Một thời người ta ghê sợ loài côn trùng hình thù vừa xấu xí vừa dơ, thế nhưng ngày nay vị thế ấy đã đảo ngược, từ loài bị ghét chúng đã lên bàn tiệc thành món ăn khoái khẩu ở miền Tây.
Bán côn trùng |
Tới thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang hỏi chợ bù rầy ai cũng biết mà chỉ đường cho bạn. Thế bù rầy là con gì mà nổi tiếng vậy? Xin thưa, nó là côn trùng nhìn giống như bọ hung nhưng lớn gấp năm lần bọ hung. Chúng là côn trùng cánh cứng, con trưởng thành to bằng ngón tay cái, màu hung, ban ngày ẩn náu trong lòng đất, cây cỏ, đêm đến bay ra đậu trên các thân cây ăn lá non.
Những người bán loài sâu bọ nhìn gớm ghiếc này hầu hết đều là phái nữ. Bốc một nắm bù rầy đang nằm lổm ngổm trong thau, chị Nguyễn Thị Ngọc Lìn nói: “Bù rầy hiếm nên hơi mắc nghe, 100 con tôi lấy 40.000 đồng”. Chị cho biết, bán bù rầy trên ba năm, mỗi ngày thu hơn hai thiên bù rầy( một thiên là 1.000 con) nhưng có bao nhiêu cũng bán trong buổi sáng là hết sạch. Ở cái chợ kỳ lạ có một không hai trên miền núi Thất Sơn này có gần 10 má hồng mua bán bù rầy, người bán ít nhất cũng một thiên, nhiều là hai, năm thiên.
Đang cầm kéo bắt từng con bù rầy cắt cánh, thấy khách tới, bà Trần Thị Lợi đon đả chào hàng, vui miệng kể: “Mấy đứa con gái thành thị bị con bù rầy này đậu trên người là sợ la trời la đất nhưng với tụi dì, nó là con kiếm đồng ra đồng vô”. Bà Lợi kể, chợ bù rầy có trên chục năm, nghề này nhàn hạ hơn so với bán cá tôm. Bù rầy sống khỏe lâu chết, gom nhiều hôm nay bán không hết thì để bán hôm sau.
Mua côn trùng về cho ông xã nhậu! |
Để ăn bù rầy cánh đàn ông cắt bỏ cánh và chân rồi đem ngâm trong nước muối khoảng vài chục phút cho nhả hết chất dơ mới đưa lên bếp xào hoặc chiên. Lúc xưa bù rầy là con bỏ đi, ban đêm người dân Bảy Núi ghét lắm vì mở đèn lên, chúng bay vào nhà vỗ cánh xèo xèo nghe điếc tai. Rồi sau đó nhiều người nghèo mới bắt bù rầy ăn thay cá thịt, không ngờ khi đãi bạn bè lại được khen ngon quá. Nhờ lạ miệng lại được đồn đại là giúp… sung sức phòng the nên dần dà, bù rầy không còn là món ăn của người nghèo.
Cứ khoảng 22 giờ đêm, từ các nơi bù rầy bay túa ra đeo bám vào các lá xoài non, thậm chí bu đen quanh các bóng đèn; đêm nào mưa lâm râm bù rầy càng xuất hiện dầy đặc. Bắt bù rầy, người ta phải đi đôi với nhau, một người dùng các thanh tre dài đập vào các Nghề săn bù rầy không mệt nhọc nhưng thỉnh thoảng vẫn gặp nguy hiểm khi đụng phải rắn độc, côn trùng độc náu mình trong bụi cỏ rậm, gốc cây.
Ông Nguyễn Văn Huệ, Trưởng Phòng nông nghiệp Tịnh Biên, cho biết chuyện bù rầy xuất hiện “hằng hà vô số” trên vùng đồi núi giúp người dân nghèo kiếm sống đã diễn ra trong nhiều năm liền. Theo ông Huệ, bù rầy ăn lá xoài non nên chuyện người dân bắt bù rầy cũng là cách hạn chế chúng phá vườn tược nên ngành nông nghiệp không ngăn cấm…
Anh Đoàn