Hội thảo nhằm giúp doanh nghiệp bồi đắp tư duy phòng ngừa rủi ro, hiểu rõ những lỗ hổng có thể bị tấn công, những cách thức tấn công mới của tin tặc và các biện pháp phòng ngừa mất dữ liệu. Đồng thời, chương trình cũng tạo cơ hội để các doanh nghiệp giao lưu, tìm kiếm đối tác kinh doanh trong lĩnh vực thiết bị văn phòng và văn phòng phẩm đến từ Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam.
Diễn giả chính của sự kiện là chuyên gia đầu ngành Phan Văn Sáng với hơn 15 năm kinh nghiệm tư vấn cho nhiều tập đoàn, doanh nghiệp như: Hanoi Steel Center thuộc tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản); Usol Vietnam thuộc tập đoàn Nihon Unisys (Nhật Bản); Esoftflow thuộc tập đoàn Esoft Systems (Đan Mạch); Tilleke & Gibbins (Mỹ)… về công nghệ thông tin, bảo mật dữ liệu.
Chuyên gia Phan Văn Sáng nhận định: “Bất kỳ dữ liệu nào của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp ‘đều là tiền’.” |
Theo thống kê của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), năm 2022 tại Việt Nam ghi nhận hơn 17.000 vụ tấn công mạng, tăng 25% so với năm 2021. Như vậy, trong thời đại công nghệ số hiện nay, doanh nghiệp đang đối mặt với ngày càng nhiều rủi ro về việc mất cắp dữ liệu.
Tại buổi hội thảo, chuyên gia Phan Văn Sáng chia sẻ những rủi ro mất dữ liệu thực tế nhất mà doanh nghiệp dễ dàng gặp phải trong thời đại công nghệ 4.0. Ông nhận định: “Rủi ro về virus là nỗi sợ hàng đầu đối với người dùng, nhất là thời gian vừa qua Việt Nam liên tục xảy ra các vụ tấn công ransomware (mã độc tống tiền) gây thiệt hại không nhỏ đối với cá nhân, doanh nghiệp.
Trước kia, các hacker chỉ tập trung tấn công vào phần mềm thì giờ đây, ngược lại, chúng lại tấn công trực diện vào dữ liệu. Khi virus ransomware lây nhiễm vào thiết bị, chỉ 30 giây sau, toàn bộ dữ liệu sẽ bị mã hoá.”
Một số nguyên nhân khác dẫn đến mất dữ liệu được chuyên gia liệt kê như lỗi phần cứng, vô tình xoá dữ liệu, hay chưa đầu tư ngân sách giám sát hệ thống. Ngoài ra, việc sử dụng wifi công cộng cũng là điểm yếu của doanh nghiệp tạo cơ hội cho các hacker.
Bàn về cách phòng ngừa mất dữ liệu, chuyên gia Phan Văn Sáng chỉ ra 6 giải pháp giúp doanh nghiệp hạn chế tình trạng này một cách chủ động. Theo diễn giả, backup (sao lưu dữ liệu) là yếu tố bắt buộc tiên quyết để bảo mật thông tin. Doanh nghiệp có thể sử dụng nhiều công cụ sao lưu khác nhau như USB (chuẩn kết nối và truyền dữ liệu số), Box HDD (hộp đựng ổ cứng Hard Disk Drive), Data Service (hệ thống máy chủ), Tape (băng từ), NAS (bộ nhớ nối mạng).
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nên trang bị các phần mềm phòng chống virus cho toàn bộ thiết bị; cập nhật các bản vá thường xuyên; cài đặt phần mềm quản lý máy tính người dùng; phân quyền truy cập các dữ liệu; nâng cao nhận thức an toàn thông tin dữ liệu.
Bà Nguyễn Thị Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). |
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng tình và cho rằng trong thời đại công nghệ số, mọi thủ tục pháp lý, thông tin con người đều được số hoá thì doanh nghiệp đang ngày càng đối mặt với nhiều rủi ro về mất dữ liệu. Chính vì vậy, việc phòng ngừa mất dữ liệu là vô cùng quan trọng.
Bởi lẽ, với một lượng lớn dữ liệu doanh nghiệp thu được sẽ giúp chính doanh nghiệp đó phân tích rõ hơn về khách hàng, đối tác, thị trường… để đưa ra các kết luận sáng suốt. Mất dữ liệu đồng nghĩa với việc doanh nghiệp mất doanh thu, giảm uy tín với khách hàng. Do đó, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược bảo mật dữ liệu hiệu quả bao gồm các biện pháp kỹ thuật cũng như phương thức tổ chức phù hợp.
Có thể nói rằng, hội thảo chuyên đề “Rủi ro mất dữ liệu doanh nghiệp và cách phòng ngừa” đã mang lại nhiều kiến thức bổ ích cho cộng đồng doanh nghiệp trong việc bảo mật thông tin, giúp họ nhận thức sâu sắc và xử lý kịp thời dựa trên những phân tích chuyên sâu từ các chuyên gia và ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự.