Gần đây, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế được đánh giá luôn đồng hành, tạo điều kiện tốt nhất cho DN. Thế nhưng, có những cuộc chơi DN cho rằng mình vẫn chịu thiệt thòi, khi dự án an sinh xã hội đã không được tỉnh hỗ trợ, mà còn bị thu hồi sớm chỉ trong vòng chưa đầy 3 năm kể từ khi được cấp phép; trong khi ở tỉnh này còn có nhiều dự án chậm cả chục năm vẫn chưa bị thu hồi.
“Dự án tâm huyết” của Tisco Huế
Dự án nhà ở sinh viên khu quy hoạch Đại học Huế do Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tisco Huế (công ty con của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Tisco) làm chủ đầu tư thực hiện tại khu quy hoạch Đại học Huế (đường Hồ Đắc Di, TP. Huế).
Dự án có tổng diện tích xây dựng hơn 8.000m2, quy mô 600 phòng, chiều cao 10 tầng với tổng mức đầu tư trên 200 tỷ. Đây là dự án nhà ở xã hội và được hưởng ưu đãi đặc biệt theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Dự án này được giới thiệu dùng những mô hình tiên tiến trên thế giới xây dựng khu nhà ở sinh viên hiện đại. Các khu ăn ở, học tập, sinh hoạt được bố trí tiện lợi cho sinh viên nằm bên cạnh các khu vui chơi giải trí không ảnh hưởng đến việc nghỉ ngơi, học tập.
Sẽ có các phòng ở điển hình, phòng cao cấp, phòng VIP. Bên cạnh đó là thư viện, trung tâm hội nghị, trung tâm đào tạo kỹ năng, căng-tin, siêu thị tiện lợi, khu thương mại, không gian xanh, không gian café, sân tổ chức sự kiện, sân thể thao, rạp chiếu phim mini, hệ thống an ninh thông minh...
Dự án được động thổ vào tháng 6/2016, đến tháng 1/2017 có giấy phép xây dựng. Trên thực tế, ngay khi được cấp quyết định chủ trương đầu tư, Tisco Huế cho rằng đã triển khai dự án và đã xây dựng một số hạng mục như bờ kè, hạ tầng thoát nước, đúc cọc thử tải… với chi phí hàng chục tỷ đồng, nhưng sau đó vẫn chậm tiến độ theo cam kết đã đề ra.
Ngày 6/8/2019, Sở KH&ĐT Thừa Thiên - Huế đã ra Quyết định số 230/QĐ-SKHĐT về việc chấm dứt hoạt động với dự án trên.
Theo ông Hoàng Văn Lý (Phó Tổng giám đốc Tisco, phụ trách Tisco Huế), trong quá trình triển khai dự án, do một số lý do khách quan và chủ quan, trong đó có việc Chính phủ dừng quy hoạch ĐH Huế trở thành ĐH quốc gia mà thay vào đó là chuyển dịch ĐH Đà Nẵng trở thành ĐH quốc gia, đã ảnh hưởng đến nhu cầu sinh viên đến theo học tại Huế. Chính vì thế, chủ đầu tư cũng thay đổi chiến lược và xin giảm tổng mức đầu tư từ 10 tầng xuống còn 6 tầng để thực hiện dự án.
“Đây là dự án tâm huyết của chúng tôi nhưng vì sau này chắc chắn lượng sinh viên đến đây học không tăng vì Chính phủ thay đổi quy hoạch; như vậy nguy cơ thừa phòng, bao nhiêu thứ phải tính… Chủ đầu tư nào cũng phải tính đến vấn đề kinh tế, đây cũng là lý do khiến chúng tôi chậm tiến độ. Hiện chúng tôi không còn vướng mắc gì, nếu tỉnh cho thêm cơ hội, tôi hứa sẽ triển khai tiếp dự án trong vòng 10 tháng là xong”, ông Lý mong muốn.
Thêm lý do chính đáng
Cũng theo chủ đầu tư, dự án chậm tiến độ bởi thêm một lý do là tranh chấp nội bộ trong công ty và đã được tỉnh, sở, ban, ngành nắm rõ. Cụ thể theo lời ông Lý, vào tháng 7/2017, Tisco Huế thay đổi cổ đông với mong muốn tăng cường tiềm lực để triển khai dự án đúng tiến độ.
Tuy nhiên, do cổ đông mới là Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh địa ốc Hà Nội không triển khai đúng tiến độ nên phát sinh tranh chấp về quyền sở hữu của dự án.
Cổ đông cũ là ông La Xuân Thành (Chủ tịch HĐQT Công ty Tisco) đã có đơn tố cáo gửi lên UBND tỉnh, Công an tỉnh, Sở KH&ĐT về việc cổ đông mới có dấu hiệu chiếm đoạt cổ phần người khác mà không thực hiện dự án và không trả tiền nhận chuyển nhượng cổ phần theo cam kết.
Sau đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã vào cuộc. Mới đây, ngày 19/7/2019 tại cơ quan công an, Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh địa ốc Hà Nội chuyển trả lại 95% cổ phần và toàn bộ hồ sơ gốc của dự án khu nhà ở sinh viên cho ông Thành. Từ đây ông Thành có trách nhiệm thực hiện dự án theo đúng cam kết với tỉnh sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý có liên quan.
Sau khi công an vào cuộc, ông La Xuân Thành đã nhận lại cổ phần và kiểm soát công ty. |
Ông Thành chia sẻ: “Nội bộ có lục đục vì việc tranh chấp quyền chủ sở hữu, một bên giữ sổ đỏ; bên giữ dấu, giấy tờ khiến dự án thêm phần chậm tiến độ và các sở, ban, ngành, UBND tỉnh biết rõ sự việc. Nhưng giờ đã rõ ràng, nguyện vọng của tôi là được tiếp tục thực hiện dự án.
Thông thường, các dự án ở Việt Nam trước khi thu hồi hầu hết chính quyền đều mời nhà đầu tư lên nêu tâm tư nguyện vọng. Nếu nhà đầu tư không tiếp tục thực hiện thì có quyền xin trả dự án lại để rút tiền ký quỹ ra. Nhưng ở đây, tỉnh không thực hiện điều này. Nếu không làm nữa thì chúng tôi đã làm đơn giao lại dự án cho tỉnh để nhận lại 1,5 tỷ tiền ký quỹ rồi”.
Quan điểm bất nhất của cơ quan chức năng
Liên quan sự việc, trước đó, vào ngày 28/2/2019, đoàn liên ngành tỉnh Thừa Thiên - Huế gồm: Sở KH&ĐT, UBND TP Huế, Sở TN&MT, Sở Xây dựng đã họp; có biên bản thống nhất cho Tisco Huế lập lại tiến độ chi tiết, điều chỉnh Quyết định chủ trương đầu tư trong tháng 3/2019 và yêu cầu công ty này phải hoàn thành đưa vào hoạt động trong tháng 6/2020.
Văn bản này đều được các bên ký rõ ràng, như vậy nếu phiên làm việc của đoàn liên ngành cũng như văn bản trên có giá trị thì việc ngày 06/8/2019, Sở KH&ĐT tỉnh ra quyết định thu hồi dự án trên là không hợp lý.
Ông Lý phân tích: “Nếu văn bản của đoàn làm việc liên ngành có giá trị thì phải đến hết tháng 6/ 2020 mà công ty không đưa dự án vào hoạt động thì mới đủ điều kiện để thu hồi đất và thu hồi chứng nhận đầu tư. Trước khi tỉnh thu hồi dự án, nhà đầu tư chưa bao giờ được mời lên làm việc để bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, chứng minh năng lực gì cả. Sở KH&ĐT cho chúng tôi điều chỉnh dự án, không lâu sau lại vội vàng ra quyết định thu hồi khiến chúng tôi vô cùng khó hiểu”.
Cũng theo chủ đầu tư, so với các dự án khác tại Huế thì đây là dự án nhà ở xã hội được Nhà nước đặc biệt ưu đãi và hỗ trợ tối đa các thủ tục liên quan. Vì vậy, dự án này cần được tỉnh hỗ trợ, quan tâm cho nhà đầu tư. Mặt khác dễ thấy rằng hiện có rất nhiều dự án thương mại, khách sạn chậm tiến độ cả chục năm mà vẫn được tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện, không thu hồi.
Quyết định thu hồi dự án này được ký một ngày trước khi Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra các dự án tại Huế. Vì điều đó, không ít người đặt ra câu hỏi: Phải chăng cán bộ có thẩm quyền cố tình “chọn” dự án này để thu hồi, nhằm mục đích báo cáo kết quả của “sự quyết liệt trong việc xử lý các dự án chậm tiến độ” với đoàn thanh tra.
Nhiều ý kiến cho rằng tỉnh Thừa Thiên - Huế cần rà soát lại việc thu hồi dự án này và cần tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tâm huyết với những dự án phi lợi nhuận, vì mục tiêu phụng sự xã hội.