Với sự thông thoáng của Luật DN, DN được thành lập dễ dàng và nhanh chóng, con số 80 nghìn DN mới được “đẻ” ra mỗi năm, được coi là con số “khủng”. Nhưng con số “khủng” hơn, theo số liệu của Bộ KH& ĐT tính đến hết ngày 30/4/2012, có 647.627 DN đang hoạt động (71,6%), 81.929 DN đã giải thể, 16.075 DN đã đăng ký dừng hoạt động và 85.821 DN dừng hoạt động nhưng không đăng ký.
|
Hội đồng Thi hành án tiến hành thủ tục với doanh nghiệp phá sản. |
“Chết” đủ kiểu?
Năm 2012 tình hình sản xuất khó khăn, mức tăng trưởng bình quân 5,5-5,8%, chỉ tính riêng tháng 5 có thêm 4.500 DN đóng cửa, thị trường bất động sản bị “đóng băng” trong thời gian dài, thị trường chứng khoán “tụt dốc” không phanh...
Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, trong số 9.331 DN được chọn làm mẫu điều tra có 784 doanh nghiệp phá sản. Kết quả điều tra cho thấy. Trong ba loại hình DN thì DNNN có tỷ lệ phá sản, giải thể cao nhất; trong số các DN phá sản, 69,9% DN phản ánh nguyên nhân là kinh doanh thua lỗ, còn lại là do yếu tố thiếu vốn, không tiêu thụ được hàng, khó khăn về địa điểm, chuyển ngành, sáp nhập …
Con số DN giải thể cũng đáng “giật mình”. Trong 6 tháng năm 2012 đã có hơn 7.700 DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài ngừng hoạt động, bằng 68% của cả năm 2011. Trong số hơn 1.100 DN giải thể, đáng chú ý có 7 dự án có vốn đầu tư nước ngoài ngừng hoạt động do gặp khó khăn, 12 DN bỏ địa điểm kinh doanh và 7 DN đã giải thể, với số tiền đầu tư lên tới 1,42 triệu USD. Thêm nữa, DN tạm ngừng kinh doanh cũng gia tăng, cao nhất là TP.Hồ Chí Minh 26,8%, Hải Phòng là 25,9%, Bà Rịa-Vũng Tàu là 14,8%, Quảng Ninh là 11,55% ...
Theo các chuyên gia, con số DN “chết thật” và “chết lâm sàng” trên thực tế còn lớn hơn nhiều. Tuy nhiên, số DN “chết” đã làm thủ tục phá sản, giải thể lại rất nhỏ. Cụ thể, năm 2011 tổng số đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là 138; Tòa án thụ lý 130 vụ, trả lại đơn 4 vụ, chuyển Tòa án khác giải quyết 4 vụ. Trong đó, Tòa án đã quyết định mở thủ tục phá sản 112 vụ, quyết định không mở thủ tục phá sản 7 vụ, số vụ việc tồn lại là 11 vụ.
Những vướng mắc được các chuyên gia pháp lý chỉ ra, đó là những quy định pháp luật, thủ tục pháp lý, rồi do chính sự dễ dàng của Luật DN khiến có người lập tới … 40 công ty nhưng rồi làm ăn không hiệu quả, khi “tê liệt”, thậm chí “chết rồi” cũng “chẳng thèm” đi làm các thủ tục giải thể, phá sản.
Sửa luật ... cấp tốc!
Theo TS.Nguyễn Thị Dung (Trường ĐH Luật Hà Nội): Về điều kiện giải thể, nên sửa đổi Khoản 2 Điều 157 Luật DN (DN chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác). Bởi lẽ, quy định như vậy khả năng thực thi ... là đánh đố, mà nên chấp nhận hai cách thức bảo đảm như sau: “Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu DN cam kết trả nợ sau khi DN giải thể. Còn đối với giải thể chi nhánh, DN có chi nhánh giải thể thực hiện trả nợ”.
Theo đó, các văn bản dưới luật chỉ cần qui định chi tiết cách thức “đảm bảo thanh toán” trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc chung của Bộ luật Dân sự là đủ. Cụ thể, nếu đạt được sự thỏa thuận với chủ nợ, có thể thanh lý nợ của DN giải thể bằng cách chuyển giao nghĩa vụ trả nợ sang cho chủ sở hữu DN (chủ DN tư nhân, thành viên công ty) chứ việc đòi hỏi thanh toán hết nợ sẽ là không phù hợp, bởi lẽ, trường hợp DN không trả hết nợ nhưng chưa lâm vào tình trạng phá sản và không có chủ thể nào có ý định đệ đơn yêu cầu Tòa án giải quyết việc phá sản.
Đồng thời, nên bổ sung qui định “thời hạn hoạt động” là một nội dung đăng ký kinh doanh để đảm bảo thống nhất thực hiện đối với mọi DN trên toàn quốc. Nên bổ sung trường hợp giải thể bắt buộc, “bị hủy hoặc bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”, sửa đổi các qui định trong pháp luật DN, đầu tư theo hướng DN bắt buộc thực hiện thủ tục giải thể khi có bản án, quyết định của Tòa án tuyên bố hủy toàn bộ Giấy chứng nhận (GCN) Đăng ký kinh doanh và GCN Đầu tư để phù hợp với thẩm quyền của Tòa án theo qui định của pháp luật tố tụng… Hay như về thủ tục giải thể, nên bổ sung quy định về thủ tục thanh toán các khoản nợ có bảo đảm và buộc mọi trường hợp giải thể phải đăng báo công khai quyết định giải thể.
Các quy định bất cập, lỗi thời của Luật Phá sản 2004 cũng khiến các DN khó “rút khỏi thị trường”. Ths.Lê Mạnh Hùng (Viện Khoa học xét xử TANDTC) đã chỉ ra, theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Luật Phá sản thì sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản, Thẩm phán quyết định chuyển từ áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh sang áp dụng thủ tục thanh lý tài sản, các khoản nợ hoặc tuyên bố DN, HTX bị phá sản.
Tuy nhiên, Luật Phá sản “quên” quy định điều kiện, trình tự, thủ tục chuyển đổi như thế nào. Đặc biệt, một trong những quy định vướng nhất, khiến Luật Phá sản “chết” ngay từ khi “chào đời”, không thể “đi” vào cuộc sống là bất cập liên quan đến thủ tục thanh lý tài sản, đơn cử như việc thu hồi nợ, bán đấu giá tài sản của DN. Cụ thể, đối với vấn đề thu hồi nợ gặp nhiều khó khăn do khả năng thu hồi nợ thấp hoặc không có khả năng thu hồi do người mắc nợ không muốn trả nợ hoặc không có khả năng trả nợ cho DN, không xác định được địa chỉ mới của người mắc nợ ...
Đồng thời, việc bán đấu giá tài sản cũng là một trong những “vật cản đường” trong việc thực thi tuyên bố DN bị phá sản, bởi lẽ, thực tế có tình trạng tài sản của DN khi đem bán đấu giá nhưng không kiếm được người mua, cho dù hạ giá “kịch kim, rẻ như bèo” trong khi chủ nợ thì “chối đây đẩy” không muốn nhận hàng hóa đó mà chỉ muốn lấy tiền mặt.
Trong nhiều trường hợp tài sản không bán hết được, nên Tòa án không thể ra quyết định đình chỉ thủ tục thanh lý tài sản, đây chính là nguyên nhân làm kéo dài thời gian giải quyết việc phá sản. (Theo quy định Khoản 2 Điều 85 Luật Phá sản, Tòa án chỉ đình chỉ thủ tục thanh toán trong trường hợp phương án phân chia tài sản đã thực hiện xong).
Theo ông Hùng, Luật Phá sản nên sớm hoàn thiện về quy định điều kiện, trình tự, thủ tục chuyển đổi áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh sang áp dụng thủ tục thanh lý tài sản, các khoản nợ hoặc tuyên bố DN, HTX bị phá sản. Luật cần quy định các trường hợp cụ thể đối với cá nhân, tổ chức được xóa nợ; tăng thẩm quyền cho Tòa án: Tòa án có quyền ra quyết định đình chỉ thủ tục thanh lý tài sản kể cả khi chưa bán hết tài sản thanh lý và tuyên bố DN bị phá sản trong trường hợp DN không còn tài sản để thu hồi; Thẩm phán có quyền tuyên bố DN bị phá sản cho dù phương án phân chia tài sản chưa được thực hiện xong... Và Luật Phá sản mới ra đời chỉ được thực thi hiệu quả trên cơ sở “một luật sửa đổi nhiều luật” – đó là sự đồng bộ của pháp luật DN, pháp luật mua bán nợ và pháp luật về bất động sản…
* ThS.Trần Minh Quang (Sở Kế hoạch & Đầu tư TP.Hà Nội): “Cần có chế tài cụ thể đối với các trường hợp chưa hoàn thành thủ tục giải thể tại cơ quan đăng ký kinh doanh (ĐKKD) thì người đại diện theo pháp luật, Hội đồng thành viên, cổ đông sáng lập không được tiếp tục thành lập các DN khác. Cần tăng thời gian giải quyết hồ sơ giải thể lên 30 hoặc 60 ngày để cơ quan ĐKKD có thời gian thông báo trước khi ra quyết định giải thể DN vì đã có trường hợp sau khi DN giải thể, cơ quan ĐKKD vẫn nhận được đơn đề nghị cung cấp thông tin liên quan đến DN do vẫn còn các khoản nợ chưa thanh toán mà không tìm được DN. Đồng thời, nên đơn giản hóa thủ tục thu hồi GCN hoạt động của DN đối với DN tự ý tạm ngừng hoạt động mà không thông báo với các cơ quan quản lý nhà nước. Bổ sung chế tài xử lý, sau 2 năm kể từ thời điểm phát hiện việc tạm ngừng hoặc bỏ trốn của DN thì có cảnh báo trên hệ thống và không cho phép cá nhân, tổ chức được góp vốn thành lập DN khác”. * Ông Đỗ Tiến Thịnh (Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh, Bộ KH &ĐT): “Nên tăng mức xử phạt hành chính nhằm đảm bảo các chế tài xử phạt đủ mạnh đối với những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực KH&ĐT như hạn chế quyền đăng ký thành lập DN mới khi chưa hoàn tất nghĩa vụ giải thể hoặc trả nợ thuế… Bên cạnh đó, hoàn thiện cơ chế, chính sách và nền tảng công nghệ thông tin để Hệ thống thông tin đăng ký DN quốc gia giữ vai trò đầu mối cung cấp thông tin pháp lý về đăng ký DN, tạo điều kiện cho mọi tổ chức, cá nhân có tiếp cận dễ dàng các thông tin chính xác về tình trạng pháp lý của DN…”. * ThS.Cao Đăng Vinh (Vụ Pháp luật Dân sự kinh tế - Bộ Tư pháp): “Để DN “có quyền được chết khi không còn sức sống”, Luật Phá sản 2004 cần được sửa đổi theo hướng tạo ra khả năng để tối đa hóa giá trị của tài sản của con nợ khi giải quyết phá sản để làm tăng giá trị có khả năng thanh toán cho các chủ nợ và các khoản nợ khác, đảm bảo sự cân bằng giữa việc thanh lý và tổ chức lại công ty, sự đối xử bình đẳng với các chủ nợ trong điều kiện như nhau, hạn chế sự tham gia của Nhà nước vào việc giải quyết một số vấn đề phát sinh trong quá trình xử lý vụ việc phá sản, bảo đảm tính linh hoạt, mềm dẻo, tôn trọng quyền tự định đoạt của các bên khi tiến hành việc phá sản…”. |
Mai Hoa - Hương Giang