Giá thịt lợn tăng phi mã, DN có vốn đầu tư nước ngoài “thâu tóm” thị trường, thương nhân Trung Quốc gom thịt lợn xuất khẩu rồi hàng trăm tấn thịt lợn được nhập lậu chỉ trong vài ngày… Điều gì đang xảy ra đối với ngành chăn nuôi Việt Nam?.
Ảnh minh họa |
Một DN chi phối được cả thị trường lớn – tại sao?
Trong một cuộc họp mới đây được Bộ NN&PTNT tổ chức để bàn riêng về diễn biến thị trường thực phẩm, các DN Việt Nam đã đồng loạt “tố” Cty CP Chăn nuôi CP Việt Nam đã chi phối thị trường thịt lợn nước ta. Cty này có tiềm lực mạnh, có thể sản xuất thức ăn chăn nuôi rồi chuyển xuống hệ thống trang trại gia công của người Việt Nam đã ký hợp đồng. Bằng cách đó, Cty này không tốn tiền thuế đất làm trang trại, thuê nhân công chăn nuôi, mà vẫn có nguồn nguyên liệu dồi dào được đảm bảo bằng các hợp đồng với trang trại gia công.
Cũng chính vì thế mà khi trên thị trường giá thịt lợn đã tăng đến gần 70.000 đồng/kg, DN này vẫn chỉ phải chi khoảng 40.000 đồng/kg thịt lợn hơi. “Tình trạng tăng giá đột biến như thế này chỉ mang lại lợi nhuận cho các Cty chăn nuôi với quy mô lớn liên doanh với nước ngoài, mà CP là một ví dụ” – ông Trần Văn Chiến – Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi và dịch vụ Cổ Đông (Sơn Tây, Hà Nội) than thở.
Trên thực tế, mặc dù chi phí đầu vào mọi thứ đều tăng, nhưng Cty này không phải bỏ tiền ra mà do người chăn nuôi đầu tư. Quy mô lớn mà CP đang thực hiện, từ sản xuất thức ăn chăn nuôi, chuyển số thức ăn ấy đến các trang trại gia công, thu nguyên liệu từ đó về nhà máy chế biến… không chỉ đối với lợn thịt mà còn đối với một số loại gia súc gia cầm khác. Đó có thể coi là một chu trình khép kín, mà chỉ các DN có tiềm lực cỡ như CP chủ động làm được còn các DN nhỏ, lẻ của nước ta thì không thể.
Nhưng nếu như không xuất hiện bối cảnh thịt lợn khan hiếm khiến giá cả tăng vùn vụt, thì không thể nhìn rõ hiệu quả mà CP đang thu về khi áp dụng mô hình kinh doanh có thể nói là chuyên nghiệp này. Lý do khiến giá thịt lợn tăng là nguồn cung bị sụt giảm. Dịch bệnh diễn biến phức tạp, cộng với chi phí đầu vào tăng, khiến người chăn nuôi “chùn tay”, không dám đầu tư chăn nuôi lớn. Dĩ nhiên mô hình mà CP áp dụng chỉ mang lại hiệu quả cho DN mà không gánh được rủi ro – nếu có – với người chăn nuôi, nhưng rõ ràng cũng khiến cho các DN Việt Nam nghĩ đến những mô hình làm ăn “ra tấm ra món”, có chiến lược.
Lợi nhuận là nhất thời?
Ngoại trừ yếu tố tư thương lợi dụng kích giá, một trong những nguyên nhân khiến nguồn cung thịt lợn trên thị trường khan hiếm, theo các báo cáo, là do các thương lái Trung Quốc sang Việt Nam gom hàng. Rồi sau đó, chỉ trong vòng 7 ngày trung tuần tháng 7, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) lại thống kê được có tới 170 tấn thịt lợn và 4 tấn gà thải loại của Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam qua biên giới tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh, tăng cao hơn nhiều so với các tháng đầu năm nay.
Số lượng thịt lợn nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam, một mặt đáp ứng nguồn cầu, nhưng mặt khác cho thấy sự bất lực của cơ quan hữu trách trong công tác điều phối và kiểm soát thị trường. Thói quen tiêu dùng cũng tác động không nhỏ tới giá thịt lợn và lượng thịt nhập lậu, bởi đa phần người tiêu dùng đồng bằng sông Hồng lựa chọn mua hàng ở chợ, nơi nguồn thực phẩm trôi nổi và khó kiểm soát giá. Trong khi đó, Đông Nam bộ là vùng có tỷ lệ hộ lựa chọn kênh phân phối là các cửa hàng chuyên doanh thực phẩm cao hơn nhiều so với đồng bằng sông Hồng, và cạnh tranh trong bán lẻ cũng góp phần kiềm chế giá.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, giá thịt lợn hơi thời điểm này tăng gần 70% so với dịp đầu năm, và vì thế dù thức ăn chăn nuôi có lên giá 20% như hiện nay thì người nông dân vẫn có lãi tới 3,5-4 triệu đồng mỗi con lợn nặng từ 1 - 1,1 tạ. Do vậy, những trang trại giữ được lợn đến tháng 7 này sẽ thu được khoản lời đáng kể. Tuy nhiên, các hộ nông dân đều khẳng định chỉ những gia đình giữ được đàn lợn không bị nhiễm dịch bệnh thì mới thu được lợi nhuận cao như vậy, vì chỉ cần vài con bị nhiễm bệnh thì dù được giá, người chăn nuôi vẫn bị lỗ nặng. Nói cách khác lợi nhuận khổng lồ trên trong nghề chăn nuôi lợn chỉ mang tính nhất thời, chưa khẳng định được về sự thu hút thực sự cho nghề này.
Bộ NN & PTNN kiến nghị Chính phủ có những chính sách như khoanh nợ, dãn nợ cho các DN làm ăn thua lỗ hoặc gặp rủi ro do bệnh tật để khuyến khích ho tiếp tục phát triển chăn nuôi lợn, kiểm tra kiểm soát thị trường lưu thông phân phối, có biện pháp chống gom hàng, tăng giá bất hợp lý. Đồng thời, Bộ này cũng đề nghị thành lập ngay Quỹ Bình ổn giá thịt lợn để cân bằng giá cả. Tuy nhiên, về lâu dài và để phát triển ngành chăn nuôi bền vững, điều quan trọng vẫn phải là đảm bảo công tác thú y, kiểm soát được chất lượng giống và thức ăn chăn nuôi, khả năng dự báo thị trường, công tác quy hoạch và chế độ chính sách hỗ trợ phù hợp, thiết thực của nhà nước.
Số lượng thịt lợn nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam, một mặt đáp ứng nguồn cầu, nhưng mặt khác cho thấy sự bất lực của cơ quan hữu trách trong công tác điều phối và kiểm soát thị trường. Thói quen tiêu dùng cũng tác động không nhỏ tới giá thịt lợn và lượng thịt nhập lậu, bởi đa phần người tiêu dùng đồng bằng sông Hồng lựa chọn mua hàng ở chợ, nơi nguồn thực phẩm trôi nổi và khó kiểm soát giá. |
Bách Linh