Đừng để các hãng tau “bỏ” Hải Phòng sang cảng khác
Những cơn mưa rào đầu mùa vừa qua cải thiện không đáng kể mực nước các hồ phục vụ sản xuất thủy điện. Chính vì vậy, không chỉ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, mà ngay các doanh nghiệp dịch vụ cảng biển ở Hải Phòng cũng đang đối mặt với nguy cơ thiếu điện.
Việc cắt điện luân phiên ảnh hưởng đến nhiều công-ten-nơ lạnh chứa hàng tại Cảng chùa vẽ |
Đối mặt với nguy cơ thiếu điện
Với vẻ mặt trầm ngâm, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên Cảng Hải Phòng Dương Thanh Bình nói với chúng tôi: Các đơn vị sản xuất lại đối mặt với nguy cơ thiếu điện. Lần này, những doanh nghiệp dịch vụ cảng biển như chúng tôi cũng không ngoại lệ, đều phải chấp hành chủ trương “tiết giảm điện năng” mà ngành Điện đưa ra. Điều trớ trêu ở chỗ, những năm gần đây, cứ vào cuối mùa khô, khi lượng nước không đủ cho sản xuất điện, thì cũng là lúc các chủ hàng ùn ùn tập kết công-ten-nơ lạnh về cảng. Trong tháng tư vừa qua, cao điểm, Cảng Hải Phòng tiếp nhận tới 500 công-ten-nơ lạnh. Thời buổi cơ chế thị trường, khách đưa hàng về cảng, ai nỡ từ chối, vì vậy cùng với điện năng cho chiếu sáng, “cẩu” và các nhu cầu khác, lượng điện duy trì chất lượng hàng hóa trong các công-ten-nơ lạnh là vấn đề nan giải với không chỉ riêng Cảng Hải Phòng, mà cả các Cảng Chùa Vẽ, Cảng Đình Vũ và các cảng trên địa bàn Hải Phòng.
Phó giám đốc Công ty CP đầu tư phát triển Cảng Đình Vũ Cao Văn Tĩnh cho biết: Từ đầu tháng ba đến nay, sản lượng hàng công-ten-nơ lạnh liên tục được các chủ hàng đưa về Cảng Đình Vũ. Đây chủ yếu là hàng tạm nhập, chờ tái xuất đi nước thứ ba, chủ yếu là thị trường Trung Quốc. Nhưng không hiểu sao, nhiều công-ten-nơ lạnh cứ “nằm ỳ”, không thấy chủ hàng đưa đi. Các tháng trước, bình quân mỗi tháng chỉ có khoảng 50 công-ten-nơ lạnh đưa về Cảng Đình Vũ, nhưng từ giữa tháng ba đến nay, có tới 250 -300 công-ten-nơ lạnh/ tháng. Việc ngành điện thực hiện tiết giảm điện năng không chỉ khiến các doanh nghiệp dịch vụ cảng biển có nhiều công-ten-nơ lạnh, mà buộc các chủ cảng phải bố trí lại sản xuất cho phù hợp. Vì hầu hết cảng trên địa bàn Hải Phòng đều hiện đại hóa, tổ chức xếp dỡ hàng hóa bằng thiết bị nâng chạy điện. Nếu tính toán không tốt, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới tốc độ giải phóng tàu. Điều đó đồng nghĩa với việc quay lưng với các hãng tàu ngoại chạy chuyên tuyến quốc tế.
Chủ động giảm lượng điện tiêu thụ
Trước chủ trương tiết giảm điện năng mà ngành Điện đưa ra, các doanh nghiệp dịch vụ cảng biển đều chủ động khắc phục. Công ty CP đầu tư phát triển Cảng Đình Vũ đề ra biện pháp cụ thể nhằm giảm lượng điện tiêu thụ như: chạy máy phát dự phòng 625KVA cấp điện cho hoạt động của đơn vị; kiên quyết không chạy máy điều hòa không khí trong văn phòng làm việc; giảm thời gian và số lượng điểm chiếu sáng trong bãi cảng; ngừng hoạt động một cần cẩu; đồng thời khuyến cáo các chủ hàng, chủ tàu hạn chế đưa công-ten-nơ lạnh về cảng. Chia sẻ với khó khăn của ngành điện, Công ty CP Đầu tư phát triển Cảng Đình Vũ quyết định thuê thêm máy phát điện công suất 800KVA, phục vụ hoạt động của công ty, nâng tổng công suất của máy phát điện lên 1425KVA. Cố gắng như vậy, cộng với chi phí thuê máy phát điện, mua dầu và khắc phục rất nhiều bất tiện nảy sinh trong việc đấu lắp tủ điện, hệ thống dây truyền điện đến các phụ tải, nhưng vẫn không đủ điện cho khai thác dịch vụ cảng.
Để bảo đảm thực hiện các hợp đồng xếp dỡ đã ký với các hãng tàu, tránh hư hỏng hàng hóa trong công lạnh, Công ty CP đầu tư phát triển Cảng Đình Vũ, Công ty TNHH một thành viên Cảng Hải Phòng và các doanh nghiệp dịch vụ cảng trên địa bàn Hải Phòng mong muốn ngành Điện ưu tiên cấp đủ điện phục vụ sản xuất ổn định, nhất là bảo đảm lịch chạy tàu chuyên tuyến quốc tế, tránh để các hãng tàu “bỏ” Hải Phòng sang các cảng khác trong khu vực. Trong điều kiện nền kinh tế thế giới và trong nước đang có dấu hiệu phục hồi, việc cấp điện cho các doanh nghiệp dịch vụ cảng biển ở Hải Phòng- đầu mối xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất phía Bắc rất cần thiết. Vấn đề này phụ thuộc nhiều vào quan điểm phục vụ khách hàng của ngành Điện.
Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp nào cũng cho rằng cần được ưu tiên cấp điện cho hoạt động sản xuất của đơn vị mình. Song để vượt qua khó khăn chung, mỗi đơn vị cần chủ động thực hiện tiết kiệm điện, sử dụng hợp lý các thiết bị phụ tải, tránh lãng phí, tăng cường hoạt động sản xuất vào thời gian thấp điểm. Ngành điện cũng cần giảm bớt điểm chiếu sáng, đóng điện muộn hơn, cắt điện sớm hơn đối với các phụ tải chỉ dùng chiếu sáng trong mùa hè./.
Anh Tú