Tọa lạc tại khu vực xóm Chùa, xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, Chùa Xuân Lũng (còn gọi là chùa Phổ Quang) được xây dựng từ thời Lý-Trần. Với kiến trúc cổ, chùa có gác chuông 2 tầng, tám mái nhà bia ở hai bên sân, tòa Thiêu hương, tòa Thượng điện đều có hoa văn chạm khắc tinh xảo.
Hiện nay, chùa còn lưu giữ nhiều đồ vật quý giá từ thời Trần còn sót lại, trong đó phải kể đến Bàn thờ Phật bằng đá tại toà Chính Điện. Đây là hiện vật đã gắn với lịch sử của ngôi chùa từ cuối thế kỷ XIV. Được tạc vào năm 1387, dưới triều đại vua Trần Phế Đế, đến nay hiện vật này đã có niên đại 700 tuổi.
Bàn thờ Phật bằng đá cao 1,05m, có kết cấu 5 tầng được lắp ghép từ từ 71 phiến đá xanh ghép lại tạo nên sự liên kết vững chãi. Cánh sen cách điệu là hình ảnh chiếm vị trí chủ đạo trong chạm khắc bệ đá. Với bàn tay tài hoa, các nghệ nhân xưa đã để lại cho đời một cổ vật hết sức độc đáo, mang giá trị mỹ thuật, kỹ thuật cũng như tính triết lý sâu sắc.
Đây là hiện vật đầu tiên xuất hiện hình tượng “Sư tử hí cầu” và “Cá hóa rồng” trong mỹ thuật cổ. Đến nay, chưa từng phát hiện thêm hiện vật thứ hai có cùng niên đại, gắn với các đồ án chạm khắc trang trí này. Đồng thời, Bàn thờ Phật bằng đá đã thể hiện sự kết hợp hài hòa trong nghệ thuật chạm khắc cổ với những họa tiết hoa văn trang trí gắn với thế giới Phật giáo để mô tả hình ảnh cuộc sống cư dân miền trung du. Thông qua đó phản ánh cuộc sống hiện thực và nét đặc trưng của vùng Trung du Bắc bộ và đất Tổ Hùng Vương.
Đặc biệt, những đặc điểm về kỹ thuật chế tác, nghệ thuật tạo hình, hoa văn, phong cách trang trí trên Bàn thờ Phật bằng đá chùa Xuân Lũng được xác định là căn cứ đặc biệt quan trọng trong việc nghiên cứu đối sánh, phân tích để đoán định niên đại, phong cách nghệ thuật tạo tác bàn thờ Phật thời Trần nói riêng và di sản văn hóa - nghệ thuật thời Trần nói chung.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thực tiễn đặc biệt, ngày 25/12/2021, tại Quyết định số 2198/QĐ-TTg của Chính phủ, Bàn thờ Phật bằng đá chùa Xuân Lũng đã được công nhận là Bảo vật quốc gia. Theo đánh giá, đây là hiện vật gốc độc bản, có hình thức độc đáo, mang giá trị về lịch sử, văn hóa, mỹ thuật. Đồng thời có giá trị cao về thực tiễn, đóng góp tích cực đối với sự nghiệp giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam./.