Với việc đưa vào sử dụng Trung tâm Kiểm định tại Bảo Lộc trị giá gần 16 tỷ đồng theo các tiêu chuẩn quốc tế cuối tháng 12/2010 vừa qua, Lâm Đồng đangï nỗ lực nâng cao chất lượng và giá trị hàng hóa nông sản, hướng sản xuất nông nghiệp vào sự phát triển bền vững.
Nông sản cần kiểm định độ an toàn trước khi đưa vào sử dụng. |
Theo số liệu của các chức năng, toàn tỉnh hiện có gần 310 nghìn ha đất đang canh tác nông nghiệp, trong đó có 37 nghìn ha đã đạt doanh thu khoảng 100 triệu đồng/ năm và trong số này khoảng 10 nghìn ha có thu nhập từ 125 triệu đồng đến 2 tỷ đồng năm. Doanh thu này, theo tiến sĩ Phạm S, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Lâm Đồng, đã đưa Lâm Đồng thành một trong những tỉnh đi đầu trong nước có thu nhập cao từ sản xuất nông nghiệp, là tỉnh điển hình trong nước về tốc độ phát triển nông nghiệp công nghệ cao với 6450 ha trồng rau, hoa, chè, cá nước lạnh…với hệ thống nhà lưới nhà kính tiên tiến, với công nghệ canh tác hiện đại ít tỉnh theo kịp. Trong sản xuất nông nghiệp, Lâm Đồng khá đa dạng với các loại vật nuôi cây trồng, nhưng tựu chung, có 30 loại cây trồng và 10 loại vật nuôi tương đối phổ biến, có mặt hầu hết tại các địa phương. Chủ lực trong số này là những loại cây trồng giá trị hàng hóa cao: cà phê với 143 nghìn ha, cho sản lượng 310 nghìn tấn; chè 25 500 ha với sản lượng 190 nghìn tấn búp tươi, 40 nghìn tấn chè khô. 4800 ha dâu tằm; rau có 44 nghìn ha có sản lượng 1, 4 triệu tấn; hoa 3 500 ha, cho sản lượng 1,2 tỷ cành. Ngoài ra còn có 15 nghìn ha điều có sản lượng trên 2 nghìn tấn điều nhân; trên 10 nghìn ha cây ăn quả cho sản lượng trên 100 nghìn tấn/ năm. Điểm cần lưu ý : 80% sản lượng nông nghiệp trên dành cho xuất khẩu. Trong chăn nuôi, Lâm Đồng hiện có trên 111 nghìn con bò thịt, trên 3400 con bò sữa cho sản lượng trên 7500 tấn sữa năm, đàn trâu trên 18 nghìn con, đàn heo trên 380 nghìn con, gia cầm trên 2,3 triệu con cung ứng cho thị trường hằng năm khoảng 45 triệu quả trứng. Thủy sản của Lâm Đồng cũng là một thế mạnh với khoảng 4500 tấn/năm. Đặc biệt, gần đây, việc nuôi cá nước lạnh (cá hồi vân, cá tầm) với 14 nhà đầu tư cho sản lượng khoảng 200 tấn/năm. “ Lâu nay chúng ta thường nói đến việc xuất khẩu chè, cà phê, rau, hoa… Nhưng theo tôi, trong xu thế hội nhập hiện nay, những năm tới, nông nghiệp Lâm Đồng sẽ có thêm những sản phẩm có giá trị cao tham gia vào thị trường xuất khẩu trên như dược liệu, cá nước lạnh, bò thịt cao sản , bò sữa…” ông Phạm S cho biết. Việc đầu tư xây dựng Trung tâm Kiểm định chất lượng nông sản tại Bảo Lộc là một nỗ lực của tỉnh trong việc thúc đẩy thị trường nội tiêu và xuất khẩu, góp phần nâng cao giá trị nông sản Lâm Đồng. Để xuất khẩu, các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa của Lâm Đồng, theo ông Phạm S, cần đảm bảo các tiêu chí theo các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký với tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) như Hiệp định rào cản kỹ thuật (TBT), Hiệp định kiểm soát động thực vật và an toàn thực phẩm (SPS). Một ví dụ , theo ông Quản Hành Quân - Giám đốc Trung tâm Phân tích chứng nhận chất lượng Lâm Đồng (đơn vị quản lý Trung tâm Kiểm định Bảo Lộc), tiêu chí rất quan trọng cần tuân thủ là việc kiểm tra kim loại nặng và dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật tồn dư trong sản phẩm. Tất cả sản phẩm cho xuất khẩu và sau này cho nội tiêu phải qua kiểm tra, đạt chuẩn sẽ được cấp giấy chứng nhận theo các tiêu chuẩn VIET- GAP , GLOBAL - GAP , HACCP… trước khi lưu thông. Và không chỉ là nâng cao giá trị nông sản, việc thành lập Trung tâm kiểm định nông sản ngay tại cửa ngõ Bảo Lộc trên đường xuôi về TP HCM còn góp phần định hướng cho cả vùng nguyên liệu Lâm Đồng theo hướng phát triển nông nghiệp an toàn và bền vững. Chỉ tính riêng vùng Bảo Lộc như ông Lê Hoàng Phụng, Bí thư Thành ủy Bảo Lộc cho biết . xuất khẩu nông sản của thành phố này mỗi năm đạt trên 200 triệu đô la Mỹ , chiếm 75% giá trị xuất khẩu của Lâm Đồng. Trong ngành chè, Bảo Lộc hiện có đến 39 doanh nghiệp, 51 cơ sở chế biến chè cung ứng thị trường cả nước và chủ yếu là cho xuất khẩu. Việc kiểm tra đánh giá cấp giấy chứng nhận chất lượng nông sản theo những tiêu chuẩn nghiêm nhặt sẽ định hướng dần toàn bộ qui trình sản xuất từ trồng, chăm sóc, thu hoạch đến chế biến để cho ra những thành phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng.
Viết Trọng