Hưởng ứng cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức, ngày 23/12, Hội doanh nhân trẻ tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và các đơn vị có liên quan tổ chức Diễn đàn “Doanh nghiệp, doanh nhân các tỉnh, thành phố phía Bắc hiến kế hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế làng nghề” và Hội chợ “sắc màu làng nghề”.
Doanh nhân Mẫn Ngọc Anh, Chủ tịch Tập đoàn Hanaka, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ tỉnh Bắc Ninh “hiến kế” hoàn thiện chính sách phát triển kinh tế trong lĩnh vực làng nghề nói riêng.
Theo ông Mẫn Ngọc Anh, hiện nay nước ta chưa có những thể chế, cơ chế hỗ trợ thiết thực đối với việc xây dựng phát triển làng nghề cho người dân nông thôn. Chưa xây dựng được làng nghề tập trung đồng nhất, đa phần mang tính tự phát ai mạnh người ấy làm, do vậy hiệu quả sản xuất không cao.
Ông cho rằng, để kinh tế vùng nông thôn được phát triển, Nhà nước cần có những thể chế, cơ chế ưu đãi cụ thể cho doanh nghiệp, cho người dân tham gia sản xuất, xây dựng, mở rộng làng nghề; khuyến khích các nhà đầu tư vào vùng nông thôn có điều kiện kinh tế còn khó khăn.
Song song đó, Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách đãi ngộ đặc biệt về vốn vay, lãi suất, thời hạn thu hồi vốn cho những nhà đầu tư, những doanh nghiệp dám bỏ vốn, bỏ công sức đầu tư xây dựng làng nghề vùng nông thôn, miền núi, vùng kinh tế khó khăn.
Đối với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân có uy tín có trách nhiệm với xã hội với đất nước tiếp cận được những nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ của nước ngoài để kết hợp với các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng mô hình kinh tế làng nghề cho từng vùng, miền phù hợp với địa phương, tạo việc làm tại chỗ cho người dân đó là cách phát triển bền vững nhất.
Doanh nhân này nhận định, đời sống người dân nông thôn hiện còn gặp rất nhiều khó khăn do thiếu việc làm hoặc sản xuất trồng trọt theo phương pháp thủ công nên hiệu quả sản xuất không cao, thu nhập kém, sinh hoạt thấp, kéo theo điều kiện sống không đảm bảo sinh ra bệnh tật. Địa phương nghèo sẽ không có nhiều ngân sách để xây dựng bảo vệ môi trường, xây dựng hạ tầng, trường học, bệnh viện đảm bảo chất lượng. Từ đó, tạo ra khoảng cách giữa người giàu và người nghèo ngày càng chênh lệch...
“Trong giai đoạn cấp thiết hiện nay, Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi thu hút nhà đầu tư, các doanh nghiệp đầu tư về vùng nông thôn, vùng kinh tế khó khăn để phát triển kinh tế, phát triển làng nghề thì người dân sẽ được hưởng các dịch vụ, điều kiện, môi trường sống cải thiện tốt lên, đồng thời người dân sẽ có nhiều việc làm, tăng thu nhập, kinh tế địa phương phát triển, ngân sách Nhà nước tăng lên. Như vậy đất nước sẽ giàu mạnh”, ông Mẫn Ngọc Anh đề xuất.
Doanh nhân Mẫn Ngọc Anh đưa ra một số ý tưởng "hiến kế" hoàn thiện chính sách phát triển kinh tế làng nghề |
Cũng theo Chủ tịch Tập đoàn Hanaka, người dân, hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ, doanh nghiệp ở vùng nông thôn có nhu cầu vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh thì rất khó tiếp cận được vốn vay của ngân hàng bởi các thủ tục và chính sách còn bất cập. Đặc biệt là những vùng nông thôn, miền núi không có tài sản thế chấp hoặc tài sản thế chấp có giá trị thấp thì không thể vay được nhiều vốn, Người dân không phát triển thì các doanh nghiệp, doanh nhân cũng không thể vào đầu tư xây dựng dự án, mô hình sản xuất kinh doanh.
Ông phân tích: “Chúng ta nhìn nhận thực tế hiện nay sẽ thấy rõ, không ít vùng nông thôn đất rộng, người thưa, vì không có kích cầu phát triển kinh tế, không có mô hình phát triển làng nghề, người dân thiếu việc làm, năng suất lao động từ sản xuất nông nghiệp không cao lại không có công việc phụ trợ thêm nên từ người trẻ cho đến người trung tuổi họ đều kéo về thành thị để làm ăn. Nếu chúng ta xây dựng chính sách ưu đãi thì mới có doanh nghiệp đầu tư xây dựng mô hình làng nghề, xây dựng công ty, cơ sở sản xuất, kinh doanh tại địa phương có như vậy đời sống của người dân nông thôn mới ổn định và phát triển”.
Từ những ngày đầu giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chính Minh đã đề cao vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong phát triển kinh tế. Bác khẳng định: Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng. Người đã xác định vai trò, sứ mệnh và trách nhiệm của doanh nhân, doanh nghiệp đối với đất nước.
Nghị quyết Trung ương 5 khóa 12 của Đảng là các chủ trương lớn, quan trọng, đúng đắn, khi ban hành đã tạo tiếng vang lớn và được các tầng lớp nhân dân ủng hộ, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước. Các Nghị quyết được đánh giá bao trùm cũng như trực diện vào những vấn đề cốt lõi và sau hơn 2 năm thực hiện đã đem lại nhiều chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, trên thực tế doanh nghiệp, doanh nhân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động và nền kinh tế nước ta chưa phát triển nhanh và bền vững, trong đó có nguyên nhân quan trọng là thể chế, cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ đang là lực cản cho quá trình đổi mới và phát triển kinh tế của nước ta trong đó có hoạt động sản xuất kinh tế làng nghề.
Ông Mẫn Ngọc Anh mong muốn: "Nhân dịp cuộc vận động doanh nghiệp, doanh nhân "hiến kế" lần này, các doanh nhân, doanh nghiệp cùng tham gia đóng góp ý kiến cho Đảng, Nhà nước sớm hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách tốt nhất để giúp cho nền kinh tế đất nước ngày càng phát triển lớn mạnh, người dân được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc".