“Competing with Giants” được viết bằng tiếng Anh do tác giả chính – nữ doanh nhân Trần Uyên Phương thực hiện cùng hai đồng tác giả là nhà báo Anh Jackie Horne và chuyên gia kinh tế người Mỹ John Kador. Đây là lần đầu tiên một tác giả người Việt Nam được ForbesBooks lựa chọn xuất bản. Ngay sau chương trình, bà Trần Uyên Phương đã trả lời phỏng vấn riêng với Báo PLVN.
Ngay phần mở đầu của chương trình nghệ thuật bà đã đưa mọi người đến với câu chuyện của nước “Giọt – Dòng – Sóng”, vậy bà có thể cho biết ý tưởng này có liên kết gì đối với Tân Hiệp Phát?
- Tôi nói đến ý tưởng “Giọt – Dòng – Sóng” bởi chúng ta đều biết giọt nước nhỏ nhất nhưng nó dễ thích nghi uyển chuyển, dễ hoà hợp với nhau tạo thành dòng. Những dòng đổ về thác vượt qua bao khó khăn, thử thách cho đến khi vươn ra biển lớn chúng tạo thành con sóng. Những giọt nước vẫn bền bỉ, miệt mài không bỏ cuộc, không tách rời nhau, luôn luôn trôi chảy, hoà nhập.
Trong cuốn sách bà dành cả một chương để viết về gia đình mình, vậy đối với bà gia đình có vai trò như thế nào và bà muốn truyền tải điều gì nhất đối với độc giả của cuốn sách “Competing with Giants”?
- Tôi đã dành 4 năm để hoàn thành cuốn sách này, trong đó yếu tố gia đình đã tạo nên những giá trị nền tảng. Giá trị của gia đình giúp tôi trở thành con người tôi hôm nay và nó là một phần câu chuyện trong cuốn sách mà tôi muốn chia sẻ về họ. Thông qua cuốn sách, tôi muốn truyền tải đến một tinh thần, đó là tinh thần “Không gì là không thể” bởi cuộc sống không chờ đợi ai cả, bản thân mỗi người phải tự đi tìm những giải pháp, những cơ hội mới.
Là một doanh nghiệp Việt, đến nay đã nhiều năm, chúng tôi đã vượt qua nhiều chặng đường, nhiều khó khăn, mà bản thân tôi cũng như gia đình Tân Hiệp Phát đều phải cố gắng rất nhiều, từng phần trăm một, từ xuất phát điểm là con số không. Để đạt được điều đó, điểm mấu chốt chính là tính hiệu quả.
Tôi muốn chia sẻ câu chuyện và bài học mà Tân Hiệp Phát đã trải qua tới những doanh nghiệp khác, mong rằng có thể hạn chế rủi ro thất bại, chứ chưa tham vọng nói đến họ phải thành công. Không có công thức thành công cụ thể. Để tồn tại đến bây giờ, để vươn tới sánh tầm với những doanh nghiệp nên thế giới, chúng tôi và giới doanh nghiệp Việt Nam đều phải cố gắng rất nhiều.
Theo bà, điều gì đã giúp Tân Hiệp Phát đối mặt và vượt qua những “người khổng lồ” ở trong nước và trên thế giới. Bà có thể chia sẻ thêm về văn hóa doanh nghiệp và cộng đồng hiện nay?
- Điều quan trọng nhất chính là tinh thần “Không sợ hãi”. Chúng tôi luôn cho rằng, doanh nghiệp muốn tồn tại được thì phải tồn tại trong lòng người tiêu dùng. Điều mà chúng tôi muốn làm là phải đem đến những giá trị mới, những giá trị của người Việt Nam, tạo nên sự khác biệt, đưa đến những sản phẩm không chỉ giải khát mà còn có ích cho sức khỏe.
Trong 4 điều làm nên sự thành công của doanh nghiệp: Sản phẩm - Vị trí - Địa điểm - Tiếp thị, tôi cho rằng sản phẩm là yếu tố quan trọng hàng đầu. Khách hàng phải chấp nhận sản phẩm thì mới đón nhận nó. Doanh nghiệp cũng phải hướng tới chất lượng sản phẩm để duy trì và phát triển bền vững.
Những câu hỏi bà đặt ra với chính mình để kế thừa và phát triển doanh nghiệp từ bố mình là gì, thưa bà?
- Đối với tôi, Tổng Giám đốc Trần Quý Thanh luôn có rất nhiều điều để học hỏi. Ông như một ly nước rỗng – với một ly nước rỗng, có thể đổ vào cái gì cùng được. Đó chính là tinh thần học hỏi và phát triển, dù ở tuổi 65 ông vẫn luôn học hỏi, cải thiện bản thân mình. Đó cũng là giá trị cốt lõi của Tân Hiệp Phát. Còn về bản thân, tôi đặt ra cho mình rất nhiều câu hỏi để có thể phát triển Công ty như ngày hôm nay.
Cuối cùng bà muốn chia sẻ điều gì với giới doanh nhân trẻ?
- Chúng tôi có ước mơ là phát triển doanh nghiệp Việt ra thế giới. Qua câu chuyện này, chúng tôi muốn chia sẻ tới thế hệ trẻ, không chỉ luôn cải thiện bản thân, mà còn cần có tham vọng, vươn tầm ra quốc tế để chứng minh bản sắc và giá trị của con người Việt Nam.
Cảm ơn chia sẻ của bà và chúc bà cùng doanh nghiệp luôn thành công hơn nữa!