Chúng tôi có mặt ở làng nghề gỗ Hữu Bằng (Thạch Thất, Hà Nội) vào những ngày cuối năm. Không khi sản xuất nhộn nhịp từ đường chính vào đến ngõ xóm. Nơi thì đang hối hả xuống gỗ, nơi thì tấp nập xuất hàng thành phẩm. Theo ông Phan Văn Tuấn, Phó Chủ tịch xã Hữu Bằng, sản phẩm của làng nghề đáp ứng đến 60-70% nhu cầu trong nước và hầu như không lúc nào đủ hàng để bán. Ước tính, một năm cả làng nghề tiêu thụ khoảng 300 nghìn mét khối gỗ nguyên liệu, chủ yếu là nhập khẩu từ châu Âu, châu Phi…
Ông Nguyễn Duy Vinh - Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát cho biết, trước đây ông cũng dùng gỗ keo, tuy nhiên nguồn gỗ nguyên liệu này trong nước không ổn định nên DN chủ yếu dùng gỗ nhập từ Châu Âu. “Tôi có thể khẳng định 100% gỗ dùng ở Thạch Thất là gỗ hợp pháp, hoàn toàn không có gỗ lậu…” - DN này khẳng định.
Lý giải về điều này, ông Vinh cho biết, với một làng nghề chuyên nghiệp như Hữu Bằng, tất cả các sản phẩm đều có giá sàn và chỉ có nhập gỗ hợp pháp mới hình thành giá sàn. “Ví dụ một bộ bàn ghế làm ra giá giữa các hộ chênh lệch không đáng kể vì tất cả đều cùng nhập gỗ nguyên liệu và đều có giá chung cả. Sự chênh lệch có chăng chỉ từ độ tinh xảo và tay nghề của thợ, nhưng không đáng kể…” - ông Vinh cho hay.
Cũng như nhiều DN hay hộ sản xuất ở Hữu Bằng, sản phẩm làm ra của Công ty Hoàng Phát chủ yếu tiêu dùng nội địa. Nhưng điều khiến cho DN này trăn trở là mở rộng thị trường. Ông Vinh cho biết, DN cũng đã xuất thử hàng sang Mỹ nhưng thất bại vì khoảng cách về văn hóa và địa lý, DN không có điều kiện sang tận nơi để khảo sát thực tế, trong khi với Trung Quốc thì điều kiện dễ dàng hơn, có thể sáng đi tối về… Ông Vinh trăn trở: “Trung Quốc là thị trường quá lớn nhưng tại sao Việt Nam lại không tiếp cận được? Đây là lỗ hổng. Trung Quốc bán khắp thế giới nhưng Việt Nam mới chỉ có thói quen sang Trung Quốc mua hàng về để bán, sử dụng chứ mang hàng sang Trung Quốc để bán thì chưa. Tôi đã mất 2 năm để tiếp cận thị trường Trung Quốc, cũng được một số kết quả ban đầu nhưng quả là rất khó khăn”.
Theo ông, khó nhất hiện nay là chính sách thuế. Trong khi DN sang châu Âu mua gỗ nguyên liệu (gỗ tần bì) về thuế suất là 0%, nhưng gỗ đó mua về Việt Nam chế biến rồi xuất bán sang Trung Quốc thì chịu thuế 25%. Chính ông Vinh đã thử bán cho DN Trung Quốc, họ bị lỗ nặng nên ông phải tìm đối tác khác. Ông Vinh đã phải sang Trung Quốc, hợp tác với DN Trung Quốc, để DN đó mua gỗ ở châu Âu đem về Việt Nam mướn Công ty TNHH Hoàng Phát gia công. Nếu là gia công thì DN không phải chịu thuế suất 25%.
Theo DN, với cách này 2 bên đều có lợi, nhưng rủi ro lớn cho DN Việt Nam vì không dễ dàng tìm được đối tác uy tín. “Tôi tìm được nhiều khách hàng nhưng tìm đích thị đơn vị đặt chế xuất thì quá khó. Từ trước tới nay mới tìm được 1 đối tác. Chính phủ phải nghiên cứu lại về thuế suất, đánh thuế 25% gỗ tần bì, các DN không bao giờ làm được…” – Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát đề nghị.
Trung Quốc là thị trường tiềm năng với giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt tới gần 1 tỷ USD trong những năm gần đây, chủ yếu là các sản phẩm dăm mảnh, gỗ bóc, pallet và đồ gỗ mỹ nghệ, tuy nhiên, các sản phẩm gỗ nội thất và gỗ ngoại thất xuất vào thị trường này còn tương đối ít. Theo TS. Tô Xuân Phúc, chuyên gia về lâm nghiệp và thương mại gỗ tại Việt Nam, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là cơ hội tốt cho các DN chế biến gỗ Việt Nam xuất hàng sang thị trường này. Tuy nhiên chuyên gia này cho rằng, nếu DN Việt Nam phải “đi vòng” để tránh thuế thì rủi ro rất lớn…