Công trường yên ắng
Số lượng bệnh nhân Covid-19 ở Việt Nam đang tăng lên khiến hoạt động sản xuất các ngành kinh tế đều ảnh hưởng. Ở lĩnh vực đặc thù như kinh tế xây dựng, Covid-19 cũng đang “âm thầm” lấn tới, ảnh hưởng cả hoạt động sản xuất lẫn tâm lí người lao động.
Ông Lê Đức Thọ, Thành viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn CIENCO4 cho biết, cùng chung hoàn cảnh với nhiều DN khác trong cả nước, CIENCO4 đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. “Chúng tôi đang hạn chế cán bộ, nhân viên việc đi lại; các giao dịch được thực hiện chủ yếu qua hình thức trực tuyến như điện thoại, email, mạng xã hội”, ông Thọ nói.
Theo ông Thọ, khó khăn nhất đối với DN xây lắp như CIENCO4 là việc tiếp cận nguồn vật tư, vật liệu. Một số mặt hàng có thể mua tại Việt Nam như xi măng, cát, sỏi, nhưng nhiều vật liệu như phôi thép, các sản phẩm từ thép phải nhập từ nước ngoài.
Trong khi đó, việc tiếp cận nguồn hàng từ nước ngoài gặp khó khăn, gần như đang bị “đóng cửa”. Được biết, CIENCO4 là DN kinh doanh đa dạng ngành nghề, từ xây dựng công trình giao thông đến các nhà máy, khu công nghiệp, dịch vụ bất động sản, cho thuê văn phòng… nên đang bắt đầu thấy “ngấm” hậu quả do dịch bệnh gây ra.
Theo tìm hiểu của PLVN, hiện CIENCO4 đang thực hiện nhiều dự án lớn như cầu cạn đoạn Mai Dịch – Nam Thăng Long (Hà Nội); gói thầu 1A dự án Metro Bến Thành – Suối Tiên; cầu An Hòa (tỉnh Tây Ninh); Gói thầu XL9 dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn thuộc Cao tốc Bắc - Nam phía Đông; Nhà máy xử lí nước thải Yên Xá (Hà Nội)… “Trên các công trình, tất cả các công nhân đều được phát khẩu trang, nước kháng khuẩn miễn phí”, ông Thọ nói.
Cũng theo đại diện Tập đoàn này, tại một số công trường xây dựng, nhịp độ xây lắp bắt đầu giảm đi. “Dù ảnh hưởng nhưng chúng tôi vẫn huy động tối đa số lượng công nhân để đảm bảo tiến độ”, lãnh đạo CIENCO4 nói và cho biết, hiện nay đơn vị đang nỗ lực để hoàn thành tiến độ tại các công trình. “Tuy nhiên, nếu bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19 thì sau này chúng tôi sẽ có phân tích các nguyên nhân khách quan, chủ quan rồi đề xuất hướng xử lý”, ông Thọ nói.
Doanh nghiệp đa ngành thiệt hại nặng
Ông Đỗ Hoài Đông - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị - HUD (Bộ Xây dựng) cho biết, lĩnh vực kinh doanh chính của HUD và một số đơn vị thành viên là bất động sản (BĐS).
Hiện nay dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng chung đến cả nền kinh tế nên đã tác động tiêu cực đến thị trường BĐS và xây dựng theo hướng suy giảm và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty. Tuy nhiên, ảnh hưởng này sẽ có độ trễ và phụ thuộc vào mức độ lây lan của dịch bệnh trong thời gian tới.
Cũng theo lãnh đạo HUD, ngoài lĩnh vực đầu tư kinh doanh BĐS nhà ở, một số đơn vị thành viên của HUD hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số ngành nghề khác, trong đó chịu tác động mạnh nhất là Công ty CP Đầu tư Tam Đảo với ngành nghề chính là quản lý vận hành, kinh doanh hoạt động sân golf. Từ khi có thông tin chính thức về dịch bệnh, doanh thu hoạt động kinh doanh của công ty này giảm sút từ 75-80% so với cùng kỳ.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tuần trước, HUD đã ra văn bản yêu cầu các đơn vị thành viên rà soát khối lượng công việc thực tế đang triển khai để tính toán phương án luân phiên giải quyết công việc cho cán bộ nhân viên (nếu cần thiết), tạo điều kiện cho người lao động làm việc tại nhà.
“Hiện nay Tổng Công ty đang xem xét đánh giá đầy đủ tác động, ảnh hưởng để điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020 cho phù hợp với tình hình chung”, ông Đông nói và cho biết, tới đây HUD sẽ tổng hợp ý kiến từ các công ty thành viên, sau đó sẽ kiến nghị, đề xuất giải pháp với các bộ, ngành liên quan, thậm chí đề xuất lên Chính phủ.
Gói tín dụng 250.000 tỉ đồng hỗ trợ doanh nghiệp
Mới đây, tại Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối đủ vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, trước mắt là gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỉ đồng.