Theo báo cáo của UBND tỉnh, Đồng Nai là tỉnh có diện tích rộng, dân số đông thứ hai Đông Nam Bộ (sau TP HCM), cửa ngõ của vùng Đông Nam bộ với Nam Trung bộ, Tây Nguyên, nhiều tuyến quốc lộ (QL) huyết mạch đi qua như QL1, QL51, QL20, QL56 và là một trong những địa phương trọng điểm về phát triển kinh tế của khu vực phía Nam. Do đó, nhu cầu đi lại, vận chuyển, lưu thông hàng hóa trên tuyến đường bộ rất lớn. Đồng Nai là tỉnh có đa dạng loại hình giao thông bao gồm đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.
Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh phát biểu tại buổi giám sát. |
Trong thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban An toàn Giao thông tỉnh, UBND các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành, đoàn thể, chính trị - xã hội tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp, triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm TTATGT. Do đó, từ năm 2009 đến hết năm 2023 dù vào một số thời điểm có diễn biến phức tạp và có sự đột biến về TTATGT nhưng về tổng thể tình hình TTATGT cả 3 lĩnh vực đường bộ, đường sắt và đường thủy cơ bản vẫn được duy trì ổn định; TTATGT giảm dần theo từng năm.
Đoàn giám sát đã đánh giá cao các giải pháp được thực hiện để xử lý các điểm đen tai nạn giao thông ở Đồng Nai. Đặc biệt, việc bố trí camera giám sát tại các mỏ đá và bến cảng đã được nhận xét là điểm sáng trong việc đảm bảo an toàn giao thông, và cần tiếp tục mở rộng phạm vi áp dụng.
Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng nhận thấy rằng tình trạng vi phạm TTATGT vẫn còn cao, mặc dù số vụ tai nạn giao thông đã giảm nhưng vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn và vẫn còn nhiều điểm đen chưa được xử lý triệt để.
Ông Quản Minh Cường phát biểu kiến nghị tại buổi làm việc. |
UBND tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị với Đoàn giám sát về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cần bổ sung một Chương (hoặc điều) cụ thể về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban ATGT Quốc gia và Ban ATGT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này) để đảm bảo bộ máy hoạt động từ Trung ương đến địa phương được đồng bộ và hiệu quả. Đồng thời, cần thiết lập cơ chế đặc thù để tăng số lượng biên chế cho các địa phương có tình hình giao thông phức tạp, nhằm đảm bảo thực hiện tốt và đầy đủ các công việc hiện tại cũng như trong tương lai gần.
Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường đề nghị cần cấu trúc hệ thống pháp luật trong lĩnh vực giao thông mạnh mẽ và quyết liệt. Qua đó giúp các cơ quan chức năng ở mỗi địa phương có thể bố trí kinh phí và cân đối nguồn lực để đầu tư và xử lý các vấn đề trên các tuyến đường trong khu vực quản lý. Đối với việc đầu tư vào các tuyến đường cao tốc, ông Cường đề nghị cần nghiên cứu và đảm bảo mọi phía đều có ít nhất 3 làn đường và 1 làn dừng khẩn cấp, cũng như phải có dải phân cách cứng ở giữa. Đồng thời, đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cần quan tâm và kiến nghị các chế độ và chính sách để bảo đảm an ninh trật tự và an toàn giao thông tại cơ sở.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức phát biểu tại buổi giám sát |
Kết luận tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội - Trung tướng Lê Tấn Tới, ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu của Đồng Nai trong việc thực thi pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông từ năm 2009 đến 2023. Các phát biểu giải trình từ UBND tỉnh và các đại diện của các sở, ban, ngành địa phương đã cung cấp thông tin chi tiết và theo dõi các vấn đề mà Đoàn giám sát quan tâm.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Đồng Nai cần tập trung vào việc rà soát các văn bản thực hiện để đưa ra những kiến nghị phù hợp với điều kiện địa lý, văn hóa của địa phương. Chú trọng vào việc phân tích số liệu và nguyên nhân của các vụ tai nạn để đề xuất các giải pháp phù hợp và hiệu quả nhằm giảm thiểu tình trạng tai nạn giao thông. Tỉnh cần tập trung tăng cường phối hợp giữa các lực lượng và ngành chức năng trong công tác quản lý về TTATGT.
Toàn cảnh buổi làm việc |
Đối với những kiến nghị và đề xuất của Đồng Nai sẽ được tổng hợp, nghiên cứu và đánh giá tính khả thi để báo cáo cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Điều này sẽ đảm bảo rằng các chính sách và pháp luật về TTATGT được thúc đẩy hiệu quả và áp dụng vào thực tiễn đời sống.