Độ tuổi nào được bổ nhiệm lần đầu?
Ông Văn Quang (Hà Đông - Hà Nội) hỏi: Một cán bộ thanh tra xây dựng của quận đến nay tròn 49 tuổi, chưa giữ chức vụ lãnh đạo bao giờ thì có quá tuổi quy định khi được bổ nhiệm tại chỗ lần đầu làm Phó Chánh thanh tra xây dựng cấp quận hay không?
- Tại Khoản 6 Điều 4 Quyết định 43/2010/QĐ-UBND ngày 6/9/2010 của UBND TP Hà Nội ban hành quy định về việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm, luân chuyển chức danh trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương (Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng; Chánh thanh tra, Phó Chánh thanh tra Sở; Chánh thanh tra xây dựng, Phó Chánh thanh tra xây dựng, … ) ở các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện và thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội quy định như sau:
Điều kiện về tuổi đời: “Tuổi đời bổ nhiệm lần đầu không quá 45 tuổi đối với chức danh Phó Trưởng phòng và tương đương ); không quá 50 tuổi đối với chức danh Trưởng phòng và tương đương (đối với cả nam và nữ). Trường hợp nếu bổ nhiệm quá độ tuổi quy định như trên, thì thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND cấp huyện phải báo cáo và được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch UBND Thành phố”.
Như vậy, nếu cán bộ thanh tra xây dựng tuổi đời bổ nhiệm lần đầu đã 49 tuổi muốn được bổ nhiệm vào chức danh Phó Chánh thanh tra xây dựng thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
* Bố mẹ nuôi của quân nhân có được hưởng bảo hiểm y tế?
Ông Nguyễn Văn Minh ở thôn Tân Lâm, xã Phú Thành, huyện Lạc Thuỷ, tỉnh Hoà Bình hỏi: Theo Luật Bảo hiểm Việt Nam thì tứ thân phụ mẫu của quân nhân trong lực lượng vũ trang được hưởng chế độ bảo hiểm khi đi khám và điều trị bệnh. Vậy bố mẹ nuôi và con nuôi có được hưởng như tứ thân phụ mẫu không?
- Tại Khoản 3, Điều 1 - Thông tư liên tịch số 25/2010/TTLT-BQP-BYT-BTC hướng dẫn quản lý, tổ chức thực hiện bảo hiểm y tế đối với người lao động trong quân đội và thân nhân quân nhân tại ngũ quy định đối tượng được hưởng chế độ bảo hiểm y tế như sau:
Bố đẻ, mẹ đẻ; bố đẻ, mẹ đẻ của vợ hoặc của chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp của bản thân, của vợ hoặc của chồng, bao gồm cả người cao tuổi thuộc diện bảo trợ xã hội; Vợ hoặc chồng; Con đẻ, con nuôi hợp pháp đến dưới 18 tuổi, bao gồm cả trẻ em dưới 6 tuổi; con đẻ, con nuôi hợp pháp trên 18 tuổi nhưng bị tàn tật, mất khả năng lao động theo quy định của pháp luật.
Như vậy, nếu quân nhân có con nuôi hợp pháp có đủ điều kiện nêu trên thì sẽ được hưởng chế độ bảo hiểm y tế.
Nếu bố mẹ nuôi của quân nhân tại ngũ là người nuôi dưỡng hợp pháp của bản thân quân nhân đó thì thân nhân của quân nhân đó sẽ được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định nêu trên.
PLVN