Khoản vốn được vay qua kênh Thành Đoàn và Ngân hàng Chính sách xã hội tuy không nhiều nhưng Đoàn thanh niên quận Dương Kinh mạnh dạn tìm cách giúp nhau phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo, thu được những kết quả bước đầu.
Cuối chiều 20-8- 2010, tại cơ ngơi của anh Nguyễn Văn Vụ, tổ dân phố Tân Hợp, phường Tân Thành (quận Dương Kinh), 2 người thợ vẫn miệt mài làm việc. Có khách đến nhà, anh Vụ xuề xoà: “ Các em thông cảm, nhà chật, lại phải dành phần lớn diện tích để máy móc, thiết bị làm việc nên phòng khách phải thu hẹp lại”. Anh Vụ cho biết: Năm 1995, anh mở cửa hàng sửa chữa xe gắn máy tại nhà. Do thiếu vốn, chưa có uy tín và cơ sở chật chội, anh sang tỉnh Hải Dương học kỹ thuật doa hơi, ép biên, chuyển đổi cơ cấu nghề từ sửa chữa sang kinh doanh, buôn bán phụ tùng xe máy và kinh doanh vận tải. Mày mò tự học hỏi, anh tự chế tạo ra chiếc máy nắn càng, nắn khung. Loại máy này phát huy được những ưu điểm của máy nắn càng bán trên thị trường, nhưng giá rẻ hơn 50%.
Anh Nguyễn Văn Vụ bên chiếc máy tự chế |
Năm 2005, nhu cầu của khách hàng ngày càng lớn, giá điện, nguyên liệu như gang, sắt, chi tiết kỹ thuật nhập khẩu ngày càng tăng cao, một lần nữa anh lại gặp khó khăn. Đúng lúc đó, anh nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ nguồn vốn vay phát triển kinh tế, giúp thanh niên nông thôn xóa đói, giảm nghèo của Đoàn thanh niên thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kiến Thuỵ. Vay được 50 triệu đồng, anh mua nguyên liệu sản xuất, kinh doanh. Tuy nguồn vốn vay qua kênh tổ chức Đoàn thanh niên không lớn so với nhu cầu thực tế nhưng nó giúp anh giải quyết khó khăn trước mắt.
Sau khi anh Vụ trả hết số tiền vay theo hạn định, xét thấy nhu cầu cần vay vốn của anh để mở rộng cơ sở, trang thiết bị, Quận đoàn Dương Kinh cho anh vay thêm 50 triệu đồng. Anh Vụ tâm sự: “Nhờ có nguồn vốn vay kịp thời ấy, công việc của tôi ngày càng thuận lợi. Hiện tôi kinh doanh xe vận tải, xe khách chạy tuyến Hải Phòng - Đồ Sơn và gia công chi tiết xe gắn máy bị hỏng do đâm, đổ. Tổng thu nhập hàng tháng sau khi đã trừ chi phí đầu tư là hơn 20 triệu đồng. Ngoài ra, tôi tạo việc làm cho 4 lao động thường xuyên, mức thu nhập 3 - 4 triệu đồng/ người/ tháng”.
Trên địa bàn quận Dương Kinh đang xuất hiện những mô hình phát triển kinh tế. Chẳng hạn trang trại ở phường Hoà Nghĩa, mô hình nuôi trồng thuỷ sản ở phường Tân Thành, mô hình kinh doanh lắp đặt điện nước ở phường Đa Phúc... Nguồn vốn được giải ngân hơn 2 năm nay và thu được những kết quả bước đầu. Anh Bùi Văn Đủ, Phó bí thư Quận đoàn Dương Kinh, phụ trách nguồn vốn cho thanh niên vay phát triển kinh tế, cho biết: “Quận đoàn Dương Kinh mới thành lập với 6 cơ sở Đoàn phường và một số cơ sở Đoàn trực thuộc, tổng số dư nợ nguồn vốn thanh niên từ năm 2008 đến nay khoảng 400 triệu đồng, chúng tôi phải cân nhắc thật kỹ để giải ngân tuỳ từng trường hợp. Nhiều đoàn viên thanh niên sau khi nhận được vốn vay phát triển kinh doanh dịch vụ, tận dụng đồng ruộng hoang hóa để phát triển mô hình VAC. Ngoài cung cấp vốn, chúng tôi thường xuyên mở các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi trồng thuỷ, hải sản, chăn nuôi lợn cho thanh niên trên địa bàn khu dân cư. Tuy nhiên, do nguồn vốn vay có hạn, thủ tục rườm rà nên nhiều thanh niên có tâm lý không muốn mạo hiểm, chấp nhận đi làm công nhân trong một số công ty liên doanh trên địa bàn phường. Theo tôi, để đẩy mạnh việc giúp thanh niên phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo, cần có cơ chế “thoáng” hơn như mạnh dạn cho thanh niên vay vốn, đơn giản hoá các thủ tục vay vốn, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra hiệu quả các mô hình kinh tế được thực hiện bằng nguồn vốn thanh niên vay”.
Đông Hải