Đình Mông Phụ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia năm 1984. Luật sư Trịnh Thúy Huyền - Giám đốc Công ty Luật Apra cho biết, theo điểm a khoản 1 Điều 32 Luật Di sản văn hóa 2001, sửa đổi bổ sung năm 2009 ("Luật Di sản văn hoá") quy định về các khu vực bảo vệ di tích gồm: “Khu vực bảo vệ I là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích”. Giếng cổ đình Mông Phụ là một trong những yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử Đình Mông Phụ thuộc khu Di tích Làng cổ Đường Lâm.
Chính vì thế, việc đoàn làm phim tự ý tô vẽ, làm mới để tạo bối cảnh đóng phim có thể coi là hành vi "Huỷ hoại hoặc gây nguy cơ huỷ hoại di sản văn hoá" bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 13 Luật Di sản văn hoá. Trên thực tế, mặc dù đoàn làm phim đã khắc phục hậu quả bằng cách cọ rửa lớp vôi ve bên ngoài, tuy nhiên tại thời điểm này không thể khôi phục được giếng đình Mông Phụ về nguyên trạng ban đầu. Đây không chỉ đơn thuần là hành vi thiếu ý thức tôn trọng, bảo tồn di tích cổ, mà còn là hành vi vi phạm pháp luật.
Luật sư Trịnh Thúy Huyền |
Theo khoản 1 Điều 20 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo có quy định mức phạt tiền "từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi viết, vẽ, làm bẩn, làm ô uế di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh". “Như vậy, căn cứ theo quy định trên, hành vi của đoàn làm phim “Chuyện làng Bồm” có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định về bảo vệ di sản văn hoá”, Luật sư Huyền cho biết.
Ngoài ra, tại Điều 345 Bộ luật hình sự có quy định về tội “vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh gây hậu quả nghiêm trọng”. Tuy nhiên, để xem xét xử lý về hình sự cần làm rõ hành vi này có gây hậu quả nghiêm trọng, hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích Đình làng Mông Phụ hay không.
Theo người dân sinh sống tại làng cổ Đường Lâm, giếng ở đình Mông Phụ vốn là giếng gạch có trát vữa. Lớp vữa theo năm tháng bám nhiều mảng xanh của rêu, dương xỉ. Với người dân Đường Lâm, những giếng cổ trong làng được coi là không gian linh thiêng, người dân luôn cố gắng giữ cho giếng vẻ cổ kính. Mỗi năm dân chỉ được phép tu sửa, nạo vét, khơi giếng một lần và đều phải cúng lễ theo đúng phong tục của làng. Từ khi làng cổ Đường Lâm được xếp hạng di tích cấp quốc gia, việc quản lý di sản càng nghiêm ngặt hơn.
Vẫn theo Luật sư Huyền, để xảy ra sự việc không thể không đề cập đến trách nhiệm của Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm với vai trò là tổ chức quản lý trực tiếp di sản văn hoá đã không "Thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại di sản văn hoá" theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật Di sản văn hoá.
Theo biên bản tường trình của đoàn làm phim với Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm, đoàn làm phim chỉ xin phép "miệng" với Chủ tịch UBND xã Đường Lâm để được đồng ý cho quay phim tại địa phương. Sau khi hành vi tự ý tô vẽ giếng cổ của đoàn làm phim được phản ánh bởi người dân, Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm mới cùng cán bộ xã tới hiện trường để giải quyết vụ việc, lập biên bản vi phạm và yêu cầu dừng việc quay phim để khắc phục vi phạm với di tích đình Mông Phụ.
Luật sư Huyền cho rằng, sau vụ việc lần này, Ban Quản lý Làng cổ Đường Lâm cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý, nếu có việc quay phim tại di tích cần cử cán bộ để giám sát và kịp thời nhắc nhở./.