giảm đi theo số năm người chồng ở bên nhà vợ). Hoặc nếu người vợ chết mà người chồng đi lấy người vợ khác thì cũng phải hoàn trả lại số lễ vật nhà gái đã đưa cho nhà trai trong lễ ăn hỏi.
Trường hợp người chồng hoặc người vợ chết, bên nhà vợ hoặc chồng không có người em để thực hiện tục “nối dây” hoặc không đồng ý lấy thì được phép có vợ hoặc chồng khác sau khi mãn hạn tang. Trường hợp này, không phải hoàn trả lại của hồi môn, nhưng không được mang theo con và phải tổ chức lễ cưới.
Tuy nhiên, ngay khi phát hiện ra người chồng hoặc vợ thay đổi tình cảm, hoặc tư tưởng đến mối tình bên ngoài thì người còn lại sẽ sử dụng những câu câu ca được lưu truyền nhiều đời trong đời sống vợ chồng như: “Đêm qua tôi ngủ nằm mơ thấy con trăn nằm trên đầu giường”. Câu ca đó giống như một lời răn đe với người cùng chăn gối của mình nên từ bỏ ý định ngoại tình nếu có hoặc từ bỏ cuộc tình nếu trót lỡ “léng phéng” với “tình riêng” bên ngòai.
Nếu lời răn đe đó không có tác dụng, thì gia đình hai bên sẽ tìm cách khuyên bảo chàng trai hoặc cô gái nên tôn trọng quan niệm: “Đã nằm xuống đây thì chỉ tay trong tay nắm chặt/ Để trọn đời có chửa, có con”.
Cuối cùng, nếu những biện pháp này vẫn vô hiệu thì người mẹ vợ sẽ mang hai chiếc nhẫn trống - cái trong lễ kết hôn của hai người trước đó ra để làm bằng chứng. Hành động này vừa có nghĩa khuyên can, vừa thuyết phục nhưng đồng thời hàm chứa sự răn đe về một hình phạt như một cực hình mà người ngoại tình phải gánh lấy nếu không chịu “quay đầu lại”. Hình phạt ấy như một lời nguyền sẽ đeo bám những người vi phạm suốt cả đời.
Với những cặp vợ chồng nào mà bội bạc, ly hôn thì theo lời nguyền của chiếc nhẫn, họ sẽ không bao giờ có được hạnh phúc trong quãng đời còn lại kể cả có lấy thêm bao nhiêu vợ, hoặc chồng đi chăng nữa. Với những cặp vợ chồng nào mà bội bạc, ly hôn thì theo lời nguyền của chiếc nhẫn, họ sẽ không bao giờ có được hạnh phúc trong quãng đời còn lại kể cả có lấy thêm bao nhiêu vợ, hoặc chồng đi chăng nữa.
Một già làng ở xã Ka Đơn (huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) cho biết: “Phong tục của người Chu ru hiện nay tuy đã khác xưa nhiều lắm rồi nhưng sự ảnh hưởng của phạt vạ vẫn ăn sâu vào tiềm thức và đời sống người dân. Nhiều trường hợp nếu không được tuyên truyền, hòa giải kịp thời thì chắc chắn sẽ bị phạt vạ, bồi thường nặng nề lắm.
Nhiều khi phải bán cả ruộng vườn, tài sản đi để sắm lễ nộp phạt vạ cho người bị hại và cả làng. Nhưng nhìn chung tiến bộ nhiều lắm, người dân giờ sống và áp dụng chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, bởi phạt vạ xét về nhiều khía cạnh không còn thích hợp nữa".
Tuy nhiên, không thể phủ nhận luật tục có vai trò tích cực góp phần vào việc quản lý cộng đồng, dân cư. Một số luật tục tiến bộ vẫn được duy trì cùng hệ thống vi phạm pháp luật hoặc luật hóa những quy phạm luật tục mang tính tích cực.