Thừa biết quy định của Cộng hòa Síp khi tiếp nhận lao động giúp việc gia đình chỉ ‘đóng” visa năm một song công ty TNHH một thành viên Sản xuất Thương mại và Xuất khẩu lao động (Vinahandcoop) vẫn “nhắm mắt” cho lao động ký hợp đồng lao động 4 năm, gia hạn thêm 2 năm. Liều lĩnh hơn, khi mới được 1 năm, lao động hết hạn visa gọi về cấu cứu thì lãnh đạo đơn vị này xúi lao động bỏ trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp…
Hai lao động bị doanh nghiệp xúi ra ngoài làm việc bất hợp pháp đã trở về nước và đang cầu cứu cơ quan chức năng do Vinahandcoop chối bỏ trách nhiệm |
“Treo đầu dê, bán thịt chó”
Tháng 4.2009 hai lao động là Mạc Thị Giang (SN 1987) và Dương Thị Vân (SN 1979) cùng ở Hải Dương được ông Phan Văn Khiêm, Trưởng phòng thị trường Công ty Vinahandcoop tư vấn đi làm tại Cộng hòa Síp với hợp đồng 4 năm và gia hạn 2 năm; phí xuất cảnh là 8.400 USD, không kể tiền học phí.
Tháng 5-2009, ông Khiêm yêu cầu chị Giang đóng 1.000 USD tiền đặt cọc; tháng 6-2009, đóng tiếp 2.000 USD; cuối tháng 7, ông Khiêm nhận 5.300 USD. Tổng cộng 3 lần thu, tổng số tiền là 8.300USD và chỉ có biên nhận viết tay. Còn chị Dương Thị Vân cho biết, đã nộp trực tiếp cho ông Khiêm là 7.300 USD tại 2 địa điểm ở SN 123 A3 Khu đô thị mới Đại Kim-Hoàng Mai, Hà Nội và tại Hải Phòng.
Tháng 8.2009 hai chị được kỳ hợp đồng đi giúp việc tại CH Síp thông qua Vinahandcoop. Theo hợp đồng,mức lương của người lao động làm công việc hộ lý, chăm sóc người bệnh là 150 bảng Síp/tháng (1 bảng Síp tương tương 2,51 USD). Tính theo tỷ giá USD thời điểm ký hợp đồng tháng 8-2009 thì lương của lao động tương đương với 376 USD/tháng. Nếu làm việc và không chi tiêu gì đến tiền lương, thì mỗi lao động làm việc trong 12 tháng sẽ được nhận tổng số tiền là 4.512USD.
Chị Giang và chị Vân cho biết, khi sang Cộng hòa Síp, các chị được chủ nhà đối xử rất tốt. Nhưng đang làm yên lành thì đến ngày 23-10-2010, chủ sử dụng thông báo hết hạn hợp đồng, chở lao động đi mua đồ kỷ niệm để về lại Việt Nam.
Khi lao động thắc mắc thì chủ nhà trả lời rõ ràng chỉ hợp đồng thuê người giúp việc theo từng năm một. Hoảng hốt, hai chị liên hệ về Việt Nam thì được ông Khiêm yêu cầu trốn ra ngoài làm việc không giấy tờ. Không chấp nhận cảnh sống chui lủi, bất hợp pháp ở xứ người, hai chị đã quyết định về Việt Nam yêu cầu Vinahandcoop giải quyết theo quy định của pháp luật.
Trên dưới đồng lòng chối bỏ trách nhiệm
Đầu tháng 11.2010 hai chị Giang và Vân đã về nước và nhiều lần liên lạc với ông Khiêm nhưng ông này tránh né khiến các chị không thể gặp được. Ngày 22-11 vừa qua, hai chị lại lặn lội lên Hà Nội, gặp trực tiếp được ông Khiêm tại Công ty Vinahandcoop tại 80 Hàng Gai-Hà Nội nhưng ông Khiêm đã không nhận trách nhiệm và đổ cho hợp đồng nhân viên đánh nhầm. Còn việc nhận tiền hơn 15.000 USD của 2 lao động, ông Khiêm cũng chối quanh. Hai lao động đã lên gặp trực tiếp Ban Giám đốc, thì chỉ nhận được lời hứa “Chúng tôi sẽ xem xét”.
Điều đáng nói là ở thời điểm Vinahandcoop ký hợp đồng đưa hai chị Giang và Vân đi Síp ( tháng 8/2009) công ty này đang bị Cục Quản lý lao động ngoài nước phạt 25 triệu đồng và đình chỉ ngừng hoạt động XKLĐ trong 6 tháng do đưa lao động sang Nga làm việc không đúng theo hợp đồng. Vì sao trong thời hạn bị đình chỉ màVinahandcoop vẫn ký hợp đồng và đưa lao động sang làm việc tại Cộng hòa Síp? Hợp đồng này có được Cục Quản lý lao động ngoài nước thẩm định và cho phép hay không mà lại có chuyện hợp đồng năm một được ký thành 4 năm, gia hạn thêm 2 năm để thu phí của lao động cao ngất ngưởng?
Trả lời báo giới, bà Nguyễn Thị Thúy Lai, Trưởng phòng Thanh tra lao động Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, trong thời gian bị đình chỉ, công ty Vinahandcoop phải dừng mọi hoạt động tuyển dụng, đào tạo mới. Còn đối với những trường hợp đã tuyển dụng, đào tạo trước đó thì công ty báo cáo Cục để đưa lao động đi, nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động. Bà Lai cũng bất ngờ trước khoản thu quá lớn mà người lao động cho biết đã nộp cho công ty này. Bà Lai khẳng định không thể có chuyện “công ty đánh máy nhầm” mà nếu có nhầm đi chăng nữa thì đương nhiên công ty cũng vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người lao động.
Trước những sai phạm đã rõ của Vinahandcoop, Cục Quản lý lao động ngoài nước cần nhanh chóng có biện pháp can thiệp, chỉ đạo để doanh nghiệp này giải quyết mọi quyền lợi chính đáng cho lao động đi Síp phải về nước trước hạn.
Đồng thời nghiêm khắc xử lý theo quy định của pháp luật hành vi xúi lao động bỏ trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp của đại diện Vinahandcoop. Đây là hành vi phản cảm, vi phạm đạo đức, coi thường pháp luật của cán bộ làm công tác XKLĐ mà nếu như người lao động nhẹ dạ, cả tin làm theo thì hậu họa sẽ là khôn lường.
Pháp luật Việt Nam Online sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.
Thanh Lương