Trong khi người dân, và ngay cả bản thân Chủ tịch UBND huyện Ba Vì vẫn đang chờ “kết quả điều tra” từ cơ quan chức năng về vụ “rút ruột” công trình tại cầu Suối Cái (thuộc dự án đường 415 đi đền Trung, xã Minh Quang), thì Công ty cổ phần Quảng Tây (Công ty Quảng Tây) vẫn tiếp tục được chỉ định thầu trong một dự án “khủng” lên đến 350 tỷ đồng ngay tại Ba Vì.
Không chỉ để xảy ra “rút ruột” tại cầu Suối Cái, đường 415 đi đền Trung do Công ty Quảng Tây thi công còn bị sạt lở mái taluy |
Tài liệu Pháp luật Việt Nam có được, cho thấy, tháng 5/2011, UBND Tp. Hà Nội đã phê duỵệt dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước cho 4 xã (Thái Hoà, Phú Sơn, Cẩm Lĩnh, Vật Lại) có đất bị thu hồi mở rộng nghĩa trang Yên Kỳ và vùng lân cận.
Theo đó, tổng mức đầu tư cho dự án này lên đến 358,2 tỷ đồng, chia làm hai đợt. Đợt một (năm 2011) đầu tư khoảng 199 tỷ, đợt hai (năm 2013) đầu tư khoảng 159 tỷ. Ngân sách Tp. Hà Nội hỗ trợ 322,4 tỷ đồng (90% tổng mức đầu tư), phần còn lại ngân sách huyện Ba Vì đầu tư 35,8 tỷ đồng.
Trên cơ sở đề xuất của liên danh Công ty Quảng Tây với một đối tác khác, ngày 12/1/2012 UBND huyện Ba Vì ra quyết định số 19 phê duyệt kết quả chỉ định gói thầu số 2: Thi công xây dựng công trình cung cấp và lắp đặt thiết bị thuộc giai đoạn 1 dự án - xây dựng hệ thống cấp nước cho 4 xã bị mất đất phục vụ dự án mở rộng nghĩa trang Yên Kỳ và các xã vùng lân cận huyện Ba Vì.
Rất chóng vánh, một ngày sau đó, 13/1, Ban quản lý dự án xây dựng hệ thống cấp nước sạch huyện Ba Vì và Liên danh của Công ty Quảng Tây tiến hành thương thảo hợp đồng số 01 để tiến hành thực hiện gói thầu. Cùng ngày, đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án xây dựng hệ thống nước sạch huyện Ba Vì do ông Nguyễn Đức Thiện, Phó ban quản lý dự án tiến hành ký kết hợp đồng thi công xây dựng gói thầu số 2 với liên danh của Công ty Quảng Tây do ông Nguyễn Thế Sang làm đại diện. Nguồn tin cho biết, tổng giá trị hợp đồng này lên đến 169,5 tỷ đồng.
Trong khi các bên liên quan “nhanh chóng” thực hiện các thủ tục như thương thảo và ký kết hợp đồng, thì ngày 1/2/2012, UBND Tp. Hà Nội mới có văn bản đề nghị UBND huyện Ba Vì và Sở Kế hoạch & Đầu tư rà soát thủ tục thực hiện dự án nói trên. Báo cáo sau đó của Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội vào tháng 3/2012, cho thấy, liên danh do Công ty Quảng Tây làm đại diện được chỉ định gói thầu số 2.
Tuy nhiên, với tổng mức đầu tư lên đến 169 tỷ đồng, nhưng theo Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội, thì “trình tự thủ tục chỉ định nhà thầu thực hiện gói thầu số 2” mới “cơ bản tuân thủ quy định”. Cũng liên quan đến chỉ đạo của Tp. Hà Nội trong công văn ngày 1/2/2012, Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã yêu cầu chủ đầu tư là UBND huyện Ba Vì phải lưu ý nhiều vấn đề.
Đặc biệt, tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND huyện Ba Vì vào ngày 20/1/2012 về dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước cho 4 xã có đất bị thu hồi mở rộng nghĩa trang Yên Kỳ và vùng lân cận, Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp với UBND huyện Ba Vì kiểm tra, xác định vị trí xây dựng nhà máy nước sạch cho phù hợp với tổng thể khu vực. Tại buổi làm việc này, ông Nguyễn Thế Thảo khẳng định “trước mắt ưu tiên cấp nước cho hai xã Phú Sơn, Thái Hoà” tại dự án nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giao đoạn 1). Ông Nguyễn Thế Thảo cũng yêu cầu UBND huyện Ba Vì căn cứ vào quy định của thành phố để “lựa chọn doanh nghiệp có năng lực để thực hiện”.
Những bất cập trong dự án hàng trăm tỷ đồng nói trên sẽ được Pháp luật Việt Nam tiếp tục thông tin đến bạn đọc…
Liên quan đến dư luận cho rằng Phó chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Thế Hà và Giám đốc Công ty cổ phần Quảng Tây Nguyễn Thế Sang có “họ hàng” với nhau, trả lời Pháp luật Việt Nam, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Lê Văn Minh nói rằng “không có gì đâu!”. Ông Minh cũng trả lời ngắn gọn “làm gì có” trước thông tin Trưởng ban quản lý dự án đường 415 đi đền Trung (nơi có công trình cầu Suối Cái bị rút ruột) là người nhà của hai ông Sang và Hà. |
Nhóm PV