Những ngày cuối tháng 11/2021, chúng tôi có dịp đến bản văn hóa du lịch cộng đồng San Thàng thuộc xã San Thàng cách trung tâm thành phố Lai Châu chừng 3km. Bất kỳ ai khi lần đầu đặt chân đến vùng đất yên bình này cũng ấn tượng bởi vẻ đẹp mộc mạc, đơn sơ của những hàng rào đá.
Hàng rào đá được người dân bản San Thàng xếp gọn dọc hai bên đường, giúp đường xá khang trang và sạch đẹp. |
Hình ảnh hàng rào đá hiện diện khắp nơi, từ đầu bản đến cuối bản, hàng trăm ngàn hòn đá to nhỏ, xù xì có nhiều góc cạnh khác nhau nhưng từ đôi bàn tay khéo léo, tinh tế của bao thế hệ đồng bào dân tộc Giáy bản San Thàng đã được xếp có trật tự, có hàng có lối giống như những con trăn khổng lồ men theo từng góc đường, quây lấy từng ngôi nhà, mảnh vườn, ô ruộng. Chúng bám víu vào nhau chắc chắn, mà không cần đến cát, xi măng, tạo nên những bức tường mộc mạc mà chắc chắn, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách.
Ngồi bên hiên nhà chỉ tay vào hàng rào đá, ông Hoàng Văn Thèn (65 tuổi, trú tại bản San Thàng, xã San Thàng, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu) cười niềm nở kể lại, trước đây vùng đất San Thàng bốn bề đều là đá, người dân nơi đây sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp tự cung, tự cấp nên cuộc sống vô cùng khó khăn, để sinh tồn, người dân nơi đây đã tìm mọi cách để chinh phục đá.
Những bờ tường đá được xếp xung quanh ngôi nhà một cách kiên cố. |
Từ những cái khó mà ló ra cái khôn, nhận thấy khu vực bản San Thàng có rất nhiều loại đá với kích thước khác nhau, người dân nơi đây cùng chung tay nhặt và xếp các viên đá thành hàng rào xung quanh nhà, vườn, ruộng… nhằm thuận lợi trong việc lao động sản suất, và cũng để tránh trâu, bò, lợn, gà phá hoại mùa màng và tài sản. Hàng rào đá được xây dựng, lưu giữ từ thế hệ này đến thế hệ khác như một nét văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc.
Ông Thèn chia sẻ, để xếp hàng rào bền, đẹp phải có “bí quyết”, phải chọn đá già, đá suối, to, chắc chắn, cùng màu sắc và xếp đá theo hình tháp, chân to vững chãi. Thay vì xếp đá kín như trước, những năm gần đây, người dân ở bản San Thàng xếp đá thành 2 hàng rồi đổ đất vào giữa, để trồng cây, hoa cảnh, vừa tạo độ bền chắc cho hàng rào, vừa tạo cảnh quan đẹp. Thông thường, hàng rào đá ở bản San Thàng có chiều cao từ 80cm đến khoảng 1,2m.
Hàng rào, chiếc cổng, nhà văn hóa bản San Thàng được người dân xây dựng bằng đá gây ấn tượng với du khách bởi vẻ đẹp mộc mạc, đơn sơ. |
Trao đổi với chúng tôi, ông Vùi Văn Phướng – Bí thư Chi bộ bản San Thàng cho biết, San Thàng được công nhận là bản văn hóa du lịch cộng đồng từ năm 2014. Đến nay, bản có 191 hộ dân sinh sống, với nhiều dân tộc khác nhau, trong đó dân tộc Giáy chiếm đa số.
Những năm gần đây, trước tốc độ đô thị hóa ngày một nhanh khi có những ngôi nhà xây mọc lên, người ta bắt đầu bê tông hóa những con đường vào thôn, thay rào đá bằng gạch làm mất đi vẻ hoang sơ. Nhằm giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, đồng thời nhắc nhở con cháu biết trân trọng, giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa của tổ tiên, bản San Thàng đã tuyên truyền vận động bà con tu sửa, chỉnh trang, làm mới hàng rào đá.
Qua đó, người dân bản San Thàng đã cùng chung tay xây dựng hàng rào, cổng, nhà văn hóa bản San Thàng bằng đá thay vì xây bằng gạch như các địa phương khác. Những viên đá đều được người dân lựa chọn tỉ mỉ ở các con suối, có nhiều màu sắc khác nhau khiến nhiều du khách đặt chân đến bản đều hết lời khen ngợi, khi chứng kiến những hàng rào đá mộc mạc, đơn sơ mà gần gũi này.