Hôm trước là nạn nhân, hôm sau hóa… bị can
Như PLVN đã có bài phản ánh, Công ty TNHH Lâm Quyết thành lập năm 2006 do vợ chồng ông Nguyễn Văn Lẫm và bà Phạm Thị Quyết làm chủ, chuyên sản xuất kinh doanh đồ gỗ. DN vay của ông Nguyễn Xuân Đường nhiều lần tổng cộng số tiền 1,7 tỷ với lãi suất thỏa thuận miệng là 2.000 đồng/triệu/ngày.
Ngày 3/10/2017, khi ông Lẫm và bà Quyết không có mặt ở công ty, ông Đường bị cho là đã dẫn người mang theo dao kiếm đến đòi nợ, cho người ăn ngủ luôn tại văn phòng công ty.
Ông Đường sau đó bị cho là thường xuyên gọi điện, đe dọa ép ông Lẫm phải ủy quyền hoặc bán công ty cho mình. Không được đáp ứng, ngày 18/10/2017, ông Đường bị cho là cho thêm người đến đập phá hủy hoại, cưỡng đoạt tài sản, lục soát cướp đi toàn bộ sổ sách, chứng từ, giấy tờ…
Ông Lẫm, bà Quyết gửi đơn tố cáo đến công an. Nhiều tháng sau khi sự việc xảy ra, đến ngày 29/3/2018, Cơ quan CSĐT Công an TP Thái Bình có thông báo không khởi tố vụ án hình sự. Đánh giá về động thái này, gia đình ông Lẫm, bà Quyết cho rằng: “Cơ quan CSĐT Công an TP Thái Bình đã có dấu hiệu dung túng, bỏ lọt tội phạm khi không truy cứu trách nhiệm hình sự vụ việc”.
Hình ảnh Công ty Lâm Quyết sau khi bị “tín dụng đen” cướp phá. (Hình do nạn nhân cung cấp) |
Lạ lùng ở chỗ, sau khi bị nhóm “tín dụng đen” cướp toàn bộ giấy tờ, sổ sách, tài liệu, chủ DN cùng lúc bị ba người đâm đơn tố cáo có hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Và công an mời chủ DN tới làm việc, nhưng không đả động về vụ bị cướp, mà… ra lệnh bắt chủ DN.
Đến ngày 16/4/2018, ông Lẫm, bà Quyết đã bị Cơ quan CSĐT Công an TP Thái Bình khởi tố, bắt tạm giam. Ông Lẫm, bà Quyết hôm trước còn là nạn nhân của vụ cướp phá, hôm sau đã trở thành bị can nghi án “lạm dụng tín nhiệm”.
“Giậu đổ bìm leo”, hay âm mưu nào khác?
Vì sao lại xảy ra chuyện này? Theo hồ sơ vụ việc và các thông tin do người nhà cung cấp, vợ chồng ông Lẫm với ông Đỗ Văn Tới (ngụ phường Phú Khánh, TP Thái Bình) là bạn thân thiết. Trong lúc sản xuất kinh doanh, thiếu vốn, vợ chồng ông Lẫm vay tiền ông Tới ba lần, tổng cộng 900 triệu đồng, lãi suất thoả thuận 2%/tháng và đặt tài sản đảm bảo là chiếc xe ô tô Camry 2.0 đời 2010 BKS 17K – 9966.
Bên cho vay không giữ xe và giấy tờ gốc. Hợp đồng ghi nếu đến hạn, “con nợ” không trả được tiền thì phải bàn giao xe cho chủ nợ, trong thời gian này chiếc xe không được phép mang ra mua bán.
Vợ chồng ông Lẫm cho rằng sau đó đã trả cả gốc lẫn lãi cho ông Tới, hợp đồng đã thanh lý xong. Tuy nhiên, do chủ quan là chỗ thân thiết nhiều năm nay nên khi trả tiền, ông Lẫm đã không thu lại tờ giấy vay ban đầu chủ nợ giữ.
Mọi việc sau đó diễn ra êm đềm, không tranh chấp kiện tụng, cho đến khi dư luận địa phương xôn xao thông tin vợ chồng ông Lẫm bị “tín dụng đen” lục soát cướp đi tất cả tài liệu, sổ sách, giấy tờ, trong đó có văn bản xác nhận chuyện vợ chồng ông Lẫm đã trả ông Tới khoản tiền 900 triệu. Lúc này ông Tới đâm đơn tố cáo vợ chồng ông Lẫm có hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Hợp đồng thứ hai cũng liên quan đến chiếc xe Camry nêu trên, là giữa vợ chồng ông Lẫm và ông Phạm Công Tự, cũng là chỗ thân thiết. Gia đình ông Lẫm xác nhận có mượn của ông Tự số tiền 800 triệu, lãi suất 2%, cho đến khi bị tố cáo vẫn trả lãi 16 triệu hàng tháng đều đặn. Cho đến tháng 4/2017, không rõ vì lý do gì, ông Tự bất ngờ yêu cầu “con nợ” phải trả ngay số tiền đã vay.
Công ty Lâm Quyết sau khi bị “tín dụng đen” cướp phá. (Hình do nạn nhân cung cấp) |
Vì không có tiền trả ngay, bất đắc dĩ hai bên thỏa thuận nếu “con nợ” không trả tiền, thì sau này sẽ trả cho ông Tự chiếc xe. Con trai vợ chồng ông Lẫm đặt vấn đề: “Chuyện vay mượn giữa gia đình tôi và ông Tự là quan hệ dân sự thông thường. Phải chăng khi thấy cha mẹ tôi gặp chuyện, ông Tự sợ mất tiền nên mới làm đơn vu khống cha mẹ tôi chiếm đoạt tài sản?”.
Vẫn liên quan đến chiếc xe “oan nghiệt trên”, vợ chồng ông Lẫm còn bị tố cáo vay của ông Phạm Văn Mạnh một khoản tiền với lãi suất thoả thuận 6%/tháng và có đặt bộ hồ sơ gốc xe ô tô “làm tin”.
Con trai vợ chồng ông Lẫm nói: “Gia đình tôi và ông Mạnh là chỗ quen biết, hợp tác làm ăn, gia đình tôi vẫn còn đang thi công bốn công trình nội thất đồ gỗ cho ông Mạnh chưa thanh quyết toán. Cha mẹ tôi khẳng định không làm bất kỳ một giấy tờ, biên bản, hợp đồng nào liên quan đến việc bán xe ô tô cho ông Mạnh”.
Lời con trai vợ chồng ông Lẫm: “Quan hệ hợp tác làm ăn giữa gia đình tôi với ông Mạnh đang bình thường, chỉ là quan hệ dân sự, không có mâu thuẫn gì cho đến khi xảy ra việc chúng tôi bị “tín dụng đen” cướp phá và “giậu đổ bìm leo”.
Bình luận về sự việc, Luật sư Lưu Thiếu Đào, Giám đốc Công ty Luật Đào An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng: “Cơ quan tố tụng địa phương đã có dấu hiệu sai phạm khi không khởi tố sự việc vợ chồng ông Lẫm cho rằng bị “tín dụng đen” cướp phá.
Và sau đó Cơ quan CSĐT Công an TP Thái Bình lại tiếp tục có dấu hiệu sai phạm khác, hình sự hoá các mối quan hệ dân sự khi bắt tạm giam ông Lẫm, bà Quyết. Việc lẽ ra phải khởi tố và có các chứng cứ khá rõ ràng thì không làm mà lại nhanh chóng biến nạn nhân trong vụ án này thành nghi phạm trong một sự việc khác; người có trách nhiệm có động cơ gì mà làm như vậy?”.
Cơ quan chức năng trả lời gì về sự việc này? Và theo các chứng cứ PLVN có được, cũng liên quan đến nhóm “tín dụng đen” vợ chồng ông Lẫm vướng phải, còn có nhiều nạn nhân khác và cùng có dấu hiệu tội phạm được bao che. PLVN sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.