Pháp luật về hải quan: “Xoay” kiểu gì cũng khó
Trong một khảo sát được VCCI thực hiện trên 1.500 doanh nghiệp (DN) cho thấy, có 37% DN cho rằng các quy định pháp luật về hải quan là “tương đối khó thực hiện”. Về công tác tiếp nhận, kiểm tra và đăng ký tờ khai, 69% DN cho biết quy trình này mất hơn 30 phút để nhận được phản hồi về số tờ khai và hướng dẫn làm tiếp thủ tục hải quan.
Về thủ tục kiểm tra sau thông quan, 52% DN cho rằng hoạt động kiểm tra sau thông quan tại trụ sở cơ quan hải quan gây mất nhiều thời gian cho DN.
Hồi đáp phàn nàn này của DN, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, trong thời gian tới ngành Hải quan tiếp tục công tác hiện đại hóa hải quan nhằm tăng cường năng lực, tăng cường tính hiệu lực và hiệu quả của công tác quản lý hải quan.
Từ ngày 1/4/2014, hệ thống thông quan tự động sẽ chính thức được triển khai trên phạm vi toàn quốc sẽ tạo nhiều thuận lợi cho cả công tác quản lý và DN thực hiện thủ tục hải quan.
Năm nào cũng vậy, Hội nghị đối thoại với Bộ Tài chính về thủ tục hành chính, chính sách thuế và hải quan đều bị DN biến thành diễn đàn “tố khổ” |
Ông Mẫn Ngọc Anh - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hanaka (chuyên về thiết bị điện) kể lại câu chuyện DN này mua một DN khác ở Đồng Nai. “DN được mua lại khi đăng ký kinh doanh có vốn 88 tỷ đồng, sau đó chủ động đăng ký thêm 80 tỷ đồng nữa, nâng vốn lên mức 168 tỷ đồng. Nhưng qua quá trình sản xuất kinh doanh thì họ lỗ tới hơn 200 tỷ đồng.
Hanaka mua lại DN và đã khôi phục lại sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho công nhân. Tuy nhiên, Cục Thuế Đồng Nai vẫn áp thuế đối với DN mà chúng tôi mua lại – ông Ngọc Anh nói - Việc DN thua lỗ gấp ba lần vốn điều lệ mà vẫn áp dụng thuế thu nhập DN thì quá bất công”.
Trong khi đó, theo ông Đường Trọng Khang - Phó Chủ tịch Thường trực Hội DN tỉnh Vĩnh Phúc, các thành viên trong Hội của ông vẫn luôn phàn nàn về thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp. “Đơn cử như việc làm thủ tục tiền thu thuế đất, DN phải nộp quá nhiều giấy tờ cho chi cục thuế huyện, chi cục thuế huyện lại chuyển lên tỉnh và phải chờ quá lâu để làm xong", ông Khang nói. "Khi kinh tế khó khăn, phải tạm ngừng sản xuất, nhiều DN phải đóng mã số thuế. Đến nay, kinh tế có dấu hiệu phục hồi, DN sản xuất trở lại, thì nhiều trường hợp trầy trật chờ đợi mãi vẫn chưa mở lại mã số thuế, gây khó khăn cho việc thực hiện nghĩa vụ tài chính cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh”.
Các DN kiến nghị Nhà nước nên áp dụng chính sách ưu đãi thuế cho các DN có doanh thu hàng năm dưới 20 tỷ đồng thay vì áp dụng cho các DN nhỏ, cơ quan thuế phải tính toán hợp lý, minh bạch khi xác định các khoản phải thu với DN kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi trong khâu kiểm tra và xét hoàn thuế…
Về phần Bộ Tài chính, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết sẽ phân loại nợ. Nếu là nợ bất khả kháng do sắp xếp DN sẽ phải khoanh nợ, xóa nợ theo quy định của pháp luật. Còn DN gặp khó khăn về tài chính sẽ được phân kỳ nộp thuế. Còn nếu DN có điều kiện nhưng chây ỳ nộp thuế thì phải cương quyết cưỡng chế…