Tính đến 6 tháng đầu năm 2023, diện tích trồng dâu tằm của tỉnh Lâm Đồng đạt 9.681 ha, với khoảng trên 15.000 hộ trồng dâu nuôi tằm; trong đó, diện tích trồng dâu lai đạt trên 8.500 ha. Giống dâu lai cho năng suất, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu sản xuất chăn nuôi tằm, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của tỉnh.
Ngành dâu tằm tơ tỉnh Lâm Đồng đã khôi phục và phát triển về diện tích, năng suất, sản lượng; chất lượng kén nguyên liệu đáp ứng được yêu cầu ươm tơ chất lượng cao cho nhu cầu nội tiêu và xuất khẩu. Sự phát triển của ngành dâu tằm tơ Lâm Đồng đứng đầu so với cả nước về diện tích trồng dâu, sản lượng kén tằm và sản xuất tơ lụa (diện tích dâu Lâm Đồng chiếm khoảng 70% diện tích dâu cả nước, sản lượng tơ lụa chiếm trên 80% sản lượng kén tằm cả nước).
Toàn tỉnh có trên 200 cơ sở nuôi tằm con tập trung và một số tổ chức, cá nhân nhập khẩu trứng giống tằm từ nước ngoài về cung ứng cho các cơ sở nuôi tằm con tập trung trên địa bàn tỉnh. Đến nay, Lâm Đồng đã hình thành 11 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm tơ tằm (gồm 3 chuỗi cấp tỉnh và 8 chuỗi cấp huyện) với hơn 580 hộ tham gia dự án liên kết tại các địa phương phát triển dâu tằm trong tỉnh.
Sản xuất dâu tằm Lâm Đồng trong những năm gần đây mang lại hiệu quả kinh tế cao, giá trị sản phẩm thu được bình quân khoảng 350-400 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận thu được (khoảng 50% doanh thu) khá cao với vốn đầu tư ban đầu thấp, quay vòng vốn nhanh. Doanh thu trên một đơn vị diện tích trồng dâu nuôi tằm cao hơn gấp 2-3 lần so với một số cây công nghiệp (cà phê, chè, tiêu, điều), vì vậy ngành dâu tằm đã có thể cạnh tranh và phát huy lợi thế so sánh với các cây trồng khác trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, theo Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, việc sản xuất trứng tằm lưỡng hệ trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và số lượng để phục vụ sản xuất. Trong khi đó, công tác nhập khẩu trứng tằm từ nước ngoài vào theo đường chính ngạch gặp nhiều khó khăn, chủ yếu được nhập bằng con đường tiểu ngạch, không qua kiểm dịch; chất lượng trứng giống tằm không ổn định (hiện nay hầu hết trứng giống tằm lưỡng hệ cung ứng phục vụ nhu cầu sản xuất trên địa bàn tỉnh được nhập từ Trung Quốc.