Ông đánh giá thế nào về hiện trạng du lịch Việt Nam, tiềm năng phát triển?
Ông Nguyễn Đức Chi: Không mấy quốc gia có tiềm năng du lịch phong phú như Việt Nam. Điều này đã được chứng minh trong nhiều năm qua. Năm 2017, Việt Nam đón 12,9 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 30% so với năm 2016. Việt Nam lọt vào danh sách các quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới.
Việt Nam được Tổ chức Du lịch Thế giới xếp thứ 6 trong 10 điểm du lịch có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới và Việt Nam đứng đầu châu Á về tốc độ này. Điều này cho thấy, du lịch Việt Nam không chỉ còn là tiềm năng mà đã trở thành một thương hiệu thực sự trên bản đồ thế giới. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng với sự vào cuộc của cộng đồng doanh nhân, du lịch Việt Nam đang ngày càng được định vị trên trường quốc tế.
Với bờ biển dài, khí hậu nắng ấm quanh năm, cùng với đó là nền văn hoá đa dạng, phong phú, nguồn nhân lực dồi dào… Việt Nam là nước có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch.
Với tiềm năng đó, chúng ta đã khai thác được đến đâu, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Chi: So với những năm trước, Việt Nam đã có một bước tiến dài trong việc thu hút khách du lịch. Cùng với nhiều cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng, hệ thống nguồn nhân lực trong du lịch cũng không ngừng được nâng cao.
Du lịch nghỉ ngơi và du lịch hội thảo, hội nghị đang là một xu hướng toàn cầu. Nhu cầu này đang tăng lên một cách nhanh chóng. Theo đánh giá của tổ chức Du lịch Thế giới, Việt Nam nằm trong Top 10 điểm đến mới nổi được lựa chọn.
Việt Nam hiện nay đang đón nhận lượng khách lớn từ Đông Bắc Á. Trong số đó đáng lưu ý là lượng khách Trung Quốc. Năm 2017, lượng khách nước này đi du lịch ra nước ngoài là 131 triệu người, nhưng khách Trung Quốc qua cảng Cam Ranh mới 1,2 triệu người.
Khách Nga đi du lịch ra nước ngoài xấp xỉ 25 triệu người nhưng họ đến Nha Trang được gần 500 nghìn người, rất nhỏ.
Việt Nam được xếp thứ tư về tăng trưởng và khối lượng khách du lịch đến tìm đến. Thành phố Nha Trang đứng thứ 3 trong các thành phố lớn ở Việt Nam mà khách Trung Quốc lựa chọn. Điều này cho thấy, Việt Nam có sức hấp dẫn thực sự với du khách.
Đâu là nguyên nhân của sự tăng trưởng đó thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Chi: Để có sự tăng trưởng ấn tượng trong mấy năm qua, trước hết phải nói về chính sách: Du lịch đang được ưu tiên số 1 và được xác định là mũi nhọn của nền kinh tế. Điều này đã được thể hiện trong Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị và đã được cụ thể hoá bằng nhiều văn bản chỉ đạo của Chính phủ.
Nói đến du lịch là nói đến thiên nhiên, văn hóa, con người, lịch sử của các vùng đất, các yếu tố về tự nhiên, khí hậu, các đặc tính về nền sản xuất tạo nên cái riêng của mỗi vùng đất chính là kết quả của sản phẩm du lịch nơi ấy. Sản phẩm du lịch phải là một hệ sinh thái đầu cuối, gồm vận chuyển bằng máy bay, xe bus đón tiễn, đường biển đưa khách đi tham quan,..
Lưu trú gồm khách sạn từ 1* đến 5*, khu vui chơi giải trí, công viên nước, các điểm biểu diễn văn hóa ca nhạc. Có du lịch tham quan, gồm thiên nhiên, lịch sử văn hóa. Có du lịch liên kết vùng ví dụ từ Bình Thuận, Nha Trang đến Đà Lạt. Có du lịch mua sắm, du lịch thương mại và kinh doanh như hội thảo, hội nghị.
Trong những năm qua, với sự vào cuộc mạnh mẽ của các nhà đầu tư, những cơ sở vật chất phục vụ du lịch đã được phát triển với tốc độ nhanh chóng, đáp ứng phần nào nhu cầu của du khách…
Ông vừa dùng cụm từ “đáp ứng phần nào” nghĩa là còn rất nhiều thứ mà du lịch Việt Nam chưa làm được?
Ông Nguyễn Đức Chi: Đúng thế! Có thể lấy ví dụ, trong du lịch biển, Nha Trang là ngôi sao sáng. Từ năm 2012 đến 2017 số lượng phòng ở thành phố này tăng từ 11 nghìn đến hơn 31 nghìn phòng. Nhưng ngoài lưu trú ra Nha Trang có gì? Công viên nước không có, khu phố ẩm thực riêng, biểu diễn các văn hóa nghệ thuật chưa có. Đến một hecta hoa để cho du khách check in phong cảnh cũng chưa có.
Du lịch biển không có tàu phục vụ du lịch ngoài 200 tàu cá ở cảng được hoán cải để đưa khách đi vịnh. Sân bay Cam Ranh mới làm thêm đường băng, mở rộng nhà ga dự kiến phục vụ cho 7,2 triệu khách, nhưng năm vừa rồi đã đón gần 5,6 triệu khách, năm nay dự kiến sẽ có 6,5 triệu khách cả quốc tế và nội địa khiến sân bay đã có dấu hiệu quá tải.
Đó là chưa nói đến chuyện bến xe bus, bãi đậu xe còn nhiều hạn chế. Khách sạn 5* không có nhiều dịch vụ tiện ích đi kèm.
Điều này cho thấy chúng ta chưa có một hệ sinh thái du lịch đồng bộ. Cơ hội để xây dựng những điểm đến mới với đầy đủ hệ sinh thái, du lịch đầu cuối, xây dựng cơ sở hạ tầng, đường bay, cảng biển lớn ở vùng đất mới là rất lớn…
Vùng đất nào có thể đáp ứng được nhu cầu để xây dựng một hệ sinh thái đồng bộ về du lịch như ông vừa nói?
Trong khi Nha Trang trở nên quá tải thì Ninh Thuận là nơi có thể đáp ứng được những điều kiện như thế.
Hiếm có nơi nào trên dải đất hình chữ S này mà vẻ đẹp của thiên nhiên vẫn còn nguyên sơ như tại Ninh Thuận: Những vịnh biển đẹp nhất Việt Nam bên cạnh những tiểu sa mạc cùng những thảo nguyên xanh bạt ngàn, những bãi san hô cổ hàng nghìn năm tuổi, những khu rừng nguyên sinh với hệ sinh thái phong phú và đa dạng.
Hiếm có nơi nào mà kho tàng di sản văn hóa phong phú, đặc sắc như tại Ninh Thuận với sự góp mặt của nhiều loại hình văn hóa từ hơn 35 dân tộc sinh sống trên địa bàn. Trong đó, đời sống của cộng đồng người Chăm Ninh Thuận chính là một bảo tàng sống sinh động về một nền văn hóa đa dạng, lâu đời cùng nhiều bí ẩn chưa được giải mã.
Những bãi tắm cần khai thác như bãi Nước Đổ, bãi Thùng, bãi Rùa Đẻ… gắn bó với thiên nhiên, rừng bảo tồn. Đặc sắc nhất biển Ninh Thuận có nước trồi ven bờ với hàng chục loại khoáng vi lượng tốt cho cơ thể mà không thể có ở các vùng biển khác. Trên thế giới cũng chỉ có 18 điểm và Ninh Thuận là 1 trong số 18 điểm nổi tiếng của toàn cầu. Biển Ninh Thuận hơn 300 loài san hô sống, san hô cổ 700 ngàn năm tuổi. Khí hậu trung bình 27 độ C khô ráo, gió thổi khá mát mẻ. Trong khi đó nước Úc vào mùa nóng lên đến 42- 52 độ C. Dubai mùa hè hơn 50 độ C. Bên đó có Thác Chăm Pa, rừng bảo tồn Bắc Á, rừng nguyên sinh.
Ninh Thuận với những lợi thế tự nhiên như vậy dường như vẫn còn nguyên bên cạnh một Nha Trang đã bị quá tải. Nơi đây là điều kiện lý tưởng để xây dựng một hệ sinh thái du lịch đồng bộ.
Cám ơn ông!