Các doanh nghiệp lại được các chuyên gia kinh tế liên tiếp khuyến cáo tại các diễn đàn về việc phải chủ động thực hiện các biện pháp nhằm ứng biến với những khó khăn của năm 2012 do kinh tế toàn cầu và trong nước vẫn trong đà suy giảm và lạm phát còn cao.
Nông dân thử hàng Việt trong các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn |
Theo đó, các doanh nghiệp cần phải nắm chặt tình hình thực tế và các chính sách của Nhà nước để có dự báo tốt, đưa ra các kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp và chủ động tránh các rủi ro có thể xảy ra.
Những việc doanh nghiệp "cần làm ngay" bao gồm : rà soát lại danh mục đầu tư, kinh doanh, thực hiện đổi mới việc kinh doanh, ưu tiên cho những “dự án” có thể làm ngay và đem lại hiệu quả tức thì nhằm giúp DN giải quyết khó khăn trước mắt để tồn tại.
Các doanh nghiệp cũng cần thực hiện các biện pháp nhằm cấu trúc lại tổ chức, tối ưu hóa việc sản xuất, kinh doanh theo hướng tăng năng suất chất lượng, chống lãng phí và tiết kiệm nhằm giảm tối đa chi phí, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Liên kết hợp tác, sáp nhập giữa các công ty lại với nhau nhằm tăng năng lực tài chính, giảm các chi phí sản xuất, kinh doanh cũng là một hướng đi các chuyên gia khuyến nghị nhằm giúp các doanh nghiệp "sống sót" trong tình hình hiện nay.
"Trong tình hình sức tiêu thụ thị trường giảm, chi phí đầu vào tăng, cạnh tranh ngày càng gay gắt và khả năng tiếp cận vốn khó, các doanh nghiệp cần cân bằng giữa hiệu quả ngắn hạn và dài hạn trong hoạch định chiến lược nhằm đảm bảo sử dụng đồng vốn một cách hiệu quả nhất. Ngoài ra, việc kiện toàn lại bộ máy, quản trị tốt sự thay đổi, có chính sách giữ chân người tài và quản lý tốt dòng hàng hóa và các đối tượng khách hàng nhằm đảm bảo ổn định cho việc sản xuất kinh doanh là rất quan trọng”,ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch LBC, Chủ tịch Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu GIBC chia sẻ tại Hội thảo “Bối cảnh hội nhập và cạnh tranh của kinh tế Việt Nam và kế hoạch kinh doanh của DN Việt năm 2012”.
"Để đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm doanh nghiệp cần quan tâm nhiều đến nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, có chiến lược sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường một cách hợp lý. Doanh nghiệp cần phát triển số lượng người tiêu dùng, năng lực tiêu thụ của người tiêu dùng, tăng số điểm phân phối bán hàng và doanh số bán hàng tại từng điểm phân phối bán hàng cụ thể", bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN (BSA), chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cũng cho rằng khuyến nghị.
Trong cuộc hội thảo này cũng như các diễn đàn dự báo kinh tế 2012 gần đây, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng các doanh nghiệp phải chủ động tự cứu lấy mình trước khi chờ đợi các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô của Nhà nước phát huy tốt hiệu quả.
Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới, kinh tế Việt Nam đang có 5 vấn đề nghiêm trọng: lạm phát tăng, bất ổn của tỷ giá, dự trữ ngoại tệ giảm, nợ nước ngoài tăng và tình trạng thâm hụt ngân sách.
Hiện nay, lạm phát ở nước ta đã vượt lên mức 18-19%, đây là mức cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Dự báo, trong năm 2012 kinh tế vĩ mô sẽ vẫn còn bất ổn. Chính sách thắt chặt tiền tệ, tài khóa, chống lạm phát tiếp tục được thực hiện cũng gây bất lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn vay. Sức ép cạnh tranh tăng lên khi nền kinh tế mở cửa rộng hơn theo các cam kết FTA, đặc biệt với Trung Quốc và các nước ASEAN.
Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam đều trong tình trạng khó khăn, trong 10 tháng đầu năm 2011 đã có hơn 48.700 DN phải ngưng hoạt động, tăng 21,8% so với năm 2010. |
Quế Hà