Bài hát gây “bão” mạng
“Độ ta không độ nàng” vốn là một bài hát nhạc Hoa, phiên bản gốc được Tô Đàm Đàm và Giai Bằng thể hiện. Tuy nhiên, được biết người đầu tiên thể hiện ca khúc này cũng chính là tác giả có nghệ danh Cô Độc Thi Nhân. Bài hát được anh sáng tác dựa trên cảm hứng nhớ về thời thơ ấu làm đệ tử ở chùa Thiếu Lâm. Anh được đưa tới chùa để tu tâm dưỡng tính, được sư phụ rèn luyện để trở thành người nhân hậu.
Ca khúc này nhanh chóng được phủ sóng trên mạng Tik Tok của Trung Quốc khi được đưa vào làm nhạc phim của một bộ phim hoạt hình gây sốt tại Trung Quốc
Cái tên “Độ ta, không độ nàng” xuất phát từ câu nói oán trách của nhà sư với Phật Tổ và được hiểu là: “Vì sao phù hộ ta mà không phù hộ cho nàng?”. Nội dung bài hát nói về chuyện tình bi ai giữa một vị hòa thượng và một quận chúa xinh đẹp. Một ngày nọ, quận chúa bày tỏ tình nhưng nhà sư từ chối, quay đi nhưng đã động lòng. Từ đó trở đi, quận chúa không còn ghé chùa nữa. Cho đến một ngày, nhà sư nghe tin dữ rằng quận chúa tự tử vì không muốn gả làm thiếp cho một hoàng tử nhưng bị tên này cưỡng đoạt. Ngồi bên xác người con gái, nhà sư tự dằn vặt mình và hỏi Phật Tổ: “Người độ trăm vạn chúng sinh, nhưng vì sao độ ta, không độ nàng?” rồi đọa thành quỷ. Nhà sư giết chết hoàng tử đã bức người yêu rồi xuống âm phủ, đứng bên bờ hoa bỉ ngạn gặp lại vong linh của Quận chúa lần cuối.
Bản cover “Độ ta không độ nàng” “về” Việt Nam do Tuyên Chính viết lời Việt đã được đăng tải trên Youtube vào cuối tháng 4/2019 và người trình bày là ca sĩ trẻ Anh Duy. Sau đó, Anh Duy quyết định kết hợp cùng người anh làm một serial nhạc “Độ ta không độ nàng”, với nội dung viết tiếp phần sau của cốt truyện khán giả hiểu rõ hơn. Đồng thời, nam ca sĩ còn làm chương trình radio truyền tải sâu hơn về triết lý nhà Phật. Bản nhạc được phiên bản radio, remix của Anh Duy bỗng nổi như cồn trên mạng xã hội tạo nên một trào lưu mới (Top Trending) với hơn chục triệu lượt xem và chia sẻ rộng rãi trên các trang âm nhạc, mạng xã hội. Tốc độ lan truyền của ca khúc này như vũ bão bởi phần giai điệu rất bắt tai, hợp với thị hiếu nghe nhạc của người Việt, đề tài lại lạ khi kể về mối tình đau thương giữa người tu hành và người đời. “Độ ta không độ nàng”, người nghe còn liên tưởng tới truyện “Đức Phật và nàng”, “Bất phụ Như Lai bất phụ khanh” của Trung Quốc hay bi kịch của nhà sư Anchi và Kiyo trong truyện cổ “Nàng Kiyohime hóa rắn” của Nhật Bản.
Trước sức nóng của bài hát, những cái tên hot của làng nhạc Việt như: Sơn Tùng MTP, Mỹ Tâm, Hương Tràm, Noo Phước Thịnh, Trấn Thành, Khánh Phương, Hoàng Y Nhung, Minh Vương M4U, Kasim Hoàng Vũ, diễn viên Hiếu Hiền, diễn viên Hoàng Kim Ngọc, Min, Only C, Jack, Phương Mỹ Chi, Ưng Hoàng Phúc… hay những ca sĩ trẻ như: Hương Ly, Thái Quỳnh, Thiên An, Thảo Phạm, Lan Hương, Huy Vạc... đều đã cover lại bài hát và đạt triệu view và có mặt trong các bảng xếp hạng nhạc Việt. Chỉ sau ít ngày xuất hiện, "Độ ta không độ nàng" đã hot đến mức bản karaoke với phần beat chuẩn đã có ngay trên YouTube.
Những phiên bản trái ngược lời ca
Theo thống kê từ các trang nghe nhạc uy tín, "Độ ta không độ nàng" có đến 20 phiên bản lời Việt khác nhau, với lượt truy cập hàng triệu lượt ở mỗi phiên bản. Các phiên bản lọt vào top 50 ca khúc được nghe nhiều nhất của một trang nghe nhạc trực tuyến. Hay trong top 100 ca khúc nhạc Việt được nghe nhiều của các trang khác, cũng thường có ít nhất 5 phiên bản "Độ ta không độ nàng" cùng hiện diện. Và các phiên bản đó lại “trái chiều” về nội dung.
Bản dịch của Tuyên Chính do Anh Vũ thể hiện có lẽ nhận nhiều bình luận trái chiều nhất bởi câu từ bi ai, trách móc Phật và theo chiều hướng tiêu cực. “Vạn dặm tương tư vì ai/ Tiếng mõ vang lên phũ phàng/ Chùa này không thấy bóng nàng/ Bồ đề chẳng muốn nở hoa”, “Dòng kinh còn lưu vạn chữ/ Bỉ ngạn phủ lên mấy thu”, “Một thuở hoa niên hợp tan”, “Phá nát cương thường biến họa”… Họ cho rằng bài hát không nên đưa vấn đề Đức Phật ra để trách oán như trong lời bài hát "Phật ở trên kia cao quá, mãi mãi không độ tới nàng". Những câu từ “vạn dặm tương tư”, “không thể quay đầu”, “mộng này tan theo bóng Phật, trả lại người áo cà sa” đã phá vỡ hình tượng một người tu sĩ đi theo Phật pháp”, một số ý kiến đưa ra. Thậm chí, có ý kiến yêu cầu phải dừng ca khúc này.
Tối 12/6/2019, thượng tọa Thích Nhật Từ đã livestream để chia sẻ quan điểm của mình. Thượng tọa Thích Nhật Từ cho rằng bản phóng tác tiếng Việt ca khúc Độ ta không độ nàng đã "bi kịch hóa" nhiều hơn bản gốc. Tác phẩm này tạo hình ảnh quá tiêu cực, quá sai lầm, quá ảm đạm, quá bi quan, chán chường và tuyệt vọng của người tu sĩ đã lỡ rơi vào cõi yêu đương không lối thoát, đến độ phải giết một người mà anh ấy thù hằn bằng một lưỡi kiếm. Thượng tọa Thích Nhật Từ cũng nhấn mạnh hành vi hận tình trả thù của vị tu sĩ hư cấu là phạm pháp. Việc phổ biến lời ca bạo lực, phạm pháp là “vẽ đường cho hươu chạy”. Rất nhiều chàng trai, cô gái mới lớn thất tình nếu bị cuốn vào lời ca sẽ trở thành bản sao của lời ca đó và bắt chước lối ứng xử bạo lực. Thượng tọa Thích Nhật Từ khẳng định với góc độ của người xuất gia, ông không tán đồng cả với bài nguyên tác tiếng Trung lẫn bản phóng tác tiếng Việt “Độ ta không độ nàng”.
Nhạc sĩ Sĩ Luân cũng đưa ra ý kiến: “Điều đáng nói ca từ trong bản dịch đi ngược tinh thần Phật học mà người Việt theo đuổi lâu nay: bi lụy quá trong tình yêu và sự bế tắc, không lối thoát. Tu sĩ đi tu là bởi họ đã giác ngộ chân lý rằng không có con đường nào cao quý hơn, không có lý tưởng nào phụng sự cho đời có giá trị hơn là tu hành nên đã bỏ lại sau lưng tất cả các cơ hội hưởng thụ.
Là một Phật tử, ca sĩ Phương Thanh đã cover lại ca khúc này với nghĩa hoàn toàn ngược lại. Bài hát do Phương Thanh thể hiện có tên “Tự nàng hãy cứu độ nàng” được sư Thầy Thích Đồng Hoàng dịch lời, Hoàng Kim biên soạn. Lời bài hát được sư thầy giải đáp theo tinh thần của Đức Phật: “Phật độ khắp chốn trần gian/Cứu giúp ta khỏi cõi tạm/Trở về tịnh tâm niết bàn/Hồng trần bụi rửa đoạn qua/Mắc từ bi nhìn nhau/Sầu đau rồi cũng sẽ qua”... . Bản thu âm đang nhận được nhiều sự quan tâm của các phật tử và những người yêu đạo Phật. “Tự nàng hãy cứu độ nàng” được đánh giá ca từ hay, ý nghĩa và trọn vẹn tinh thần Phật pháp. Theo Phương Thanh, với tinh thần từ bi quảng đại, cửa nhà chùa vẫn luôn rộng mở với tất cả chúng sinh, không phân biệt sang hèn, đẳng cấp, xuất thân. Đi tu là phải an vui, an lạc, sống trong chánh niệm từ xác thân cho đến tâm hồn, vì họ đã chọn đi trên con đường giác ngộ giải thoát. Như vậy mới thực sự đúng là tinh thần và tâm thế của những người tu Phật. Lời bài hát như một sự cảnh tỉnh nhắc nhở thế gian quay đầu là bờ, là ngọn đèn trí tuệ.
Một phiên bản lời Việt mới "Độ ta không độ nàng" của Hamlet Trương được cộng đồng mạng lại bất ngờ hào hứng chia sẻ. Đây được cho là phiên bản có thể dung hòa được cả yếu tố nội dung tôn giáo lẫn cốt truyện trong bài hát. “Người không còn nơi này nữa, mà ta còn lưu chốn xưa /Giờ thì đời dài hay ngắn, cũng chẳng quan trọng nữa rồi /Người từng hỏi ta ở đâu nơi đó sẽ là Niết Bàn/ Bồ Đề đang rơi lá vàng, đều là người ở trần gian”. Lời bài hát phiên bản này được nhận xét là nhẹ nhàng không kém phần sâu sắc, từ ngữ dễ hiểu, bám sát cốt truyện mà không bi lụy.
Một phiên bản khác có tên “Đời ta từ nay không lụy sầu” do ca sĩ Quách Tuấn Du hát tiếp tục ra mắt với phần lời được chắp bút bởi thầy Thích Nhật Từ, ca từ được viết lại này cũng nghiêng về giáo lý nhà Phật. “Phật dạy nhân sinh tu đức/ Giải phóng sân, hận khỏi lòng/ Nghiệp lực bao năm vì đâu/ Bám víu, đam mê khổ sầu/ Đường trần muôn kiếp bám vào/ Bồ-đề không thể nở hoa/ Dòng đời còn trôi vạn nẻo/ Bỉ ngạn trào dâng khó qua/ Hồng trần một khi vương vấn/Chấp vướng nhân, ngã, khổ sầu. Hỏi rằng lang than vì đâu. Đắm đuối không thể quay đầu/ Mộng tình tan theo gió thổi/ Đời người như bóng bèo trôi. Đời ta, từ nay không lụy sầu!...”. Nhiều lời bình luận tích cực dành cho “Đời ta từ nay không lụy sầu”: “Phật Giáo cần những bài hát như thế này, tuy là cover, nhưng dùng nó là phương tiện độ giới trẻ, đồng thời lời ca tiếng hát có thể đi vào tiềm thức tự nhiên”.
Ngoài sự đa dạng về phần lời, "Độ ta không độ nàng" còn có nhiều phiên bản khác nhau về thể loại âm nhạc như: nhạc ballad, nhạc remix, kết hợp với đàn tranh, hay làm lại phần beat mới...
Được biết, đơn vị nắm giữ bản quyền ca khúc "Độ ta không độ nàng" đã gởi công văn đến từng kênh phát sóng ở Việt Nam yêu cầu thu tiền tác quyền 5 triệu đồng/bản cover...và 33% doanh thu mà nghệ sĩ cover có được từ bài hát. Theo giới chuyên môn nhận định thực tế, đây là mức giá "hữu nghị" và những ca sĩ Việt đã cover ca khúc này cần phải tuân thủ quy định về tác quyền của ca khúc “Độ ta không độ nàng”.