Ngang nhiên “rút ruột” bờ biển
Cụ thể, tại địa phận giáp ranh hai xã Nam Cường và Nam Thịnh đang tồn tại một bãi tập kết cát trái phép có quy mô khá lớn. Bãi tập kết trung chuyển cát này hoạt động đã gần 10 năm nhưng địa phương chưa hề có biện pháp xử lý.
Có mặt tại bãi tập kết, theo ghi nhận, hoạt động bơm và vận chuyển cát diễn ra hết sức rầm rộ. Tại khu đất nằm sát đê biển 5 rộng hơn 1ha, 3 chiếc tàu hút cát tự hành rầm rập bơm cát lên bãi. Bên trong, máy xúc hối hả múc cát lên thùng xe. Phía ngoài, từng đoàn xe tải nối đuôi nhau vào “ăn cát”. Ước tính mỗi ngày bãi tập kết cát này tiêu thụ cả nghìn m3 cát biển.
Để làm rõ nguồn gốc số cát biển được bơm lên mỗi ngày, PV quyết định bám theo ba chiếc tàu hút cát trên. Theo quan sát, hàng ngày, khi thủy triều lên, ba chiếc tàu sẽ rời bến, di chuyển qua con lạch rồi tiến ra bãi triều Cồn Vành cách bờ khoảng một hải lý để hút cát.
Sau khi đến vị trí đã định, những chiếc tàu này thả các vòi “bạch tuộc” xuống biển. Theo tiếng máy nổ ầm ĩ, từng dòng cát cứ thế được hút lên khoang thuyền. Trong vòng chưa đầy một tiếng đồng hồ, những chiếc tàu sức chứa khoảng 100m3 khối này đã đầy cát.
Các con tàu đầy cát sau đó men theo con lạch về bãi tập kết. Các tàu kéo nhau ra đây khai thác cát khiến bãi bồi nuôi ngao nhiều chỗ bị sụt thành hố sâu hoắm, gây hư hỏng chòi canh ngao và hệ thống đăng lưới bảo vệ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc nuôi trồng ngao của các hộ dân.
Theo ghi nhận, để ra đến khu vực Cồn Vành, các tàu cát phải đi từ bãi neo đậu thuyền, nơi có Trạm kiểm soát biên phòng Cửa Lân (thuộc Đồn Biên phòng Cửa Lân), Trạm Kiểm ngư Cửa Lân. Bên cạnh đó còn có các lực lượng khác như cảnh sát đường thủy, cảnh sát biển có trách nhiệm tuần tra, kiểm soát, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trên khu vực ven biển.
Nếu phát hiện các phương tiện, cá nhân trên phương tiện vi phạm chắc chắn sẽ bị xử lý. Tuy nhiên không rõ vì sao, những con tàu cát này lại có thể dễ dàng “lọt” qua cửa sông để ra biển hút trộm cát và phá hoại bãi ngao của ngư dân mà không hề bị lực lượng chức năng ngăn chặn, bắt giữ?
Diện tích đất công ven đê biển 5 do UBND xã Nam Cường quản lý đã cho thuê trái thẩm quyền. |
UBND xã còn cho “cát tặc” thuê bến bãi
Để làm rõ tình trạng khai thác cát ở đây, PV đã làm việc với ông Mai Văn Hoài, Chủ tịch UBND xã Nam Cường. Ông Hoài xác nhận bãi tập kết cát tại địa phương là trái phép, chưa được các cơ quan chức năng cấp phép hoạt động.
“Điểm tập kết và trung chuyển cát trái phép này là của một hộ gia đình thường trú tại xã bên. UBND xã đã ký hợp đồng cho hộ gia đình này thuê diện tích đất trên vào mục đích nuôi trồng thủy sản, thời hạn ký theo từng năm hoặc năm năm một lần”, ông Hoài xác nhận.
Theo bản hợp đồng thuê ông Hoài cung cấp: Ngày 3/2/2020, xã Nam Cường đã ký hợp đồng với ông Nguyễn Hồng Quân. Ông Quân được thuê đất khu vực bãi bồi ven biển với diện tích 7.058m2, mục đích sử dụng kinh doanh nuôi trồng thủy sản, thời hạn thuê đất 2 năm, mức phí 250.000đ/sào/năm.
Hợp đồng quy định rõ, ông Quân phải sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới, không làm ảnh hưởng đến hành lang đê điều, thực hiện nghiêm chỉnh Luật Đất đai và các quy định về Luật Đê điều.
Lý giải về việc xã cho thuê đất vào mục đích nuôi trồng thủy sản nhưng ông Quân lại tự ý chuyển đổi sang kinh doanh bãi tập kết vật liệu xây dựng mà chính quyền xã không xử lý, ông Hoài viện lý do là do lực lượng mỏng không sâu sát được tình hình.
“Trong khi đó, việc lập biên bản để xử phạt chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”. Vì so với lợi nhuận khai thác cát mang lại thì nộp dăm ba triệu đồng tiền phạt chẳng đáng là bao. Thẩm quyền của xã cũng chỉ ra thông báo tạm dừng thôi...”, ông Hoài nói.
Với việc khai thác cát trái phép trên biển, ông Hoài nói rằng các tàu này hút cát tại địa phận xã khác rồi mới chở về địa phương bơm lên bãi. “Ngoài ra, xã cũng đã thường xuyên báo cáo lên cấp trên về tình trạng xe quá khổ, quá tải hoạt động trên đê và nhiều lần phối hợp xử lý vấn đề này nhưng tình trạng vẫn không giải quyết triệt để được”, ông Hoài nói.