Ngũ linh từ huyện Tiên Lãng
Ông Trần Văn Rãm, nguyên Phó Phòng Văn hoá huyện Tiên Lãng cho biết: Tiên Lãng có 5 ngôi đền thiêng (Ngũ linh từ) thờ các vị anh hùng hào kiệt qua các thời kỳ đã cùng nhân dân địa phương làm nên truyền thống lịch sử hào hùng ngàn năm dựng nước và giữ nước, gồm: đền Để Xuyên (thôn Để Xuyên, xã Đại Thắng); đền Hà Đới (thôn Hà Đới, xã Tiên Thanh); đền Canh Sơn thôn Vân Đôi, đền Bì - thôn Tử Đôi (xã Đoàn Lập) và đền Gắm (thôn Cẩm Khê , xã Toàn Thắng).
Trong đó, đền Để Xuyên và Đền Bì được xem là linh thiêng nhất trong “Ngũ linh từ” của huyện. Bởi vậy, người dân huyện Tiên Lãng có câu: “Thứ nhất đền Bì, thứ nhì đền Gắm”. Đền Gắm tọa lạc trên bán đảo cửa sông Văn Úc, được xây dựng từ thời vua Lý Cao Tông để tưởng nhớ công lao to lớn của danh tướng Ngô Lý Tín.
Vào năm 1953, khi giặc mở trận càn lớn đánh vào Tiên Lãng nhằm mở rộng và củng cố “vành đai an toàn” của khu cố thủ Hải Phòng, đền Gắm đã trở thành chiến lũy xung yếu, đánh bại âm mưu của địch, tạo đà cho chiến tranh du kích ở đồng bằng phát triển.
Đền Gắm vẫn lưu giữ được lối kiến trúc cổ xưa với kiểu kiến trúc “tiền nhất hậu đinh”. |
Cùng với Đền Gắm, Đền Bì là trung tâm của lễ hội cầu đảo (cầu mưa) của nhân dân địa phương. Theo lịch sử Đảng bộ xã Đoàn Lập, Đền Bì thờ thần Bạt Hải Long Vương có công giúp vua Lê Đại Hành đánh Tống. Vào thời tiền Lê, Bạt Hải Long Vương dựng đồn binh giả ở trang Tử Đôi chống giặc. Sau này, đồn được sử dụng làm nơi thờ phụng ngài, chính là đền Bì hiện nay.
Tương truyền, mỗi khi gặp hạn hán, đền Bì cùng các đền trong “Ngũ linh từ” rước thánh về đình Cựu Đôi (tại Trung tâm huyện Tiên Lãng hiện nay) tế lễ. Nếu vẫn không mưa rước kiệu về tổ chức bơi thuyền cầu đảo tại đầm Bì. Vì vậy, dân gian vẫn lưu truyền câu ca: “Lũ lụt thì tháo cống Đôi/Nhược bằng hạn hán thì bơi đầm Bì”.
Lễ hội rước “Ngũ linh từ” từ lâu đã trở thành nét đặc trưng trong sinh hoạt tín ngưỡng của người dân huyện Tiên Lãng. |
Lễ hội rước Ngũ Linh Từ và tổ chức bơi thuyền cầu đảo của huyện Tiên Lãng gắn liền với ước vọng của người dân địa phương, cầu mong cho sự phồn thực no đủ, cho vạn vật không ngừng sinh sôi nảy nở.
Trước đây lễ hội rước “Ngũ linh từ” và lễ hội cầu đảo thường được nhân dân nơi đây tổ chức mỗi khi trời hạn hán nhưng từ những năm 1946 trở lại đây, lễ hội không được duy trì do các ngôi đền đều bị chiến tranh tàn phá. Đến năm 2013, UBND huyện Tiên Lãng đã quyết định phục dựng lại lễ hội này.
Lễ hội rước “Ngũ linh từ” được phục dựng lại vào năm 2013. |
Lễ hội gắn liền tín ngưỡng cư dân nông nghiệp
Gắn bó với đền Bì gần 30 năm, ông Trần Công Dương (trú tại thôn Tử Đôi, xã Đoàn Lập, huyện Tiên Lãng) chia sẻ: “Hội bơi thuyền cầu đảo được mở ra ở đầm Bì vào những năm hạn hán kéo dài. Đầm Bì là đầm cửa trước ở cửa đền Canh Sơn và Đền Bì (thuộc xã Đoàn Lập), mặt đầm khá rộng.
Đây là con đầm tiêu nước cho cả một vùng rộng lớn của nhiều xã. Hội diễn ra ngay tại sân đền Bì, được tổ chức quy mô giữa các thôn làng trong hàng tổng. Mỗi làng trong tổng cử một đội thuyền, thuyền của từng làng được phân biệt bởi màu cờ.
Đền Gắm nằm trên bán đảo sông Văn Úc, thuộc địa phận thôn Cẩm Khê, xã Toàn Thắng, huyện Tiên Lãng. |
Tham gia lễ hội bơi thuyền gồm có 6 thuyền lớn, đại diện cho 6 thôn. Mỗi thuyền tham gia thi đấu lại dùng màu sắc cờ riêng cắm trên thuyền để ban tổ chức dễ phân biệt, bình điểm. Cự ly đường đua được quy định xuất phát từ đền Bì đến cầu Đầm.
Đền Để Xuyên được xây dựng từ thời hậu Lê năm 1548, thờ 5 vị Thành Hoàng. |
Khi có trống lệnh của ban tổ chức đồng loạt 6 thuyền cùng xuất phát lao về đích, đội thuyền nào tới cầu Đầm (gần chợ Đầm) trước là thắng cuộc. Thời gian cầu đảo trước đây ở đền Bì có khi kéo dài cả tháng, nó chỉ kết thúc khi có trận mưa rào lớn.
Lễ hội bơi thuyền cầu mưa ở đền Bì là một trong những hình thức lễ hội cổ xưa còn sót lại, khi con người còn lệ thuộc vào thiên nhiên. Ngày nay, nhờ sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, người nông dân đã có điều kiện chủ động phòng chống có hiệu quả những sự cố bất thường của thiên nhiên như: bão, lụt, hạn hán...
Lễ hội đền Bì vẫn được tổ chức theo lệ cũ, nhưng mang nội dung văn hoá lành mạnh, góp phần xây dựng nông thôn mới, góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc; đồng thời làm phong phú cho lễ hội của thành phố Cảng.