Hội thảo bàn về công tác cải thiện chất lượng (CTCL) chăm sóc và điều trị HIV/AIDS vừa được Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS Nguyễn Thanh Long cho hay, hiện nhu cầu điều trị của người nhiễm HIV ngày càng lớn, nhưng hệ thống chăm sóc, điều trị chưa đáp ứng yêu cầu.
Hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người có HIV mới đáp ứng được hơn 60% số bệnh nhân có nhu cầu |
Cung không đủ cầu…
Theo nhận xét của Phòng Điều trị, Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế hiện số người nhiễm HIV/AIDS được điều trị và chăm sóc ngày càng lớn (70.000 người), nguồn cung ứng của chúng ta vẫn còn quá xa vời, mới đáp ứng được hơn 60% số bệnh nhân có nhu cầu. Chưa kể đến những hạn chế về chất lượng chăm sóc và điều trị như: Điều trị muộn; mất dấu bệnh nhân; tử vong trước và trong điều trị; tái khám không đúng hẹn; năng lực một số cán bộ còn yếu; thực hành chưa đúng với các hướng dẫn quốc gia…
Bác sỹ Lương Xuân Kiên, Phụ trách Phòng khám ngoại trú, BVĐK tỉnh Quảng Ninh lo lắng phản ảnh, hiện phòng khám của anh đang điều trị cho tổng số 1.139 (trong đó có 735 nam và 404 nữ, 974 bệnh nhân điều trị ARV…); trung bình mỗi tháng phòng khám lại tiếp nhận thêm 10-15 bệnh nhân mới. Hiện tại, Bác sỹ Kiên cho biết, vẫn còn nhiều dự án, đối tác hỗ trợ và giúp đỡ phòng khám từ xây dựng cơ sở vật chất, trang bị máy móc, thuốc điều trị cho bệnh nhân. Nhưng sau này, khi các dự án rút hết, không biết các anh sẽ xoay sở ra sao.
Trong khi đó, những ca bệnh khó (có biểu hiện kháng thuốc) ngày càng gia tăng (hiện phòng khám đang quản lý 87 bệnh nhân bị kháng thuốc phải chuyển sang điều trị bằng phác đồ bậc 2). Bác sỹ Kiên cũng không tránh khỏi lo lắng trước số đông bệnh nhân bị “bùng phát” bệnh trở lại do phải bỏ tiền túi ra mua thuốc điều trị ngoài danh mục, do quá trình điều trị quá lâu, thuốc thang lại quá đắt đỏ nên đã bỏ điều trị giữa chừng dẫn đến kháng thuốc.
Cần thiết phải cải thiện hoạt động chăm sóc và điều trị
Để thực sự bảo đảm việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân ngày càng tốt hơn; đồng thời cung cấp các dịch vụ có chất lượng cho người nhiễm HIV, giúp họ tiếp cận sớm hơn và đầy đủ với các dịch vụ điều trị ARV; giảm tỷ lệ không tuân thủ và mất dấu bệnh nhân…, với sự hỗ trợ về kỹ thuật của các tổ chức quốc tế, Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế đã triển khai hoạt động thí điểm CTCL chương trình chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV.
Hoạt động này bắt đầu triển khai từ tháng 4-10/2012 tại 11 phòng khám ngoại trú thuộc 5 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP. HCM, Cần Thơ, Thái Bình và Thanh Hóa. Kết quả cho thấy, hầu hết các phòng khám đã thực hiện khá tốt quy trình CTCL, với những chỉ số đánh giá khá thuyết phục, kèm theo cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo địa phương cũng như các bệnh viện, trung tâm y tế đối với công tác này.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm hoạt động này vẫn gặp không ít khó khăn, thách thức, hạn chế về cả chất lượng nhân sự lẫn điều kiện cơ sở vật chất và kinh phí. Để đạt được những kết quả cao hơn, trong thời gian tới Bộ chủ quản đã xây dựng một định hướng chiến lược cho việc CTCL giai đoạn 2013-2015.
Cụ thể: Xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cho hoạt động CTCL từ TƯ tới tuyến tỉnh; tăng cường sự cam kết của lãnh đạo, các nhà quản lý các tuyến và vai trò điều phối và tham gia hỗ trợ kỹ thuật của các cán bộ tuyến tỉnh, thành phố; xây dựng và hoàn thiện các văn bản, quy trình, hướng dẫn tổ chức triển khai, chuyên môn về cải thiện chất lượng chương trình chăm sóc và điều trị HIV/AIDS; đặc biệt là tìm kiếm và huy động nguồn tài chính hỗ trợ cho việc CTCL chương trình chăm sóc và điều trị HIV/AIDS, tăng nguồn ngân sách trong nước dành cho việc CTCL chăm sóc, điều trị HIV/AIDS, thúc đẩy sự phân bổ ngân sách theo mục tiêu ở cả cấp quốc gia và địa phương.
Trà Long