Trần giờ làm thêm chỉ nên quy định theo năm
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú cho biết, DN thủy sản hoạt động sản xuất mang tính thời vụ, nguồn nguyên liệu chỉ nhiều từ 5-6 tháng. Nếu quy định mức giờ làm thêm như dự thảo, thì DN sẽ vi phạm vào những tháng cao điểm mùa vụ, tức cả năm không được bán hàng.
Ông Quang dẫn chứng: Khi vào chính vụ, bà con nông dân mang sản phẩm tới nhà máy, cần thu mua và chế biến ngay nếu không nguồn nguyên liệu sẽ hư hỏng. Do vậy không thể áp trần giờ làm việc bình thường theo quy định là 44 giờ/tuần. Làm như vậy, chính sách với nông nghiệp nông thôn không giải quyết được, dẫn tới câu chuyện mất giá. Trong khi những tháng không phải thời vụ, công nhân không có nguyên liệu làm, mà áp dụng khung giờ làm thêm 40 giờ/tuần là vô lý. “Nếu quy định như vậy đặt ra nguy cơ DN không được bán hàng, đồng nghĩa người lao động không có việc làm”, ông Quang nói.
Chia sẻ về những khó khăn gặp phải, DN này cho hay, Minh Phú hiện có hai nhà máy với 20.000 lao động, nhưng tới nay mới thu hút được 13.000 người. Ngoài những tháng vào mùa vụ, quá nửa năm là lao động ít việc, tới làm việc 3-5 giờ/ngày, DN vẫn phải trả lương. Trong khi đó, vào tháng mùa vụ nhiều đơn hàng lại không được làm thêm vượt 30 giờ/tháng và 200 giờ/năm. Vậy tại sao áp đặt giờ làm thêm theo tuần, theo tháng và theo năm?
“Chúng tôi không bao giờ muốn tăng giờ làm thêm cho công nhân vì vậy chúng tôi phải trả gấp rưỡi, hoặc gấp đôi cho người lao động. Như vậy, giá thành của chúng tôi tăng lên 20%- 30%, điều này có nghĩa năng lực cạnh tranh của DN giảm. Tuy nhiên, nếu không tăng giờ làm thêm thì không thể giao đơn hàng theo đúng hẹn cho đối tác. Do đó, DN buộc phải để lao động làm thêm giờ chứ không hề mong muốn”, ông Quang chia sẻ.
Cùng quan điểm, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, với DN dệt may, việc làm thêm 300 giờ/năm là rất khó thực hiện: “Hầu hết DN dệt may đều vi phạm quy định này. Vì chúng tôi cũng làm theo thời vụ, có những tháng rất nhiều đơn hàng, không làm thêm giờ không được”. Ông Cẩm cho rằng, sửa đổi BLLĐ cần bám sát thực tiễn, khi ban hành luật mà không đi vào đời sống thì không nên đưa ra.
Đại diện Hiệp hội Da - Giày và Túi xách Việt Nam, bà Phan Thị Thanh Xuân cho rằng, ngành Da - Giày là ngành tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và sử dụng rất nhiều lao động. Câu chuyện làm thêm giờ chính là việc giải bài toán năng suất lao động bởi năng suất lao động của ngành hiện rất thấp, so với các nước kém rất xa, hiện chỉ đạt 0,5 đôi/người/giờ, trong khi tại Trung Quốc là 1,2 – 1,5 đôi/người/giờ…
Đại diện một số DN kiến nghị không nên khống chế việc làm thêm giờ theo tuần theo tháng mà nên theo năm; và không nên giảm giờ làm việc chính từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/tuần. Vì thực tế, người lao động làm việc bình quân 10 giờ/ngày không ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như năng suất. Hầu hết các ngành đều có đặc thù phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu trong mùa vụ, không phải ngày nào cũng có nguyên liệu mà làm 10 tiếng/ngày. Hơn nữa chủ DN cũng phải cân đối việc làm hàng ngày để đảm bảo sức khỏe lâu dài cho người lao động vừa đảm bảo năng suất, chất lượng, từ đó DN mới phát triển bền vững. Mặt khác, người lao động cũng có nhu cầu làm thêm giờ để nhận thêm thu nhập.
Có nên lũy tiến lương giờ làm thêm?
Việc quy định trả lương luỹ tiến giờ làm thêm cũng được các DN nhận định là không phù hợp với thông lệ đa số các quốc gia trên thế giới. “Trả lương giờ làm thêm theo sản phẩm thì có, chứ chưa ai trả theo thời gian sau cao hơn thời gian trước, trả lương luỹ tiến theo giờ là không hợp lý. Thực tế với ngày lễ, lương làm thêm đã được trả 300%, cộng thêm tiền lương ngày lễ đó thì tính ra đã là gần 400% rồi”, ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết.
Theo đại diện một số DN, việc quy định mức lương làm thêm giờ quá cao trong dự luật có thể dẫn tới tác dụng ngược là khuyến khích người lao động làm thêm nhiều hơn, cố tình kéo giờ làm thêm sang giờ thứ 2, 3 để có thêm có thêm thu nhập. Điều này khiến mục đích bảo vệ sức khoẻ của người lao động của Luật không đạt được.
Bên cạnh đó, làm tăng “gánh nặng” trách nhiệm vào DN, khiến DN phải thu hẹp sản xuất, thậm chí “bóp chết” DN. Do đó một số DN kiến nghị giữ mức tính lương giờ làm thêm như hiện hành, cụ thể 150% với làm thêm ngày thường, 200% với ngày nghỉ và 300% ngày lễ tết, việc trả lương cao hơn mức trên thì do hai bên thoả thuận.