Văn hóa ẩm thực
Tết là dịp cả gia đình sum vầy bên mâm cơm nhà, chính vì vậy, người Việt thường đặc biệt coi trọng mâm cỗ ngày Tết. Xuất phát từ những yếu tố ngoại cảnh như địa lý, khí hậu, văn hóa…, mỗi vùng lại có những biến tấu món ăn khác nhau.
Bắc bộ, mảnh đất kinh kỳ với những con người tinh tế và khéo léo nên mâm cỗ Tết của người miền Bắc rất chú trọng về hình thức và thường thể hiện sự cầu kỳ, tỉ mỉ. Cùng với bánh giày, bánh chưng là thức ăn trang trọng nhất được đặt lên bàn thờ ngày Tết để tưởng nhớ ông bà, tổ tiên. Người Bắc thường có câu: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”; không có thịt mỡ, dưa hành, không có bánh chưng là không phải ngày Tết. Ngoài ra, người miền Bắc còn có món thịt đông ăn trong ba ngày Tết, cùng với giò lụa, thịt gà… đây đều là món ăn phù hợp với khí hậu lạnh.
Nổi bật trong mâm cỗ ngày Tết ở Miền Trung là các món cuốn như cuốn thịt luộc, cuốn tai heo… kèm theo đủ các loại rau, nước chấm cùng với mắm nêm đậm đà. Các món ăn được chế biến có phần mặn và cay. Trên ban thờ của người miền Trung lúc nào cũng có bánh Tét (hay còn gọi là bánh đòn) với các nguyên liệu, vỏ và nhân bánh giống với bánh chưng, nhưng có hình trụ dài.
Mâm cỗ Tết miền Bắc không thể thiếu bánh chưng xanh. Ảnh minh họa: Bách hóa xanh |
Nam Bộ nổi tiếng là vùng đất với những con người sởi lởi, lại thêm nhiều sản vật tự nhiên rất phong phú. Bởi vậy, văn hóa ẩm thực ngày thường cũng như ngày Tết ở miền Nam thường đơn giản hơn so với miền Bắc và miền Trung. Theo đó, mâm cỗ Tết thường có nhiều đồ nguội do thời tiết nắng nóng. Hầu như nhà nào cũng có ba món cơ bản là bánh tét, bánh tráng và nồi thịt kho tàu. Khác với bánh tét miền Trung, người dân Nam bộ có món bánh tét đặc trưng với lá cẩm tím chỉ dành riêng cho những dịp lễ quan trọng. Ngoài bánh tét và thịt kho tàu, canh khổ qua cũng là món đặc trưng trong ngày Tết của vùng Nam bộ.
Phong tục đón Tết
Phong tục đón Tết của người miền Bắc và miền Trung khá sớm. Bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp âm lịch, người dân hai miền đã sắm sửa lễ vật để tiễn ông Táo về trời. Chơi đào Tết cũng là một thú vui không thể thiếu trong phong tục ngày Tết của người dân hai miền. Ngoài ra, người dân vùng này còn chưng thêm quất trong ngày Tết cổ truyền. Trung bộ cũng là mảnh đất giao thoa văn hóa giữa hai miền Bắc - Nam nên người dân có thể chơi cả đào và mai.
Tết ở miền Nam bắt đầu muộn hơn so với miền Bắc và miền Trung. Người miền Nam không quá cầu kỳ trong việc dọn nhà đón Tết nên không chuẩn bị Tết quá sớm. Tết với người miền Nam thường bắt đầu từ ngày 27 - 28 tháng Chạp âm lịch, nhưng kéo dài tới tận Rằm tháng Giêng.
Nếu như khí hậu lạnh của miền Bắc phù hợp trồng đào thì miền Nam lại chuộng hoa mai do khí hậu nóng ẩm. Người miền Nam cho rằng, màu vàng tươi sáng của hoa mai là biểu tượng của tiền tài, thành đạt, vinh hiển. Nếu hoa mai nở đúng lúc giao thừa hay sáng sớm mùng Một thì gia đình sẽ có nhiều may mắn, thịnh vượng và hạnh phúc.
Điểm đặc biệt của người dân cả ba miền là ngày mùng Một Tết thường dành cho gia đình theo đúng nghĩa “mùng Một tết Cha”. Vào ngày này, con cháu trong gia đình thường tập trung về chúc Tết ông bà, sau đó mới vui chơi cùng bạn bè và tham gia lễ hội hoặc đến các điểm vui chơi giải trí.
Giới trẻ miền Bắc với trang phục truyền thống du xuân tại Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Nguyễn Đăng Khoa |
Những điều kiêng kỵ
Mỗi điều kiêng kỵ trong phong tục đón Tết đều có một ý nghĩa riêng, người dân Việt Nam tin rằng, việc tránh thực hiện những điều đó sẽ mang lại một năm mới bình an, thuận lợi và suôn sẻ.
Phong tục đón Tết của người miền Bắc được biết đến là có nhiều điều cấm kỵ nhất cả nước. Theo đó, họ kiêng nhiều điều trong những ngày đầu năm mới như: kiêng quét nhà - quét hết vận may khỏi nhà; kiêng đổ rác - khiến tiền tài trong nhà bị thất thoát; kiêng cho lửa - cho đi sự may mắn; kiêng cho nước - cho đi tài lộc vận may; kiêng làm vỡ bát đĩa - “vỡ” hòa khí trong nhà…
Ở miền Trung, phong tục đón Tết tuy khá thoải mái nhưng vẫn có những điều kiêng kỵ nhất định cần phải biết như: kiêng các món ăn từ tôm, bởi người miền Trung quan niệm rằng ăn tôm sẽ bị đi giật lùi như tôm; kiêng trứng vịt lộn, thịt vịt bởi họ cho rằng, thịt vịt sẽ gặp xui xẻo trong năm mới…
Người miền Nam dù đi làm xa thì cũng phải về nhà trước giao thừa, họ quan niệm rằng nếu không về kịp sẽ làm cho cả năm mới bôn ba, làm ăn vất vả. Họ kiêng để cối xay gạo trống vào ngày đầu năm, điều này tượng trưng cho sự thất bát, mùa màng thất thu trong năm tới, vì thế, người miền Nam thường đổ một ít lúa vào cối xay, ngụ ý cầu mong cho năm tới được lúa gạo tràn đầy…
Mặc dù có sự khác biệt giữa phong tục đón Tết ở ba miền Tổ quốc nhưng đều có điểm tương đồng là tinh thần tương thân tương ái, đoàn viên của người Việt. Nhiều phong tục như lì xì đầu năm, gói bánh chưng, bánh tét, đi xin chữ, đi chùa đầu năm… vẫn tồn tại ở cả ba miền. Và dù là miền Bắc, miền Trung hay miền Nam thì ngày Tết cổ truyền vẫn đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc./.