Doanh nghiệp mong ngân hàng linh hoạt về thủ tục tiếp cận vốn

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Hà Nội vẫn khó khăn trong tiếp cận vốn. (Ảnh: TTXVN)
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Hà Nội vẫn khó khăn trong tiếp cận vốn. (Ảnh: TTXVN)
(PLVN) -Ghi nhận những nỗ lực của ngành Ngân hàng trong việc giảm lãi suất, tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn, song nhiều doanh nghiệp bày tỏ mong muốn lãi suất tiếp tục giảm và ngân hàng linh hoạt hơn về thủ tục trong thời điểm khó khăn hiện nay.

Doanh nghiệp vẫn gặp khó

Tại Hội nghị Kết nối Ngân hàng (NH) - Doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP Hà Nội do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa tổ chức, ông Lê Vĩnh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội cho biết, việc tiếp cận vay vốn của các DNNVV vẫn khó khăn. Thời gian duyệt cho vay, với khoản vay ngắn, trung bình 1 - 3 tháng, với khoản vay trung và dài hạn 3 - 6 tháng.

Bên cạnh đó, trong lúc cần vốn đầu tư, DN “gõ cửa” các NH thì ở đâu cũng yêu cầu phải có tài sản thế chấp, nhất là khi DN gồng mình trong khó khăn, chỉ số tài chính không đẹp như trước. “DN không đề nghị NH phải hạ chuẩn tín dụng, nhưng có thể điều chỉnh linh động trong chỉ tiêu đánh giá tài chính thời điểm khó khăn này…” - ông Sơn đề nghị.

Theo Tổng Giám đốc Nagakawa Nguyễn Thị Huyền Thương, hiện chi phí vận hành DN là 20% trên tổng doanh thu, trong đó chi phí tài chính chiếm 3 - 4%, chi phí lãi suất chiếm 60 - 70% chi phí tài chính. Với đòn bẩy tài chính lớn như thế này, DN cho biết, chỉ tiêu tín dụng đang là vấn đề, vì vào thời điểm cuối năm, tốc độ giải ngân chậm khiến cho DN khó tiếp cận vốn. Ngoài ra, lãi suất dù đã giảm, nhưng vẫn còn cao, chưa kể yêu cầu tài sản bảo đảm (TSBĐ) gây khó cho DN…

Ông Nguyễn Việt Hùng - Giám đốc CTCP Cơ khí Đông Anh chia sẻ, trong chi phí tài chính, ngoài chi phí lãi suất, chi phí biến động tỷ giá cũng là vấn đề lớn với DN. Ngoài ra, việc hạn chế room tín dụng đã gây trở ngại cho điều tiết dòng tiền của DN. DN đề nghị được kéo dài thời gian hỗ trợ gói lãi suất (HTLS) 2%, đồng thời phía NH cần xây dựng các quy định về hồ sơ, thủ tục rõ ràng hơn, vì DN ngại truy thu và hậu kiểm.

Cùng chung kiến nghị về lãi suất, ông Nguyễn Trọng Hoa, Giám đốc CTCP Vật tư Phân phối thép cho biết, năm 2023, tất cả các DN đều khó, đặc biệt các DN ngành thép. “Mặc dù lãi suất đã giảm sâu nhưng DN thực sự vẫn khó khăn, DN rất mong được ưu tiên hơn nữa…” - DN này đề nghị.

Một số DN phản ánh việc tái cấp hạn mức luôn bị kéo dài thời gian và thêm rắc rối về TSBĐ. DN đề nghị NH linh động, rõ ràng hơn trong thẩm định hồ sơ vì DN đã có quan hệ lâu dài với NH, ngoài việc cấp tín dụng thường xuyên, cần phải có sự linh hoạt trong từng thời điểm cụ thể, hỗ trợ để DN có thể tiếp cận vốn trong từng dự án…

Đại diện Hiệp hội DNNVV TP Hà Nội (Hanoisme) bà Trịnh Thị Ngân phản ảnh, Nghị định 31/NĐ-CP HTLS 2% DNNVV được thụ hưởng còn khiêm tốn. Bà Ngân kiến nghị lãi suất 2% này nên hỗ trợ trực tiếp vào DN, để DN được thụ hưởng hoặc có thể đưa vào gói hỗ trợ cho DNNVV. Đại diện Hanoisme cũng đề nghị các NH cố gắng tạo điều kiện cho các DNNVV có thể tiếp cận vốn bằng cách đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ vay vốn.

Ngân hàng cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp

Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng, với địa bàn quan trọng về cả chính trị và kinh tế như Hà Nội, việc tháo gỡ vốn cho DN để phát triển, cung cấp nguồn tài chính cho phát triển kinh doanh của DN, qua đó đóng góp vào phát triển chung của Hà Nội là rất quan trọng. Chủ tịch Hà Nội bày tỏ hy vọng NHNN, các NH “đã quan tâm rồi, tiếp tục quan tâm nữa để các DN tiếp cận được vốn vay NH”.

Trước những khó khăn DN đang gặp phải, đại diện các NH cũng bày tỏ cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng DN vượt qua khó khăn, với những giải pháp cụ thể như: Cải cách thủ tục hành chính, giảm lãi suất, giảm phí…

Đánh giá cao các ý kiến đưa ra tại Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết sẽ tập hợp lại trong báo cáo để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN nói chung, DN trên địa bàn TP Hà Nội nói riêng, Thống đốc yêu cầu các đơn vị vụ/cục chức năng thuộc NHNN tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, có tham mưu với lãnh đạo NHNN kịp thời hiệu quả, đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho người dân, DN hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn. Đối với NHNN Chi nhánh TP Hà Nội, tăng cường các cuộc gặp, hội nghị kết nối NH - DN để tháo gỡ khó khăn.

Đối với các DN, Thống đốc NHNN cho biết, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, nên những biến động trên thị trường thế giới sẽ tác động mạnh đến thị trường trong nước. Do vậy, các DN nên chủ động sử dụng công cụ phái sinh tỷ giá do các NH cung cấp để phòng ngừa rủi ro. Đồng thời, cần bám sát tình hình thị trường để có những phân tích, đánh giá, giúp chủ động nguồn vốn và hoạt động sản xuất kinh doanh.

Với các TCTD, Thống đốc yêu cầu thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thống đốc NHNN về giảm lãi suất hỗ trợ DN, cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ, thực hiện đúng các quy định cho vay… tiết giảm chi phí trên cơ sở hoạt động của mình để tăng hỗ trợ DN; Bảo đảm hoạt động và thanh khoản để bảo đảm chi trả cho người gửi tiền; Tăng cường tư vấn cho DN; Điều phối tăng trưởng tín dụng trong NH phù hợp trong những tháng cuối năm…

Đọc thêm

Thay đổi nhân sự ngành Thuế

Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận trao quyết định và chúc mừng ông Lưu Đức Huy và bà Nguyễn Thị Thanh Hằng
(PLVN) - 2 vị trí Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) và Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) đã được hoán đổi giữa ông Lưu Đức Huy và bà Nguyễn Thị Thanh Hằng.

Livestream bán hàng: Khai thuế, nộp thuế như thế nào?

Livestream bán hàng: Khai thuế, nộp thuế như thế nào?
(PLVN) - Các tổ chức, cá nhân bán hàng hóa thông qua phiên livestream thực hiện đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế theo nguyên tắc: tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm và xuất hóa đơn đầy đủ khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ.

Hoàn thuế GTGT: Nhận diện khó khăn, thách thức

Thời gian qua nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ gặp khó trong hoàn thuế GTGT vì phải truy xuất đến F0, F1...
(PLVN) - Mặc dù từ đầu năm đến nay, cơ quan thuế (CQT) đã giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho hơn 15 nghìn hồ sơ với tổng số tiền hơn 115 nghìn tỷ đồng, bằng 112% so với số hoàn cùng kỳ năm 2023, song công tác hoàn thuế vẫn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức…