Doanh nghiệp Nhật Bản coi Việt Nam là điểm đầu tư hấp dẫn

Hình ảnh tại Phiên họp.
Hình ảnh tại Phiên họp.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Kamikawa Yoko cho biết các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm và coi Việt Nam là điểm đầu tư hấp dẫn nhằm thực hiện đa dạng hoá chuỗi cung ứng.

Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 7 – 10/8.

Sáng 7/8, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Kamikawa Yoko đã đồng chủ trì Phiên họp lần thứ 12 Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản và tiến hành hội đàm. Sau phiên họp Ủy ban Hợp tác, hai bên đã ra Thông cáo báo chí chung.

Tại Phiên họp, Bộ trưởng Ngoại giao Kamikawa Yoko gửi lời chia buồn sâu sắc về sự ra đi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng; khẳng định mong muốn hai bên tiếp nối di sản của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị trên mọi lĩnh vực.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cảm ơn Lãnh đạo và nhân dân Nhật Bản đã dành nhiều tình cảm và sự chia sẻ, cử Đặc phái viên của Thủ tướng, nguyên Thủ tướng Suga Yoshihide tham dự lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trong không khí hữu nghị, chân thành và tin cậy, hai bên đã rà soát lại những kết quả đã đạt được kể từ cuộc họp Ủy ban hợp tác lần thứ 11 đến nay và trao đổi các biện pháp nhằm cụ thể hóa khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới được thiết lập năm 2023.

Hai bên đánh giá cao việc cơ chế Ủy ban Hợp tác Việt Nam – Nhật Bản được tái khởi động sau 5 năm gián đoạn do dịch bệnh Covid-19 và là phiên họp đầu tiên sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, tin cậy chính trị ngày càng cao và quan hệ song phương có những bước phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực.

Hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa kết nối hai nền kinh tế thông qua đẩy mạnh hợp tác ODA, đầu tư, thương mại, lao động…

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị Nhật Bản tiếp tục cung cấp ODA thế hệ mới với tính ưu đãi cao, thủ tục đơn giản và linh hoạt hơn cho Việt Nam trong các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, y tế, phát triển cơ sở hạ tầng trọng điểm, quy mô lớn.

Bộ trưởng Kamikawa Yoko khẳng định Nhật Bản mong muốn hỗ trợ Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đạt mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045.

Đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam thời gian qua trong đổi mới, cải cách hành chính, bảo đảm nguồn cung điện ổn định nhằm cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi phát triển kinh tế.

Bộ trưởng Kamikawa cho biết các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm và coi Việt Nam là điểm đầu tư hấp dẫn nhằm thực hiện đa dạng hoá chuỗi cung ứng.

Hai bên hoan nghênh và khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ triển khai hiệu quả Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới, giai đoạn 1 nhằm bảo đảm nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam kinh doanh hiệu quả và bền vững; đưa kim ngạch thương mại hai nước tăng trưởng ổn định, bền vững; thúc đẩy mở cửa thị trường cho hoa quả của hai nước, trong đó có quả bưởi của Việt Nam và quả nho của Nhật Bản.

Hai bên nhất trí mở rộng hợp tác toàn diện sang các lĩnh vực mới gồm chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, công nghệ thông tin, xã hội số thông qua các sáng kiến, dự án thiết thực, cụ thể.

Bộ trưởng Kamikawa Yoko nhấn mạnh Nhật Bản mong muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực đồng sáng tạo phát triển bền vững, hợp tác giảm phát thải, môi trường thông qua các sáng kiến như Cộng đồng Phát thải bằng 0 châu Á (AZEC)…

Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, trong đó có nguồn nhân lực chất lượng cao, hợp tác ứng phó với vấn đề già hoá dân số; nhất trí khởi động đàm phán Hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị Nhật Bản thúc đẩy hợp tác đào tạo nguồn nhân lực trong các ngành công nghiệp chủ chốt, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…; tiếp tục đơn giản hóa thủ tục và tiến tới miễn thị thực nhập cảnh Nhật Bản đối với công dân Việt Nam.

Bộ trưởng cũng đề nghị phía Nhật Bản thúc đẩy mở các khoa giảng dạy tiếng Việt và nghiên cứu về Việt Nam tại các trường Nhật Bản trong bối cảnh cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản tăng nhanh thời gian gần đây.

Đánh giá cao đóng góp tích cực của cộng đồng gần 570.000 người Việt Nam vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Nhật Bản, Bộ trưởng Kamikawa Yoko giới thiệu về chính sách lao động mới của Nhật Bản ban hành vào tháng 6/2024, theo đó sẽ có nhiều chế độ ưu đãi hơn dành cho lao động nước ngoài, trong đó có Việt Nam; khẳng định Chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục tạo môi trường thuận lợi và hấp dẫn hơn cho lao động Việt Nam.

Bộ trưởng Kamikawa Yoko khẳng định thúc đẩy hợp tác đào tạo nguồn nhân lực trẻ với Việt Nam trong khuôn khổ Sáng kiến NEXUS về giao lưu nghiên cứu, trao đổi du học sinh dựa trên kết quả Tuyên bố chung Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Nhật Bản năm 2023.

Sau Phiên họp, hai Bộ trưởng đã tiến hành hội đàm. Hai bên nhất trí tăng cường tin cậy chính trị thông qua thực hiện thường xuyên các chuyến thăm, trao đổi của Lãnh đạo cấp cao hai nước; phát huy hơn nữa vai trò của các cơ chế đối thoại; thúc đẩy thực chất hợp tác quốc phòng, an ninh giữa hai nước.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chúc mừng việc mỏ vàng Sado của Nhật Bản đã được Ủy ban di sản thế giới của UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa thế giới; đề nghị Nhật Bản tiếp tục ủng hộ sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, tăng cường hợp tác với ASEAN, tiểu vùng Mê Công…

Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Kamikawa Yoko khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng trong triển khai chính sách đối ngoại của Nhật Bản với khu vực; nhấn mạnh Nhật Bản sẽ hỗ trợ Việt Nam tham gia hiệu quả và thành công Triển lãm EXPO 2025 tại Osaka.

Hai Bộ trưởng cũng đã trao đổi ý kiến về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm như hợp tác ASEAN, Mekong, Biển Đông…; nhất trí tăng cường phối hợp, trao đổi lập trường tại các diễn đàn quốc tế và khu vực như ASEAN, Liên hợp quốc, APEC, OECD…

Nhân dịp này, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn mời lãnh đạo Nhật Bản tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) lần thứ tư và Diễn đàn Tương lai ASEAN tổ chức tại Việt Nam vào năm 2025./.

Tin cùng chuyên mục

Những từ tiếng Anh nào có ảnh hưởng nhất trong 9 thập kỷ qua?

Những từ tiếng Anh nào có ảnh hưởng nhất trong 9 thập kỷ qua?

(PLVN) - Karaoke, virus, AI, deepfake… là một phần trong tập hợp 90 từ tiếng Anh nổi bật có ảnh hưởng định hình chín thập kỷ qua, phần nào phản ánh những phát triển xã hội, văn hóa, công nghệ, chính trị và môi trường đã định hình ngôn ngữ tiếng Anh từ năm 1934 đến năm 2024.

Đọc thêm

'Phát triển kinh tế thể thao: Đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững'

'Phát triển kinh tế thể thao: Đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững'
(PLVN) - Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh vừa phối hợp với Trường Đại học TDTT Thượng Hải, Trung Quốc và Trường Đại học Sư phạm - Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc đồng tổ chức thành công Hội nghị Khoa học quốc tế với chủ đề “Phát triển kinh tế thể thao: Đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”.

2 sự kiện quốc tế đáng chú ý tuần này

2 sự kiện quốc tế đáng chú ý tuần này
(PLVN) - Tuần này, thế giới hướng tới hai ngày lễ quan quan trọng của Liên Hợp Quốc: Ngày Di dân Quốc tế (18/12) tôn vinh những đóng góp của người di cư và Ngày Quốc tế Đoàn kết Nhân loại (20/12) ) kêu gọi sự thống nhất và chia sẻ để xóa đói giảm nghèo.

Nhiều vụ việc đáng tiếc trên thế giới tuần qua

Nhiều vụ việc đáng tiếc trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Thế giới trải qua một tuần đầy biến động với hàng loạt vụ việc thương tâm: Nữ sinh Nhật Bản bị đâm chết tại nhà hàng, nhà sáng lập Mango tử nạn, xả súng kinh hoàng tại Pháp, cháy bệnh viện ở Ấn Độ…

Hành trình “dọn rác” mạng xã hội: Kinh nghiệm từ các quốc gia

Các đạo luật mới ra đời nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu các hành vi tiêu cực của người dùng trên mạng xã hội. (Nguồn: safegate.vn)
(PLVN) - Trong kỷ nguyên kỹ thuật số, mạng xã hội không chỉ là nơi kết nối mà còn trở thành trung tâm phát tán thông tin. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích to lớn, không gian này cũng trở thành “bãi rác” khổng lồ với những nội dung độc hại, tin giả và lời nói căm thù. Việc kiểm soát và “dọn rác” mạng xã hội đã trở thành thách thức không nhỏ đối với nhiều quốc gia trên thế giới.