Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Singapore diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang có nhiều chuyển biến. Điều này đã chứng tỏ môi trường đầu tư hấp dẫn của Việt Nam nói chung và thúc đẩy hợp tác 2 nước nói riêng trong thời gian này. Đây cũng là cơ hội cho các Doanh nghiệp 2 bên tìm kiếm cho mình những cơ hội đầu tư đầy triển vọng, nhất là trong thời điểm kinh tế Việt Nam đang khó khăn như hiện nay.
Tiến sĩ Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh ASIAN (ASIAN BAC), khẳng định khủng hoảng kinh tế đem lại những thách thức cho tất cả các nền kinh tế, các nền công nghiệp nhưng cũng đem lại những cơ hội để các nền kinh tế tái cơ cấu, thay đổi để có bước tiến mới.
Tuy nhiên, "làm thế nào để chúng ta có thể vượt qua những thách thức đó và nắm bắt những cơ hội cho chúng ta" lại đang là một bài toán hóc búa. Và lời giải là :"chúng ta nên vừa hợp tác vừa cạnh tranh thì chúng ta mới có thể vượt qua những thách thức và nắm bắt những cơ hội", ông Khương nói.
Tiến sĩ Đoàn Duy Khương tại Diễn đàn trong phần trình bầy của mình |
Ông Khương cũng khẳng định, Diễn đàn Doanh nghiệp này sẽ là một cơ chế, một hoạt động giúp chúng ta có thể tiến tới nắm bắt những cơ hội và vượt qua những thách thức xắp tới… “VCCI luôn hỗ trợ, thúc đẩy các Doanh nghiệp vừa và nhỏ, các công ty tư nhân tại Việt Nam.... Đặc biệt, trong thời gian tới chúng tôi sẽ tham gia hết sức tích cực và tổ chức các diễn đàn song phương và đa phương trong khu vực…”
“Cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam và dự báo cho 2012.”,Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam nhận định: nền kinh tế Việt Nam hiện nay rất khó khăn.
Tiến sĩ Thiên trong phần phân tích tại Diễn đàn |
Nhưng ông cũng cho rằng, sự khó khăn này sẽ được giảm bớt và mở ra cho nền kinh tế Việt Nam một giai đoạn phát triển mới đầy mầu sắc và triển vọng vào năm 2012 nếu thực hiện đúng những qui định mà nhà nước đã ban hành.
Tiến sĩ Trần Đình Thiên đưa ra những chỉ số phân tích một cách rõ ràng những rủi ro và sự khó khăn của nền kinh tế Việt Nam từ năm 2007 cho đến nay. Từ sự tăng trưởng GDP giảm, chỉ số lạm phát cao so với thế giới dù rằng vẫn cố chống lạm phát hàng năm… Ông khẳng định, những con số và biểu đồ minh họa mà ông đưa ra là hoàn toàn chính thống.
Chỉ số so sánh |
Những con số biết nói |
Ông Thiên khuyến cáo: Nhà nước cần phải có nguyên tắc hơn trong việc chi tiêu cho tất cả các lĩnh vực, và nếu vẫn cứ chi tiêu như hiện nay thì nền kinh tế Việt Nam sẽ rất nguy hiểm trong tương lai…
Nói về kinh tế 2012, ông Thiên cho rằng: kinh tế thế giới 2012 khó khăn hơn, các dự báo thống nhất về triển vọng u ám, thậm chí tồi tệ hơn nhiều của kinh tế thế giới năm 2012 so với 2011. Ảnh hưởng từ điều này, kinh tế Việt Nam khi bước vào năm 2012 có xu hướng giảm tăng trưởng, lạm phát cao, thâm hụt thương mại, thâm hụt ngân sách nặng nề, đồng tiền yếu kém vẫn chưa có dấu hiệu chặn lại một cách chắc chắn. “Đây là tình trạng đã kéo dài nhiều năm, đình trệ đi với lạm phát cao, thực sự rất nguy hiểm.” Ông Thiên dự báo.
Nói về định hướng mục tiêu và hành động cho nền kinh tế, ông Thiên nhận định: về mục tiêu nên ổn định và khôi phục niềm tin, xác lập mô hình tăng trưởng mới. Ông cũng nói, nhiệm vụ ưu tiên ngắn hạn là nên kéo lạm phát xuống 7% năm 2012. Ưu tiên hành động cải cách tiền lương khu vực nhà nước cùng với thiết lập kỷ cương… Và ưu tiên chiến lược tái cơ cấu hệ thống ngân sách, hệ thống ngân hàng, phân cấp trung ương, địa phương vv…
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Singapore sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ 30/11 đến 2/12. Hôm nay, diễn đàn sẽ đi sâu thảo luận về 4 lĩnh vực gồm: Giáo dục bậc cao, Dịch vụ tài chính ngân hàng, Bất động sản và Quản lý tài sản, Sản xuất và Quản lý chuỗi cung ứng.
Nguyễn Thọ