Từ bỏ trời Tây về chốn núi rừng
Nghe câu chuyện của ông Việt kiều Pháp Nguyễn Văn Đức (SN 1947, ngụ thôn 4, xã Lộc An, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) nhiều người không khỏi thở dài. Từ một tỷ phú, nhà đầu tư, bị lừa chiếm đoạt nhiều tài sản, có lúc rơi vào vòng tố tụng, nhưng bằng ý chí, sự tin tưởng vào luật pháp, ông Đức vẫn vượt qua, lại ôm giấc mơ làm giàu trên quê hương.
Chưa gặp mặt, không ai nghĩ ông già ngoài 70 tuổi lại có sức chịu đựng đến phi thường và những nụ cười tươi vẫn nở trên môi sau từng ấy sóng gió thăng trầm. Ông Đức quê gốc ở Vĩnh Long, trước năm 1975 sinh sống và học tập tại Sài Gòn. Ông cưới vợ là một người Pháp gốc Việt và sinh được bốn người con hai gái, hai trai.
Năm 1975, vợ con ông về Pháp. Ông hồi ức về quãng thời gian suy nghĩ lấn cấn: “Mình là người Việt, nguồn gốc ở đây, sao bỏ tổ tiên đi được? Nhưng sau đó bị nhiều sức ép, tôi phải rời Việt Nam sang Pháp theo diện đoàn tụ gia đình. Một năm sau tôi được công nhận quốc tịch Pháp”.
Ở Pháp, dẫu có nghề nha khoa ăn nên làm ra, kiếm được tiền, ông Đức vẫn đau đáu nhớ về quê hương và nuôi ý định trở lại Việt Nam. Cuộc sống hiện đại, nhà xe đầy đủ, con cái thành đạt, ông Đức có thể ở Pháp mà hưởng thụ trong tuổi già, nhưng ông Đức nhất quyết trở về. Từ năm 1991, khi chưa về hưu, ông bàn với gia đình phải trở lại Việt Nam, quê cha đất tổ.
Năm 1995, ông trở về trước thăm dò nghe ngóng. “Dù quê ở Vĩnh Long, nhưng tôi chọn TP Bảo Lộc, Lâm Đồng làm đất dừng chân để đưa tiền về nước đầu tư, phát triển kinh tế. Thời trẻ còn ở Việt Nam, tôi đi du lịch, thấy khí hậu Bảo Lộc rất tốt, con người thân thiện, nhân hậu. Tôi dự tính đầu tư để đưa gia đình về, nhất là vợ chồng tôi, vừa đóng góp cho quê hương, vừa nương tựa vào đây làm nơi tĩnh dưỡng tuổi già”, ông Đức kể.
Trong thâm tâm ông Đức, nước Pháp dù giàu có xa hoa vẫn chỉ là “đất khách, quê người”. Việt Nam là quê hương, việc ông về còn phù hợp với chính sách của Nhà nước kêu gọi kiều bào đầu tư về nước.
Vào thời điểm đó, dù được chính quyền địa phương tạo điều kiện nhưng do chính sách Việt kiều không được phép đứng tên tài sản, không được đứng tên dự án đầu tư, ông Đức phải nhờ người thân.
“Tin tưởng một người anh và đứa cháu họ là một trong những người thân ở Việt Nam, tôi để cho anh đứng tên dự án khu du lịch sinh thái rộng 30ha ở khu vực thác Dambri (TP Bảo Lộc). Đứa cháu đứng tên ba căn nhà mặt tiền TP Bảo Lộc, chủ doanh nghiệp tư nhân Song Nguyễn và một dự án du lịch sinh thái 20ha ở xã Đại Lào (TP Bảo Lộc). Tiền mua nhà, mua đất đều của tôi gửi về”, ông Đức kể lại.
“Dự án tâm đắc nhất của tôi là khu du lịch sinh thái 20ha ở xã Đại Lào. Tôi rất thích nơi này, có 5 năm ngọn núi bao quanh, ở giữa là thung lũng, có hồ, có suối tự nhiên. Một phần tôi mua đất lại của nông dân, một phần được Nhà nước cho thuê. Lúc đó là năm 1998. Mỗi năm, tôi về Việt Nam bốn lần. Sau khi về hưu, tôi về Việt Nam sống gần như toàn bộ thời gian.
Tôi đầu tư gần 15 tỷ đồng vào dự án, là số tiền bao nhiêu năm tôi gom góp được ở trời Tây. Người nước ngoài qua Việt Nam du lịch, họ thích những cái gì tự nhiên khám phá, chứ không thích tiện nghi hiện đại. Tôi dự tính sẽ làm thành bốn khu gồm ba miền Bắc, Trung, Nam và một khu trung du, kêu gọi các người bạn Việt kiều cùng đầu tư hợp tác. Làm du lịch để bảo vệ môi trường, để kêu gọi kiều bào đầu tư xây dựng quê hương, chứ lợi nhuận chỉ là mục đích thứ yếu”, ông Đức kể.
Đồng tiền giết chết tình thân
Thế nhưng 12 năm qua, ông Đức phải vướng vào vòng tố tụng bởi chính những người thân, nhà mất, tài sản bị chiếm dụng, danh tiếng bị xói mòn… Theo ông, cũng bởi vì ông là một doanh nhân cả tin và gặp một số người không tốt.
Đầu tiên, dự án 30ha ở khu vực thác Dambri do người anh đứng tên giúp, bị người này chiếm luôn và bán cho người khác. Vì tình thân, ông Đức bỏ qua, nghĩ mình còn ba căn nhà phố và một dự án 20ha ở xã Đại Lào do đứa cháu đứng tên đang trên đà hoàn thành. Thế nhưng, năm 2006, đứa cháu bị cho là “giở trò”, chiếm luôn cả ba căn nhà.
Ông Đức kiện đòi nhà, dù chứng minh được tiền ông gửi từ Pháp về, dù người bán nhà xác nhận chính ông là người đứng ra mua, nhưng đứa cháu vẫn không trả. Trải qua năm phiên tòa kéo dài 12 năm, tòa mới công nhận ba căn nhà là tiền của ông Đức mua. Nhưng tòa lại cho rằng nhờ có cháu đứng tên, ông Đức mới có ba căn nhà nên tuyên chia đôi. Ông Đức nhận được nửa số tiền ba căn nhà và các căn nhà được định giá “bèo bọt”, chứ không được phép lấy nhà.
Ông Đức nói về những ý tưởng đầu tư vào dự án du lịch sinh thái 20ha ở xã Đại Lào, TP. Bảo Lộc |
“Lúc đầu, tôi chỉ xin lấy một căn để ở nhưng vì lòng tham, đứa cháu nhất quyết không cho, đuổi tôi ra đường. Trong lúc kiện, biết không thắng được tôi, đứa cháu tẩu tán hết ba căn nhà. Đến nay, dù chấp nhận chịu thiệt thòi khi lấy nửa tiền nhưng tài sản bị cháu tôi tẩu tán, cơ quan chức năng TP Bảo Lộc cấp cho người khác nên bản án vẫn chỉ có hiệu lực trên “giấy”. Thi hành án nói “bó tay”, nên sự việc vẫn chưa đâu vào đâu”, ông Đức kể.
Giữa lúc kiện tụng với đứa cháu, vào năm 2013, ông Đức bị con gái người làm vườn tố cáo “giao cấu với trẻ em” dẫn đến mang thai. Ông Đức kể: “Dù tôi mới mổ tim ở Pháp về, bác sĩ kết luận không còn khả năng sinh lý, tôi vẫn bị đổ tội. Đây là màn kịch của một thế lực đứng sau muốn đưa tôi vào tù, muốn giết chết tôi bằng những ngày ở lao ngục.
Tôi cho rằng đây là âm mưu của người nào đó vì bị tôi tố cáo, bị tôi thưa kiện nhiều năm vì có hành vi phá hoại cây cối, có dự tính chiếm dự án 20ha của tôi. Tôi cương quyết kêu oan, dù không đủ chứng cứ, tòa vẫn quyết tôi có tội. Lần đầu, tòa tuyên tôi 5 năm tù nhưng sau đó bị hủy án. Cuối cùng, dù chứng cứ không kết tội được, tòa vẫn tuyên án có tội nhưng miễn hình phạt vì có công với địa phương, vì tuổi già… Uất ức lắm”.
72 tuổi lại bắt đầu… khởi nghiệp
Sóng gió tưởng như đã qua, vị doanh nhân Việt kiều vẫn còn lại dự án sinh thái du lịch 20ha ở xã Đại Lào, những tưởng sau này sẽ gầy dựng lại. Nhưng cuộc đời không “xuôi chèo mát mái” như ông nghĩ. Ông Đức tố cáo dự án bị một người là quan chức ở TP Bảo Lộc có ý định “hớt tay trên” nên thường cho người vào phá hoại, chặt cây. Ông Đức thưa kiện khắp nơi. Kể từ đó, ông Đức như cái gai trong mắt một số người.
Tỉnh Lâm Đồng có nhiều văn bản thừa nhận 20ha là đất ông vừa mua, vừa được cho thuê, đề nghị TP Bảo Lộc giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa được cấp quyền sử dụng. Ông khiếu nại, khiếu kiện tận Trung ương, văn bản chỉ đạo đổ về. Theo ông Đức, chính điều đó khiến ông bị một số cán bộ địa phương “ghét” nên hành.
Năm 2015, thời điểm ông khốn khổ nhất đời khi bị phiên tòa sơ thẩm lần một tuyên 5 năm tù về tội “Giao cấu với trẻ em”, có người đã dùng lời lẽ ngon ngọt hỏi mua dự án rồi ôm giấy tờ không trả khiến ông tiếp tục phải đi theo những vụ kiện.
“Dự án tôi đầu tư hàng chục tỷ đồng, là tâm huyết cả đời, nhưng thời điểm đó, tôi nghĩ đời mình không còn gì nữa, có lúc tâm lý chán nản. Nghe có người mua, còn hứa kế thừa dự án, tôi mới đồng ý bán rẻ với giá chỉ 4,5 tỷ đồng. Họ đưa trước 1,5 tỷ đồng và hẹn một tháng sau sẽ trả số còn lại. Nhưng sau khi đưa tiền, nhận được giấy tờ gốc của dự án, họ không trả và cho người chiếm giữ dự án cho đến nay”, ông Đức kể.
Dự án 20ha bị quỵt tiền bán, bị chiếm dụng nhiều năm qua, ông Đức mới vừa khởi kiện vào đầu tháng 6/2018. Ông Đức tin rằng sẽ lấy lại được khu dự án này để tiếp tục ý tưởng đầu tư như ngày đầu về Việt Nam.
Hỏi ông Đức, bao nhiêu năm bị o ép, bị người thân chiếm tài sản, bị kẻ cơ hội lừa gạt, ông có còn muốn ở Bảo Lộc, ở Việt Nam? Ông chia sẻ: “Sau 5 năm, tôi mới được trở lại Pháp thăm vợ con. Con tôi bảo “ba đi ra sân bay với mỗi một bộ quần áo thôi. Bỏ hết đi. Tài sản không cần nữa. Về Pháp sống”. Nhưng tôi không chịu, tôi muốn ở Việt Nam. Đây là quê hương của tôi. Có chết, tôi cũng muốn chết ở Việt Nam, ở Bảo Lộc, quê hương thứ hai mà tôi chọn. Năm nay về Pháp chơi, trúng ngày sinh nhật, có lẽ là ngày sinh nhật vui nhất của cuộc đời tôi”.
“Tôi vẫn yêu Việt Nam, nơi cội nguồn tổ tiên và chắc chắn sẽ sớm gặp lại với những dự định mới. Tôi bị chính người thân phản bội, bị chính những người tin tưởng chiếm đoạt tài sản, nhưng tôi vẫn tin chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tin công lý sẽ lấy lại được công bằng cho tôi”, ông Đức nói.