Doanh nghiệp nước ngoài “thâu tóm” thương hiệu Việt: 'Mất nhiều hơn được'

Ông chủ hãng kem đánh răng Dạ Lan - Trịnh Thành Nhơn từng cay đắng thốt lên: “Liên doanh với Colgate là sai lầm lớn nhất đời tôi”
Ông chủ hãng kem đánh răng Dạ Lan - Trịnh Thành Nhơn từng cay đắng thốt lên: “Liên doanh với Colgate là sai lầm lớn nhất đời tôi”
(PLVN) - Có người ví von, việc chúng ta bán đi những thương hiệu mạnh như Sabeco, Kinh Đô, Highland… chẳng khác nào vừa hì hụi đào móng xong lại để người khác đến xây nhà…

Những thương vụ kém vui

Giá trị các cuộc mua bán và sáp nhập thương hiệu (M&A) ở Việt Nam mỗi năm một tăng và đó là điều tất yếu khi nền kinh tế hội nhập. Nhưng không phải bất cứ cuộc chơi nào cũng toàn là niềm vui và lợi nhuận.  

Có sự toan tính?

Tính đến nay chưa có bất cứ một số liệu cụ thể, chính xác nào về số lượng thương hiệu Việt bị doanh nghiệp (DN) nước ngoài thâu tóm nhưng những thương hiệu đình đám bị thâu tóm thì có thể được biết đến ra rất nhiều. Lớn nhất đến thời điểm này phải nói tới thương vụ tỷ phú Thái Lan thâu tóm Sabeco. Trước đó, hàng loạt thương hiệu Việt bị bán như bánh kẹo Kinh Đô, băng vệ sinh Diana, Xúc xích Đức Việt, Phở 24h, Highland Coffee…

Trước nữa - thời kỳ những năm đầu thập niên 2000, thương hiệu Tribeco cũng từng… cay đắng chấp nhận rơi vào tay một tập đoàn Đài Loan do thua lỗ triền miên sau nhiều năm tiến hành sáp nhập với những đối tác “khủng”. Thương vụ M&A này đến nay vẫn khiến cho những người kinh doanh trong giới thực phẩm đồ uống băn khoăn, tiếc nuối?

Dư luận hẳn chưa quên câu chuyện ông chủ hãng kem đánh răng Dạ Lan - Trịnh Thành Nhơn, tới giờ này vẫn đau đáu vì đã vô tình để tuột tay thương hiệu Dạ Lan khi nó rơi vào “cuộc chiến hợp tác cùng phát triển” với Tập đoàn đa quốc gia Unilever.

Ông Nhơn từng cho nói, Colgate đã “dẹp” thương hiệu Dạ Lan rất bài bản. Bắt đầu từ việc “mời” ông tham gia hợp tác với một viễn cảnh kinh doanh sáng ngời. Nhưng chỉ vài tháng sau khi liên doanh, “ông chủ của Colgate” thông báo kem đánh răng Dạ Lan có vấn đề, bị khách hàng trả lại. Sau đó là lỗ triền miên và thời điểm Unilever thông báo dừng phát triển thương hiệu Dạ Lan thì cũng là lúc họ nắm giữ 70% cổ phần nên ông Nhơn không thể làm được gì nữa!. 

Hiện nay, ông Nhơn đã trở lại và tiếp tục phát triển thương hiệu Dạ Lan một thời. Ông quyết tâm đưa Dạ Lan giành lại thị phần như thời hoàng kim trước kia bằng việc làm quần quật một ngày 16 tiếng. Ông khẳng định, nếu đời ông không làm được thì đời con ông sẽ tiếp bước để xây dựng lại bằng được 2 chữ Dạ Lan nức tiếng hơn hai chục năm trước. 

Bất ngờ báo lỗ khi về tay doanh nghiệp ngoại 

Ngoài ra, rất nhiều thương hiệu Việt khác cũng đã bị thâu tóm một cách rất tự nhiên, để từ việc là một DN của Việt Nam, các thương hiệu này đã trở thành thành viên của các DN đầu tư nước ngoài như bia Huda, Sabeco, X men… Và sau khi đã trở thành DN đầu tư nước ngoài, các công ty này đã… bất ngờ báo lỗ dù doanh số liên tục tăng trưởng. 

Ví dụ như thương hiệu đồ uống quen thuộc Highland Coffee, sau khi chuyển giao cho đối tác Philippines, thương hiệu này dù tăng trưởng doanh số tới 91% nhưng vẫn bị lỗ vài tỷ đồng một năm. Hay Sabeco, một doanh nghiệp nhà nước ăn nên làm ra, lợi nhuận tăng liên tục trong 4 năm cho đến trước khi chuyển giao cho tỷ phú người Thái. Ngay năm đầu tiên tiếp quản, Sabeco báo lỗ?

Chưa hết, tỷ phú Thái cũng chính thức công bố loại bỏ Công ty CP Bia Sài Gòn Phủ Lý ra khỏi các đơn vị thành viên của mình… Bánh kẹo Kinh đô sau nhiều năm thắng lợi giòn giã cũng “kém vui” khi giảm lợi nhuận tới 80% trong các năm đầu chuyển giao cho đối tác ngoại. 

Thất thu thuế là điều đầu tiên mà Việt Nam bị tác động sau khi các thương hiệu Việt bị bán. Tất nhiên, vẫn có nhiều thương hiệu ăn nên làm ra sau khi được bán cho các ông chủ ngoại nhưng những câu chuyện “báo lỗ” như trên không phải là chuyện hiếm. Chưa kể đến việc, kể cả trong trường hợp các ông chủ ngoại làm ăn đàng hoàng thì họ cũng sẽ được ưu đãi thuế trong vài năm đầu tiên khi chính thức trở thành các DN đầu tư nước ngoài nên chuyện bị hụt ngân sách khi bán đi các thương hiệu cũng là điều tất nhiên. 

Cuộc chơi M&A giờ dường như là một xu hướng tất yếu trong quá trình hội nhập sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam. Nhưng chơi như thế nào để vẫn đảm bảo lợi ích của người Việt, nền kinh tế Việt Nam là điều cần bàn.

Vingroup từ chối lời đề nghị 1 tỷ USD 

Thông tin Vingroup quyết định chuyển giao toàn bộ việc điều hành VinMart, chuỗi VinMart+ và Công ty VinEco sang Tập đoàn Masan khiến dư luận ngạc nhiên. Trong dòng thông tin đầy bất ngờ đó, đại diện của Vingroup chia sẻ, Tập đoàn này quyết định hợp lực với DN nội chứ không hợp tác với DN nước ngoài để cân bằng thị trường bán lẻ trong nước. 

Vị đại diện của Vingroup cho biết, dù Tập đoàn SK (Hàn Quốc) muốn “rót” 1 tỷ USD vào VinCommerce nhưng Công ty Cổ phần Phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM (công ty mẹ của VinCommerce) vẫn từ chối để quyết định bắt tay với Masan nhằm tiếp tục phát triển hệ thống bán lẻ thuần Việt.

Ông chủ Vingroup (phải) đã chọn ông chủ Masan (trái) để chuyển giao VinMart… thay vì chấp nhận lời đề nghị của SK (Hàn Quốc)
Ông chủ Vingroup (phải) đã chọn ông chủ Masan (trái) để chuyển giao VinMart… thay vì chấp nhận lời đề nghị của  SK (Hàn Quốc) 

Điều này muốn nói lên điều gì? Phải chăng một trong số những tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam đang nhận ra rằng, việc ngày càng nhiều DN nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam mang lại yếu tố khá rủi ro đối với nền kinh tế Việt? Hay họ cho rằng, họ phải có trách nhiệm bảo vệ và giữ gìn thương hiệu Việt mà trước đó đã mất nhiều công xây dựng? 

Trong kỳ họp Quốc hội mới đây, ông Phạm Trọng Nhân - Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã đặt ra vấn đề hiện nay thị trường bán lẻ Việt Nam đang bị chi phối bởi các tập đoàn quốc tế. Với thực tế trên, ngay sau đó Big C đã bất ngờ “cắt cầu” các DN dệt may trong nước là một ví dụ nhìn thấy rõ. Các thương hiệu hàng hóa Việt Nam vì nhiều lý do phải “rời kệ” siêu thị, nhường chỗ cho các thương hiệu ngoại cũng là vấn đề cần phải bàn khi nói tới chủ đề các thương hiệu lớn của Việt Nam bị thâu tóm. 

Cũng vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cũng từng đặt câu hỏi trong các báo cáo về thương mại, kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng trưởng đều nhưng trong con số tăng trưởng đó, nội lực nền kinh tế đóng góp được bao nhiêu?

Như vậy, yếu tố nội lực cho nền kinh tế đang được nhiều giới rất quan tâm, từ những vị Đại biểu Quốc hội có nhiều trăn trở về tình hình kinh tế đất nước đến những DN tự nguyện gánh vác sứ mệnh xây dựng thương hiệu quốc gia, mang đậm tinh thần Việt. Trước tình thế đó, việc các thương hiệu Việt rơi vào tay các ông chủ ngoại quốc một cách rất tự nhiên có phải là vấn đề cần lo lắng? 

Trong một cuộc trao đổi về thông tư xác định hàng hóa sản phẩm là hàng hóa của Việt Nam, sản xuất ở Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã từng cho rằng, không cần phải đặt ra quy định thế nào là hàng Việt vì rất nhiều thương hiệu Việt đã định hình rồi vẫn bán cho các ông chủ nước ngoài. 

Nhưng thực tế cũng không hoàn toàn như vậy khi mới đây, Vingroup thông báo sáp nhập Vinmart, Vineco vào Tập đoàn tiêu dùng Masan. Nếu Vingroup không có tinh thần tự tôn dân tộc, không vì trách nhiệm của một DN Việt Nam mà chuyển giao Vinmart, Vineco cho Tập đoàn SK của Hàn Quốc thì chuyện gì sẽ xảy ra? Có phải chỉ đơn thuần là việc Việt Nam lại mất đi một thương hiệu lớn hay lại là câu chuyện hệ thống phân phối lớn của Việt Nam tiếp tục rơi vào tay một ông chủ ngoại quốc? Hệ quả rất khó lường ở phía trước. 

Thực tế, những DN có quyết tâm xây dựng, bảo vệ thương hiệu Việt như Vingroup chắc không nhiều? Tuy nhiên, ở một phía khác, nếu chúng ta không có chính sách nào để giữ gìn các thương hiệu Việt thì đến một lúc nào đó, những thương hiệu lớn nhất của Việt Nam, vì khó khăn, vì hụt hơi, yếu sức… sẽ dần dần tự mình ngã vào tay của các tập đoàn đa quốc gia, những tỷ phú ngoại. Điều này hơn ai hết Bộ Công Thương sẽ là chủ thể đầu tiên cần phải lo lắng.

“Mất nhiều hơn được”

Trao đổi với PLVN về thực tế các thương hiệu Việt do chính người Việt xây dựng sau đó lần lượt rơi vào tay các ông chủ ngoại, ông Lại Tiến Mạnh -  Đại diện Brand Finance tại Việt Nam (Công ty Tư vấn Chiến lược và Định giá thương hiệu độc lập hàng đầu thế giới) nói, vấn đề này thoạt nhìn có thể thấy nó không ảnh hưởng tới nền kinh tế, nhưng lâu dài “sẽ mất nhiều hơn được”.

Bên mua chỉ nhăm nhăm lợi ích

* Thưa ông, công bố mới nhất của Brand Finance cho thấy, thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2019 đã tăng 12 tỷ USD  (lên đến 247 tỷ USD). Dựa trên những yếu tố nào, Brand Finance đưa ra số liệu này?

- Khi đánh giá một thương hiệu quốc gia thì Brand Finance dùng các chỉ số quan trọng như: Tốc độ tăng trưởng GDP, các yếu tố về môi trường pháp luật, môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh, việc đào tạo nguồn nhân lực của đất nước, các chỉ số về du lịch… Ngoài ra, còn một chỉ số khá quan trọng là sức mạnh thương hiệu của các công ty. Tuy nhiên, chỉ số sức mạnh thương hiệu của các công ty Việt Nam thời gian qua hầu như giữ nguyên nên cũng không đóng góp được nhiều cho giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam nói chung.

Ông Lại Tiến Mạnh
Ông Lại Tiến Mạnh  

* Thực tế các thương hiệu Việt Nam bị bán cho các ông chủ các tập đoàn đa quốc gia có ảnh hưởng đến chỉ số thương hiệu quốc gia Việt Nam, thưa ông?

- Về mặt luật pháp, nếu các thương hiệu bị bán vẫn được niêm yết trên sàn chứng khoán của Việt Nam thì có thể vẫn được tính là thương hiệu Việt, chỉ khác là chủ sở hữu là người nước ngoài thôi. Những thương hiệu sản phẩm đó được xuất phát từ Việt Nam thì nó vẫn được coi là thương hiệu Việt và vẫn được tính như là đầu vào chỉ số sức mạnh của Việt Nam.

* Như vậy, việc các thương hiệu Việt bị thâu tóm bởi các ông chủ ngoại không ảnh hưởng gì đến nền kinh tế Việt Nam?

- Đương nhiên sẽ bị ảnh hưởng! Việc mua bán này chỉ giải quyết được bài toán ngắn hạn về cân đối vốn, về lâu dài thì rõ ràng là Nhà nước sẽ mất đi nguồn thu trực tiếp từ kết quả kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến ngân sách thụ hưởng sau này. 

Ngoài ra, còn một hệ lụy nữa là việc quản lý thuế đối với các DN đó chắc chắn sẽ gặp khó khăn. Kinh nghiệm cho thấy, nhiều công ty nước ngoài tìm nhiều cách để trốn thuế nên khi công ty đã rơi vào tay họ thì họ được quyền làm các động tác về giấy tờ, sổ sách, khả năng thu được các nguồn thuế sẽ bị giảm đáng kể. Trong khi đó, khả năng quản lý của mình kém hơn so với nước ngoài. Theo quan điểm của tôi là kinh tế Việt Nam sẽ thiệt hại khá nhiều khi các thương hiệu lớn lần lượt rơi vào tay các ông chủ ngoại.

Đấy là còn chưa kể việc có thể ảnh hưởng đến nền sản xuất của Việt Nam. Ví dụ, các nguồn nguyên vật liệu đầu vào chẳng hạn. Trước đây các nguồn này có thể lấy từ các nhà cung cấp Việt Nam nhưng khi đã vào tay của nước ngoài thì họ có quyền thay đổi các nhà cung cấp, điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến cả một chuỗi cung ứng trong dài hạn. Vì ông chủ nào cũng suy tính về lợi ích của của họ. Họ chỉ có duy nhất một nhiệm vụ là khai thác thị trường Việt Nam và tối đa hóa lợi nhuận, không có nghĩa vụ về việc đóng góp ổn định kinh tế Việt Nam.

Bên bán thiếu tầm nhìn?

* Ông nghĩ gì về thực tế các thương hiệu Việt liên tục bị thâu tóm trong thời gian qua? 

- Thực ra việc bán thương hiệu Việt cho các tập đoàn quốc tế có thể được coi là một thành công của ông chủ Việt vì họ nhận ra rằng, cuộc chiến trong thị trường này rất cam go, không thể gồng gánh được nữa nên phải có một đối tác bên ngoài vào để “chống lưng”. Đây cũng chính là vấn đề đối với các DN Việt, đa phần đều thiếu tư duy dài hạn. Trong khi đó ở nước ngoài, một công ty sẽ được giữ gìn, chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác và tạo nên những thương hiệu mang chỉ dấu quốc gia rất rõ ràng. 

Nếu nhìn từ góc độ tích cực thì những cuộc mua bán thương hiệu có thể thúc đẩy các công ty tư nhân khác chú tâm để xây dựng thương hiệu tốt hơn, để bán được với giá tốt. Nhưng nếu nhìn theo một góc khác sẽ thấy, khi đã bán đi rồi thì không còn khai thác được gì nữa, mọi quyền lợi sau đó sẽ thuộc về nước ngoài, chúng ta sẽ mất nhiều hơn được. Đặc biệt, khi đã bán đi thương hiệu mình đã khổ công xây dựng thì sẽ rất khó để có thể xây dựng được một thương hiệu khác thành công tương tự. 

Nếu ai đó cho rằng, cứ xây thương hiệu thành công để bán, bán xong rồi lại xây thương hiệu mới thì đấy là một sai lầm vì không dễ gì để có thể xây dựng được một thương hiệu lớn. Đặc biệt, nó còn là tính cơ hội, thời điểm nữa. Bởi thời điểm trước đây, thị trường còn rất mới nên cơ hội để vươn lên rất dễ, nhưng thời điểm này đã khác rất nhiều và khó khăn hơn rất nhiều nên cần phải gìn giữ những thương hiệu mà Việt Nam đã xây dựng được. 

* Xin cảm ơn ông!

Ông Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội:

Có thể sau M&A là lũng đoạn thị trường?

Việc mua bán, chuyển nhượng thương hiệu (M&A) thực ra là việc tuân theo quy luật thị trường. Các DN nước ngoài khi mua các thương hiệu của Việt Nam có thể là để triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn nhưng cũng có thể là để họ ghé chân vào thị trường Việt Nam rồi sau đó thay đổi chất lượng sản phẩm, thay đổi mặt hàng rồi cuối cùng là dẫn đến việc chuyển đổi thương hiệu. Khả năng thứ 3 là các DN sau M&A cũng có thể vào Việt Nam, lấy “chân” đó để lũng đoạn thị trường. 

 

Trên thực tế, có cả chuyện các DN thay đổi đầu tiên là hàng hóa, sau đó là đến thương hiệu, thương phẩm. Việc này tác động đến nội lực của nền kinh tế, làm thay đổi bản chất của nền sản xuất trong nước, tức là họ đã thay thế các DN trong nước để sản xuất hàng hóa và tiến đến là thay đổi thương hiệu sản phẩm, ảnh hưởng đến thị trường trong nước và đặc biệt là ảnh hưởng đến nội lực của nền kinh tế. Một nền kinh tế mạnh là một nền kinh tế tự lực, tự cường, tức là phải chú trọng đến DN trong nước để có được sản phẩm, thương hiệu mạnh mang tên tuổi của Việt Nam. 

Ông Phạm Trọng Nhân -  Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội:

Một số DN ngoại đã cầm trịch cuộc chơi tại Việt Nam 

Thực tế M&A mang đến nhiều khía cạnh tích cực như hiệu quả chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực quản trị của DN. Tuy nhiên, hiện nay nhiều thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam “biến mất” khỏi thị trường, nhiều DN ngoại đã cầm trịch cuộc chơi ở Việt Nam. Sự chi phối của nhà đầu tư ngoại đối với nền kinh tế Việt Nam ngày càng tăng. 

 

Từ sự nhòm ngó của các DN nước ngoài đối với DN Việt, việc thâu tóm các DN đình đám sau cổ phần hóa, việc các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài đỡ đầu cho cá nhân khởi nghiệp và sau này sẽ khó tránh khỏi việc quỹ này tiếp tục thâu tóm các thương hiệu mà họ đỡ đầu. Rõ ràng, chúng ta đang tạo nền móng cho người khác xây nhà, rõ ràng, tiền đồ đất nước mất đi nhiều nguồn lợi. Khi nguồn nội lực còn yếu và thiếu bền vững, việc bán đi các trụ cột kinh tế lớn sẽ khó tìm được lời giải cho câu hỏi “Việt Nam có hùng cường được hay không?”. 

Ông Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và cạnh tranh: 

M&A -  thắng có, thua có và “đau” cũng có  

 M&A là câu chuyện rất thị trường, lựa chọn là tùy thuộc vào chiến lược của công ty và người chủ thương hiệu. Trong quá trình M&A ấy có nhiều bài học, thắng có, thua có, “đau” cũng có nhưng nhiều đơn vị vẫn cố gắng giữ gìn thương hiệu của mình, thể hiện khát vọng của người Việt qua định vị thương hiệu, hình ảnh trên thị trường khá tốt. 

 

Làm thế nào để gắn trò chơi M&A rất thị trường ấy với việc nỗ lực xây dựng phát triển thương hiệu Việt, tăng cường năng lực cạnh tranh cho DN tư nhân mới là vấn đề chính. Cuộc chơi M&A này phải uyển chuyển, sự lựa chọn là đa dạng nhưng đích đến cuối cùng thì khu vực tư nhân phải phát triển mạnh mẽ, tạo động lực quan trọng cho đất nước, đấy mới là điều cốt yếu. 

Ông Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội:

M&A nhưng phải  tuân thủ pháp luật Việt Nam

Thương hiệu là tài sản của DN, thậm chí còn có giá trị lớn hơn bất động sản, lớn hơn tài sản gắn liền với đất. Do đó, phải đánh giá thương hiệu đúng thực chất, phải tiến hành M&A theo đúng yêu cầu, đúng theo giá trị thị trường. Đó là điều cơ bản, là cốt lõi.

 

Điều quan trọng là sau khi tiến hành các cuộc M&A, các tập đoàn quốc tế, ông chủ ngoại phải chấp hành đúng luật pháp của Việt Nam, nộp thuế và thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Việt Nam, quản lý con người đúng theo quy định của pháp luật. Do đó, trừ những DN liên quan đến quốc phòng - an ninh thì việc M&A những DN không có đặc thù gì liên quan đến an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội cũng không có vấn đề gì.

Đọc thêm

Xuất khẩu cá tra giá trị gia tăng sang Mỹ đạt đỉnh trong 10 năm

Ảnh minh họa
(PLVN) - Năm 2024 ghi nhận sự bứt phá của ngành cá tra Việt Nam khi xuất khẩu các sản phẩm giá trị gia tăng (GTGT) sang Mỹ đạt mức cao nhất trong một thập kỷ. Với kim ngạch hơn 12 triệu USD trong 11 tháng đầu năm, tăng gấp 21 lần so với cùng kỳ năm trước, cá tra GTGT đang dần khẳng định vị thế trên trường quốc tế.

Công an vào cuộc khi 1 giao dịch có 5 tờ tiền giả

Ảnh minh hoạ.
(PLVN) -   Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Thông tư quy định chi tiết về việc xử lý tiền giả và tiền nghi giả trong ngành ngân hàng. Theo quy định, khi phát hiện từ 5 tờ tiền giả hoặc 5 miếng tiền kim loại giả trở lên trong một giao dịch, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch, tổ chức tín dụng, hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải ngay lập tức thông báo cho cơ quan công an gần nhất.

30/4, hoàn thành đại hội đảng các cấp thuộc Đảng bộ Tổng công ty HUD

Ông Đậu Minh Thanh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HUD.
(PLVN) - “Đảng ủy tổng công ty đã thống nhất lựa chọn một đảng bộ cơ sở để đại hội điểm trong tháng 1/2025. Theo kế hoạch, trong tháng 4/2025, sẽ hoàn thành việc đại hội đảng các cấp thuộc Đảng bộ Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị - HUD”, ông Đậu Minh Thanh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV HUD trao đổi với PLVN.

Thông tin thu thuế 10% giao dịch thương mại điện tử là giả mạo

Thông báo về việc thu thuế 10% các giao dịch "MUA-BÁN" đang lan truyền trên các mạng xã hội.
(PLVN) -  Mạng xã hội đang lan truyền thông tin cho rằng từ ngày 1/1/2025, cơ quan thuế sẽ truy cập vào tài khoản cá nhân để thu thuế 10% từ các giao dịch thương mại điện tử, gây hoang mang trong cộng đồng kinh doanh online. Tuy nhiên, đại diện Cục Thuế TP HCM, khẳng định đây là thông tin giả mạo.

Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2024: Bức tranh tổng thể để các địa phương phát triển đột phá

Bộ Khoa học và Công nghệ công bố chỉ số PII năm 2024.
(PLVN) - Theo kết quả PII 2024, trong 10 địa phương dẫn đầu chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (Provincial Innovation Index - PII) 2024, có 5 thành phố trực thuộc Trung ương và 5 địa phương có công nghiệp, dịch vụ phát triển. Cụ thể, 3 địa phương không thay đổi vị trí dẫn đầu là: Hà Nội xếp hạng 1, TP HCM xếp hạng 2 và Hải Phòng xếp hạng 3…

Quyết liệt thực hiện các dự án nguồn điện

Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng được yêu cầu hoàn thành sớm hơn dự kiến 6 tháng. (Ảnh: EVN)
(PLVN) - Theo báo cáo mới nhất, hiện hầu như tất cả các dự án trong Quy hoạch điện VIII đều đang bị chậm tiến độ, do đó, Bộ Công Thương đã có những động thái dứt khoát với những dự án này.

Loạt đơn từ nhiệm của các lãnh đạo ngân hàng ngay đầu năm mới

Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) là một trong những ngân hàng có biến động về nhân sự cấp cao (Ảnh minh hoạ).
(PLVN) -  Những ngày đầu năm 2025, thị trường tài chính chứng kiến loạt biến động khi nhiều lãnh đạo cấp cao tại các ngân hàng lớn đồng loạt từ nhiệm. Từ Phó tổng giám đốc đến Kế toán trưởng, các lý do đưa ra là "theo nguyện vọng cá nhân" hoặc để chuyển sang đảm nhận vị trí mới.

Tổng cục Hải quan: Đồng lòng, chung sức hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát

20 căn nhà trị giá 1,8 tỷ đồng đã được trao cho các hộ nghèo, cận nghèo huyện Tân Biên. (Ảnh: T.D)
(PLVN) - Vừa qua, Tổng cục Hải quan phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh tổ chức Lễ bàn giao nhà đại đoàn kết cho 20 hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn Trung ương và hộ nghèo theo chuẩn nghèo tỉnh trên địa bàn huyện Tân Biên năm 2024, góp phần cùng địa phương xóa nhà tạm, nhà dột nát.

GDP năm 2024 ước tăng 7,09%

Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê thông tin về số liệu thống kê kinh tế xã hội năm 2024
(PLVN) - Theo công bố, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2024 ước tính tăng 7,55% so với cùng kỳ năm trước. GDP cả năm duy trì xu hướng quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 5,98%, quý II tăng 7,25%, quý III tăng 7,43%).