Thế nhưng trước muôn vàn các loại đồ chơi trông vô cùng bắt mắt, nhất là trước những đồ chơi được quảng cáo rất hấp dẫn như “giúp phát triển trí thông minh cho trẻ” hiện nay thì không ít cha mẹ, cô giáo cảm thấy khó khăn với việc lựa chọn đồ chơi như thế nào để phù hợp với sự phát triển của con và đặc biệt là an toàn sức khỏe cho con.
Nguy hiểm từ trứng đồ chơi. |
Nhập viện khi chơi đồ chơi bằng nhựa
Môi trường giáo dục, nơi mà dường như trẻ em được che chắn, bảo vệ một cách an toàn nhất cũng chính là nơi ẩn chứa những nguy cơ mật an toàn mà chỉ cần một chút sơ suất, bất cẩn của cô giáo đều có thể vô tình trở thành nguyên nhân gây ra tai nạn thương tích dẫn đến tử vong ở trẻ.
Chị Thu Nga (31 tuổi, Hà Nội) chưa hết rùng mình khi nhớ lại bé Na - con gái chị 3 tuổi bị ngộ độc hạt nở nhựa khi ở trường mầm non gần nhà. Hôm đó, con chị đi học. Bạn cùng lớp cho vài hạt nhựa nở bảo em nuốt vào bụng thì hạt đó sẽ nở hoa trong bụng. Bé Na nghe vậy làm theo. Ít phút sau, bé quấy khóc theo cơn, nôn ói, bụng chướng lên. Cô giáo báo cho gia đình đưa bé Na đi bệnh viện cấp cứu.
Các bác sĩ đã khám và thực hiện chụp X-quang, siêu âm thì thấy hình ảnh tắc ruột, không thấy dị vật. Các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật và phát hiện đoạn ruột phía trên chỗ tắc bị phình rất to, đoạn phía dưới thì xẹp. Phần bị tắc nằm ở cuối ruột non.
Các bác sĩ lấy ra dị vật là hạt chất dẻo, hình tròn, đường kính 2,5 cm. Kích thước này vừa đủ bít đường ruột gây ra các triệu chứng trên. Cũng may, bé Na được đi cấp cứu kịp thời. Nếu muộn hơn, các hạt trương nở to trong lòng ruột và lấp đầy lòng ruột khiến cho thức ăn và dịch tiêu hoá không thể đi qua được, có thể bé có thể bị tắc ruột.
Hạt nở là những hạt nhựa nhỏ li ti, có đường kính khoảng 5mm và có nhiều màu sắc sặc sỡ, dùng làm đồ chơi hoặc thay thế đất để trồng cây. Các hạt đều long lanh và đẹp mắt như các viên bi nên rất thu hút trẻ em ở đặc biệt ở lứa tuổi mầm non. Với có công thức hoá học là một polimer có chứa tinh bột nên kích thước hạt có thể tăng 100-200 lần khi ngâm nước.
Một tác hại khác khi nuốt phải hạt nở chính là nguy cơ gây ngộ độc. Tuy nhiên vì chạy theo lợi nhuận mà có nhà sản xuất đã cố tình thay đổi thành phần chất có thể gây độc khi nuốt phải là 1,4-butanediol. Sau khi nuốt phải, chất này có thể chuyển hoá thành gamma hydroxybutyrate là một loại thuốc mê. Với liều lượng thấp, trẻ có thể bị nôn ói, chóng mặt, nhìn mờ. Còn khi nuốt phải lượng nhiều hơn, trẻ có thể bị co giật, lú lẫn hoặc rơi vào hôn mê, có khả năng gây ung thư. Nguy hiểm là vậy, nhưng vẫn có một vài trường mầm non vẫn mua hạt nhựa nở này để “chiều” trẻ.
Thú nhún là đồ chơi được rất nhiều trẻ em độ tuổi mầm non yêu thích. Một số trường mầm non đã sắm đồ chơi thú nhún với các hình con vật và màu sắc đẹp mắt mà vô tình không biết đồ chơi này có thể hại học sinh nhí của của mình. Các cơ quan truyền thông trong nước đưa tin về việc hàng nghìn đồ chơi thú nhún có xuất xứ Trung Quốc bị thu hồi ở nước ngoài vì chứa hàm lượng phthalate quá giới hạn cho phép.
TS. Hoàng Thị Kim Dung (Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam) cho biết, phthalate có thể gây ung thư, hủy hoại thận, phá hủy hệ thống hormon của cơ thể. Đối với trẻ em, nguy cơ mắc các bệnh hen suyễn và dị ứng là rất cao. Nếu bị nhiễm chất này lâu dài, các bé trai có thể bị nữ tính hóa, vô sinh nam, còn trẻ em gái có nguy cơ dậy thì quá sớm...
Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cũng thường xuyên cảnh báo những nguy cơ ngộ độc từ đồ chơi có vật liệu nhựa mềm dẻo (chứa chất BBP có thể gây ngộ độc, ung thư); một số hóa chất có màu và kim loại nặng như thủy ngân, chì... có khả năng gây ung thư, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, thần kinh...
Đồ chơi thú nhún độc hại. |
Cẩn thận với bóng bay sắc màu
Đồ chơi trẻ em đang lưu hành trên thị trường đa phần là nhập lậu, vi phạm các quy định về an toàn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật, ghi nhãn mác hàng hóa. Các loại đồ chơi này đang len lỏi vào một số trường mầm non có thể gây nguy hại cho trẻ nhỏ.
Tại trường mầm non, mỗi khi có sinh nhật hay dịp lễ Tết, các cô thường trang trí lớp học bằng bóng bay đầy sắc màu. Nhiều trẻ thích thú đã lấy thổi chơi. Thấy các con vui, các cô cũng để con thổi mà ít biết bóng bay, đồ chơi thổi bong bóng cũng vô cùng độc hại.
Các đồ chơi thổi bong bóng bằng dung dịch chủ yếu sử dụng các chất hoạt động bề mặt, sức căng bề mặt càng lớn quả bóng sẽ càng to, càng dai. Để làm tăng tính dai của những quả bóng này, nhà sản xuất có thể cho thêm một số chất, chủ yếu là glycerin, với tỷ lệ đậm đặc tùy độ dai mong muốn.
Các chất dẫn xuất có thể được dùng như aceton, butanol, izoamyl ancol, butyloeetat... thường là các chất bay hơi, hàm lượng lớn xâm nhập vào cơ thể có thể gây ngộ độc cấp tính. Hơn nữa, các quả bóng bằng màng dai này khi thổi to quá mức nếu bị nổ vỡ, nguy cơ bắn vào mắt, sẽ gây nguy hiểm rất lớn.
Với đồ chơi, khi trẻ chỉ cầm, sờ thôi thì ít ai nghĩ rằng chúng sẽ gây hại. Thực tế không phải vậy, những màu sắc sặc sỡ của món đồ chơi hoàn toàn có thể hại trẻ nếu phẩm màu tạo nên màu sắc đó chứa tạp chất độc hại. Trẻ con khi chơi đồ chơi không chỉ sờ, nắm mà còn hay liếm, cắn, ngậm nên chắc chắn sẽ hấp thu độc chất nếu đồ chơi đó chứa độc chất.
Ngày nay, người ta đã xác định tác hại của chất cadimi khi xâm nhiễm cơ thể người là nguyên nhân dẫn đến nhiều loại bệnh như loãng xương, thiếu máu, suy gan thận nặng, gây ra nhiều loại ung thư như ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi...
Sắp tới đến Trung thu, lồng đèn Trung Quốc cũng đang “nhăm nhe” tiến vào trường mầm non để phá cỗ. Mỗi năm, lồng đèn Trung Quốc lại thay đổi mẫu mã mới, màu sắc bắt mắt hơn để thu hút trẻ em. Nhưng đẹp bao nhiêu thì sự độc hại đối với trẻ nhỏ lại có thể tăng bấy nhiêu.
Kết quả kiểm nghiệm của Viện Khoa học vật liệu ứng dụng và Viện Công nghệ hóa học đối với 2 mẫu đèn lồng nhựa Trung Quốc đang bán trên thị trường cho thấy, muối cadimi trong sơn phủ có hàm lượng cao gấp 123 lần mức cho phép trong Bộ tiêu chuẩn an toàn đồ chơi trẻ em do Bộ Khoa học - công nghệ Việt Nam.
Cadimi là chất được sử dụng như là chất tạo màu, độ bóng trong nhiều loại nhựa. Nhưng sử dụng với hàm lượng vượt quá mức như trên thì đây cũng là chất độc hại nhất với cơ thể người, có thể gây ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi…
Cẩn thận với các lồng đèn trung thu chưa qua kiểm duyệt. |
Cần quan tâm sự an toàn của trẻ
Để bảo vệ sự an toàn của trẻ, mọi đồ chơi ở trường mầm non nên có sự kiểm duyệt chặt chẽ, đạt tiêu chuẩn chất lượng mới được để học sinh nhí dùng. Trẻ em là những mầm non của đất nước, chúng chưa thể tự bảo vệ được mình nên rất cần sự chung tay góp sức của những người có trách nhiệm.
Ngoài vụ việc đồ chơi bằng nhựa gây ngộ độc cho trẻ thì những ốc vít, mảnh nhựa, nút bấm đến những cục pin... được gắp ra từ thanh quản, dạ dày, ruột, tai, mũi của trẻ khiến nhiều bậc cha mẹ, cô giáo giật mình ân hận. Tại một trường mầm non ở Hà Nội, do các cô mẫu giáo không để ý nên trong giờ nghỉ trưa một cháu bé đã nuốt quả trứng nhựa đồ chơi vào miệng, gây ngạt thở và dẫn tới tử vong ngay trên đường đi cấp cứu...
Ngoài việc cần cảnh giác với các đồ chơi bằng nhựa, màu sắc bắt mắt, những phụ huynh và cô giáo mầm non cần phải lưu tâm đến những đồ chơi của trẻ phù hợp với lứa tuổi hoặc có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được kiểm định an toàn với trẻ.
Khi chọn đồ chơi cho bé, phụ huynh và cô giáo mầm non cần chọn đồ chơi: Không quá nặng đối với bé, không có những bờ sắc cạnh, đầu nhọn. Không có khe rãnh hoặc lỗ có thể làm kẹt tay trẻ; Chắc chắn, không dễ vỡ, để lộ dây điện bên trong hoặc để lại những cạnh sắc nhọn, lởm chởm. Những đồ chơi trẻ em bị vỡ phải sửa lại hoặc bỏ đi; Có màu sắc, chữ in, họa tiết trang trí không gây ngộ độc cho trẻ. Không được sơn đồ chơi bằng sơn có pha chì.
Chọn màu vẽ nước và đất sét loại không gây độc, có chữ “nontoxic”; Không có những chi tiết nhỏ vì trẻ có thể nhét vào mũi, miệng, tai. Những phần di động của đồ chơi phải được gắn cho chặt; Che chắn kỹ lưỡng bộ phận vận hành của đồ chơi chạy bằng máy để trẻ không bị kẹt tóc, tay, chân và quần áo khi chơi; Thú đồ chơi cưỡi phải vững chắc, giữ thăng bằng tốt để trẻ không bị ngã.