Dân Trà Cổ, tổ Đồ Sơn
Đình Trà Cổ là ngôi đình duy nhất của Quảng Ninh còn giữ được hệ thống ván sàn (giống như đình Bảng, Bắc Ninh) - kiểu kiến trúc đình phổ biến thời Lê. Đình gồm tiền đường có 5 gian, 2 chái. Hậu cung có 3 gian. Bên trong đình có 48 cột cái và cột quân bằng gỗ lim đặt trên tảng kê bằng đá xanh. Các cột được giằng đan bởi những xà ngang dọc, ở các đầu xà gồ đều chạm đầu rồng. Hai đầu hồi là hai bức hoành phi sơn son thếp vàng ghi tám chữ: “Nam sơn tịnh thọ” (Nước Nam bền vững), “Địa cửu thiên trường” (Đất vững trời dài).
Đình Trà Cổ thờ 6 vị tiên công người Đồ Sơn (Hải Phòng) và thờ Quận He Nguyễn Hữu Cầu - một lãnh tụ nông dân khởi nghĩa thời Lê - Trịnh cũng quê ở Đồ Sơn. Tương truyền, vào đầu thế kỷ 16 có 12 hộ dân chài từ Đồ Sơn đi đánh cá bị giông tố mà dạt đến đất này. Cơn bạo nạn đi qua, 6 gia đình không chịu được khó khăn nơi đây nên đã quay về, còn 6 gia đình ở lại lập nghiệp. Chuyện thú vị, những người quay trở về Đồ Sơn bảo rằng: “Ở đây ăn bổng lộc gì. Lộc sung thì chát, lộc si thì già” còn 6 hộ ở lại Trà Cổ đã động viên nhau: “Ở đây vui thú non tiên. Tháng ngày lọc nước lấy tiền nuôi nhau”. 6 hộ ở lại chính là những tiên công lập nên làng Trà Cổ và đang được thờ trong đình.
Tên gọi Trà Cổ được giải thích là tên ghép của hai làng Trà Phương và Cổ Trai (nay thuộc huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) - là đất phát tích của nhà Mạc vào đầu thế kỷ 16. Người Trà Cổ có câu “Người Trà Cổ tổ Đồ Sơn” lưu truyền qua các thế hệ chính là răn dạy con cháu nhớ đến tổ tiên. Các sách địa chí cổ chép dân Đồ Sơn xưa thường mạnh tợn, uống rượu khoẻ. Ở nơi đầu sóng, ngọn gió thường xuyên phải đối mặt với bọn cướp bể, rồi giặc ngoại xâm, dân Đồ Sơn thường phải tự bảo vệ xóm làng, tự bảo vệ tính mạng. Phải chăng do di truyền từ tổ tiên ở Đồ Sơn mà người Trà Cổ ngày nay có những đặc trưng rất riêng so với các địa phương ven biển khác ở Quảng Ninh đó giọng nói to, nặng, tính tình bộc trực, thẳng thắn kiểu “ăn sóng nói gió”...
Lễ hội diễn ra trên bãi biển dài nhất Việt Nam, biển Trà Cổ. |
Độc đáo văn hóa lễ hội
Lễ hội đình Trà Cổ là một trong những lễ hội đặc sắc, mang đậm nét văn hóa vùng biển Đông bắc của Tổ quốc, thể hiện khá rõ nếp sống của người Việt cũng như lối sống cộng đồng gắn kết, đoàn kết, tương thân tương ái. Lễ hội không chỉ là dịp để dân làng bày tỏ lòng biết ơn, tưởng nhớ đối với các vị thành hoàng, mà còn thể hiện ý thức trách nhiệm của người Trà Cổ cũng như nhân dân cả nước trong việc tham gia gìn giữ, bảo vệ chủ quyền, bản sắc, xây dựng vùng biên giới ngày.
Theo tục lệ được duy trì, trước khi vào mùa lễ hội, làng Trà Cổ chọn ra 12 người được gọi là cai đám, để chuẩn bị cho mùa lễ hội sau. Cai đám là những người trung tuổi, có đạo đức, sức khỏe tốt, gia đình thuận hòa. Thông thường mỗi một người sẽ chỉ được một lần trong đời làm cai đám, những người được chọn sẽ rất vinh dự và tự hào vì điều đó sẽ mang đến may mắn, tài lộc, mạnh khỏe suốt cả năm. Đầu năm mỗi cai đám sẽ nuôi một chú lợn và được gọi là “Ông Voi” cùng với chế độ chăm sóc đặc biệt chu đáo, được bác sĩ thú y thăm khám thường xuyên.
Trước ngày 30/5 các “Ông Voi” sẽ được đưa đến 3 đình để chầu đình: đình Nam Thọ, đình Đông Thịnh, đình Tràng Vĩ, các đình đều thuộc phường Trà Cổ và đều tổ chức lễ hội “thi Ông Voi”.Chiều ngày 30/5 âm lịch sau khi làm lễ tế gia tiên, các cai đám sẽ dùng cũi sơn đỏ, có mái che đã tắm rửa sạch sẽ, rước “Ông Voi” vào đình xếp hai hàng ngay ngắn để chầu thần.Sau lễ tế cáo yết thần, Ban tổ chức lễ hội sẽ dùng thước đo từ đầu đến đuôi, đo vòng cổ từng “ông”.
“Ông” nào thân dài nhất, vòng cổ to nhất, đẹp nhất sẽ giành giải nhất. Ngay sau phần chấm giải, các “Ông Voi” trở lại là những chú lợn bình thường, gia đình cai đám có thể bán luôn cho thương lái ngay tại cổng đình hoặc đưa về nhà giết thịt khao họ hàng. Riêng “Ông Voi” đạt giải nhất thì được giữ lại để mổ tế thần.
Trong mâm lễ, ngoài thủ lợn, không thể thiếu túm lông đuôi của “Ông Voi” này. Lễ trao thưởng cho cai đám có “Ông Voi” giải nhất sẽ được tổ chức vào sáng ngày chính hội hôm sau.