Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục chương trình giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về xuất khẩu lao động

Ngày 19/7, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên tiếp tục giám sát việc tổ chức, thực hiện chính sách pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thái Nguyên và UBND tỉnh

Sáng ngày 19/9, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên tiếp tục thực hiện giám sát việc tổ chức, thực hiện chính sách pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Thái Nguyên.
Đồng chí Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội phát biểu tại buổi giám sát
Đồng chí Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội phát biểu tại buổi giám sát
Tham gia đoàn giám sát có đồng chí Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; đồng chí Ma Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện Cục lao động ngoài nước, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội; Thường trực HĐND, lãnh đạo các ban HĐND tỉnh; sở Lao động-Thương binh và Xã hội; sở Kế hoạch – Đầu tư; sở Tài chính; Công an tỉnh; ngân hàng Chính sách xã hội và ngân hàng NN&PTNT tỉnh. Đồng chí Phan Văn Tường, chỉ huy trưởng BCHQS tỉnh, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên chủ trì buổi giám sát.

Theo báo cáo, từ năm 2007 đến hết tháng 6 năm 2010, công ty đã đưa 1.621 người lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có 112 lao động người Thái Nguyên. Công ty chủ yếu cung cấp lao động cho các thị trường: Đài Loan, Malaysia, Trung Đông và Nhật Bản. Hiện có 160 lao động do công ty cung cấp đang làm việc ở nước ngoài. Thời gian qua, công ty thực hiện tốt các quy định, chính sách pháp luật của Nhà nước về xuất khẩu lao động (XKLĐ), góp phần giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi. Tuy nhiên, việc thực hiện XKLĐ của công ty vẫn đang gặp một số khó khăn, vướng mắc như: chất lượng lao động còn thấp, tính kỷ luật và thể lực kém, không có tay nghề; đa số người lao động không có đủ tài sản thế chấp để vay vốn nộp các khoản chi phí, nguồn vốn cho vay của ngân hàng Nông nghiệp còn hạn chế, trong khi nguồn vốn của ngân hàng Chính sách xã hội dành cho XKLĐ luôn dồi dào nhưng lại bị hạn chế mức vay và đối tượng được vay; công ty gặp phải sự cạnh tranh không lành mạnh của một số doanh nghiệp khác; công tác quản lý lao động ở nước ngoài còn gặp một số khó khăn...

Sau khi nghe những ý kiến trao đổi xung quanh nội dung giám sát, công ty đã giải trình, làm rõ một số vấn đề mà Đoàn giám sát yêu cầu như: việc thu thập thông tin việc làm; thủ tục tài chính; công tác phối hợp với chính quyền địa phương; chính sách đối với lao động về nước; việc làm cho những lao động không có tay nghề... Công ty cũng đã đề xuất, kiến nghị một số vấn đề với đoàn: đề nghị nâng mức cho vay vốn,mức chi phí hỗ trợ đào tạo nghề đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài.... Đồng chí Phan Văn Tường thay mặt Đoàn giám sát biểu dương những thành tích của công ty trong hoạt động XKLĐ: tổ chức thực hiện, quản lý hoạt động XKLĐ của doanh nghiệp hiệu quả; nắm được thông tin về người lao động ở nước ngoài; chú trọng công tác quản lý, theo dõi người lao động; có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các ngành ở địa phương. Đồng chí cũng chỉ ra một số hạn chế cần khắc phục như: Lượng lao động về nước trước thời hạn còn cao; tỷ lệ người lao động Thái Nguyên do công ty cung ứng còn thấp... Đồng thời, đồng chí Phan Văn Tường đã thay mặt Đoàn giám sát tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của công ty; tổng hợp và đề xuất với Chính phủ và Quốc hội để có chính sách pháp luật và biện pháp phù hợp.

*Chiều cùng ngày, Đoàn tiếp tục thực hiện chương trình giám sát đối với Ban chỉ đạo XKLĐ của tỉnh tại UBND tỉnh. Đồng chí Đỗ Mạnh Hùng, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì buổi giám sát.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo, từ năm 2007 đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã đưa được 6.725 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; đến nay số tiền người lao động gửi về qua hệ thống ngân hàng khoảng 787 tỷ đồng. UBND tỉnh đã chỉ đạo thành lập bộ máy theo dõi, quản lý, triển khai thực hiện công tác XKLĐ các cấp, đến nay bộ máy đã được kiện toàn. Tuy nhiên kết quả công tác XKLĐ nhìn chung còn chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu về XKLĐ của tỉnh và còn bộc lộ nhiều tồn tại, vướng mắc. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do khủng hoảng tài chính làm cho thị trường bị thu hẹp; thu nhập của người lao động thấp; ít mở rộng được thị trường mới; một số gia đình và người lao động thiếu hợp tác với cán bộ, chính quyền và doanh nghiệp; công tác cho vay vốn trong hệ thống ngân hàng chưa thống nhất, mức cho vay thấp; một số doanh nghiệp chưa thực sự gắn kết với địa phương; công tác khảo sát thị trường của một số doanh nghiệp còn thiếu thận trọng; công tác thông tin tuyên truyền chưa được thường xuyên và sâu rộng; người lao động đi XKLĐ phần đông là lao động phổ thông, không có tay nghề nên khó tiếp cận các thị trường có thu nhập cao; một số lao động tìm đến các công ty XKLĐ thông qua môi giới còn nhiều, phải chịu thêm phí môi giới trung gian và mức độ rủi ro cao... Để giải quyết những vấn đề trên, Ban chỉ đạo XKLĐ tỉnh đã đề xuất một số giải pháp về công tác tuyên truyền; về thị trường, ngành nghề; giải pháp về đào tạo và giải pháp về quản lý, thực hiện. Đồng thời Ban chỉ đạo cũng có một số đề xuất, kiến nghị đối với Chính phủ và Tỉnh ủy, UBND tỉnh để đẩy mạnh công tác XKLĐ trên địa bàn.
Phát biểu kết luận buổi giám sát, đồng chí Đỗ Mạnh Hùng đánh giá cao nội dung báo cáo của Ban chỉ đạo XKLĐ tỉnh; nêu bật những ưu điểm của công tác XKLĐ trên địa bàn hiện nay; đồng thời chỉ rõ những hạn chế cần khắc phục như hạn chế về nhận thức của các cấp ủy chính quyền và một bộ phận người lao động; trách nhiệm quản lý Nhà nước về XKLĐ ở địa phương còn lúng túng; chất lượng nguồn nhân lực thấp... Đồng chí cũng đề xuất, kiến nghị với Quốc hội bổ sung khung pháp lý về XKLĐ; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về XKLĐ; bổ sung chính sách tín dụng, ưu đãi đối với người đi XKLĐ. Đối với tỉnh, đồng chí đề nghị chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về XKLĐ ở các cấp, chú trọng công tác thông tin tuyên truyền về XKLĐ, ban hành những chính sách ưu đãi của tỉnh đối với công tác XKLĐ, có biện pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Hoài Thu

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.