Như Báo Pháp luật Việt Nam thông tin, UBND TP Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo (Công văn số 3861/UBND-TNMT ngày 14/11, về việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 3 mỏ cát: mỏ Châu Sơn, mỏ Liên Mạc (Thượng Cát) và Tây Đằng - Minh Châu) giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng các Sở, ngành: Tư pháp, Tài chính, Xây dựng, Công Thương, Công an Thành phố và các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát ngay toàn bộ quá trình khảo sát, đánh giá trữ lượng mỏ, lập hồ sơ và tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở 3 mỏ cát này theo đúng quy định pháp luật, bảo đảm chặt chẽ, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1087/CĐ-TTg ngày 11/11/2023, báo cáo UBND TP trước ngày 20/11.
Sau chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, Công ty Đấu giá hợp danh Bắc Trung Nam vừa báo cáo Sở Tư pháp Hà Nội toàn bộ thông tin về quá trình thực hiện và kết quả đấu giá 3 mỏ cát nêu trên. Theo đó, Công ty đấu giá trên khẳng định quy trình đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại 3 mỏ nêu trên đã được thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật như đăng tải và niêm yết công khai; Toàn bộ hồ sơ đề nghị tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân được để trong túi (hộp) đựng hồ sơ, có dán niêm phong...
Hiện, đơn vị tổ chức thực hiện đấu giá đã báo cáo Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội đề nghị phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội xem xét, làm các thủ tục trình UBND Thành phố công nhận kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 3 mỏ cát nêu trên. Đây sẽ là căn cứ pháp lý để cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động khoáng sản cho doanh nghiệp trúng đấu giá.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Sơn Tùng, đại diện Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Dịch vụ KSP (địa chỉ phường Phú La, Hà Đông, Hà Nội), đơn vị trúng đấu giá mỏ cát Liên Mạc cho biết, tới thời điểm này doanh nghiệp rất mong muốn sớm có quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá. Giải thích về việc trúng đấu giá cao, ông Tùng cho rằng, đó cũng đã nằm trong kế hoạch và hoạch định phát triển của doanh nghiệp, vì mỏ cát cấp phép khai thác trong 8 - 10 năm, coi đó như “của để dành” tới khi nào giá đạt được như mong muốn sẽ đẩy mạnh khai thác. “Vì thế, chúng tôi cam kết thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật, chỉ cần ngày mai có quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá, thông báo nộp thuế đợt 1 thì sẽ ngay lập tức đơn vị thực hiện nghĩa vụ tài chính. Do đó, bỏ cọc là điều không thể xảy ra”, ông Tùng nhấn mạnh thêm.
Theo đó, chậm nhất 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá, Cục Thuế thông báo cho tổ chức, cá nhân trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản nộp tiền vào ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Trước đó, cuộc đấu giá quyền khai thác mỏ cát tại Châu Sơn, Tây Đằng (Ba Vì) và Liên Mạc (Bắc Từ Liêm) bắt đầu làm thủ tục vào 8h sáng ngày 5/11, diễn ra xuyên đêm đến 6h ngày 6/11 thì kết thúc. Kết quả, mỏ cát Châu Sơn có 29 khách hàng đủ điều kiện tham gia đấu giá, mỏ Tây Đằng - Minh Châu có 28 khách hàng và mỏ Liên Mạc (Thượng Cát) có 16 khách hàng đủ điều kiện tham gia.
Trong đó, mỏ cát Liên Mạc (Thượng Cát) trải qua 53 vòng đấu giá, Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Dịch vụ KSP (phường Phú La, quận Hà Đông, Hà Nội) trúng đấu giá với mức gần 408,5 tỷ đồng, gấp 200 lần mức khởi điểm.
Trải qua 89 vòng đấu giá, Công ty CP Đầu tư và Thương mại Việt Sơn (trụ sở phường Võ Cường, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) đã trúng đấu giá mỏ cát Châu Sơn với mức trên 396,86 tỷ đồng.
Mỏ cát Tây Đằng - Minh Châu trải qua 21 vòng đấu giá, Công ty TNHH Thương mại Phúc Lộc Thịnh (xã Mai Động, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên) trúng đấu giá với mức trên 883,9 tỷ đồng.
Tổng số tiền thu về ngân sách từ đấu giá 3 mỏ cát nêu trên là gần 1.700 tỷ đồng.