Điều tra sai lệch, xét xử bất minh!

Việc điều tra đã không làm rõ được hiện trường gây án và bằng nghiệp vụ đã không sàng lọc lời khai các bên, người làm chứng để đưa ra nhận định khách quan, chính xác. Những lời khai đưa ra mâu thuẫn nhau, lúc nói người này có tội, sau đó lại khai là vô tội (lời khai của Cảnh)... Thậm chí, việc giám định vết máu trên các hung khí cũng bị bỏ qua.

Báo PLVN số 151 ngày 31/5/2011 có bài “Người bị thương tổn nặng... chịu tội” phản ánh vụ “Cố ý gây thương tích” tại xóm 5, Đồng Yên, xã Chân Lý. Phán quyết của Tòa đã gây bức xúc trong dư luận về sự bất minh của cơ quan pháp luật.

Những biểu hiện bất thường...

Tham gia vụ ẩu đả gồm hai bố con ông Trần Doãn Long và Trần Doãn Huy, phía bên hàng xóm là hai anh em ruột Đào Duy Bích và Đào Duy Cảnh; cả bốn người đều bị thương tích. Trong đó, theo giám định của Viện Khoa học hình sự (Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm), bố con ông Long bị đánh gây tổn hại sức khỏe nặng hơn (22,5% và 14,2%).

fgfg
Ảnh minh họa: Phán quyết của TAND huyện Lý Nhân không khiến người bị tuyên phạt tâm phục, khẩu phục.

Phía bên kia, Cảnh chịu tổn thương 13,6%, thương tích của Bích không đáng kể. Nhưng chỉ có mình bị cáo Trần Doãn Long bị truy tố về tội “Cố ý gây thương tích”. Một câu hỏi được đặt ra: Người gây thương tích cho bố con ông Long có tội không?

Cho dù TAND huyện Lý Nhân chỉ căn cứ vào kết quả điều tra, cáo trạng và cố lái việc xét xử theo chiều hướng trên nhưng vẫn bộc lộ những điều phi lý.

Trước Tòa, hầu hết các nhân chứng đều né tránh hoặc chỉ nói chung chung. Riêng nhân chứng Giang khẳng định: “Tôi nhìn thấy Cảnh chém Huy, Long xông dùng gậy gỗ vụt Cảnh. Bích đứng đằng sau cầm dao chém Long vào vai...”. Điều này cũng được chính Cảnh (em trai Bích) khai là: “... thương tích của anh Long là do anh Bích anh trai tôi gây ra...”.

Có thể khẳng định, chính vết dao do Bích chém đã khiến ông Long bị gẫy 1/3 xương đòn trái và là người bị tổn thương sức khỏe nặng nhất. Quá trình tố tụng, xét xử, cơ quan công tố và Tòa án đã bỏ qua tình tiết này, thay vào đó lại căn cứ vào lời khai lần hai của Cảnh sau đó 3 tháng khi Cảnh nhận mình là người chém cả hai bố con ông Long. Nhờ đó, Bích từ người phạm tội trở thành vô can rồi nghiễm nhiên trở thành “nhân chứng” của vụ án!

Không phải ngẫu nhiên mà Cảnh nhận hết tội lỗi về mình bởi sau đó Cảnh đã có trong tay biên bản của Pháp y tâm thần tỉnh Hà Nam chứng nhận khi xảy ra sự việc, anh ta đã bị “xung động thần kinh”. Vô lý là việc chứng nhận này diễn ra gần 4 tháng sau ngày xảy ra vụ án. Một điều khó hiểu là trước đó, Cảnh là bệnh nhân điều trị ngoại trú động kinh chứ chưa bao giờ bị tâm thần.

Không hiểu sao cáo trạng của VKSND huyện Lý Nhân lại “ghi nhầm” là “sổ điều trị tâm thần”, rồi Tòa án cũng theo đó mà xét xử. Do chuyển đổi từ “động kinh” sang “tâm thần” - bị mất khả năng nhận thức, điều khiển hành vi nên Cảnh được miễn truy tố. Kết cục: Bố con ông Long không những chịu tổn thương sức khỏe nặng nề hơn, phải điều trị tốn kém hơn mà còn phải gánh tội và đền bù tiền thuốc men cho Cảnh.

Thật hài hước khi Thẩm phán phiên tòa - ông Nguyễn Quốc Trưởng còn nêu: Do bị cáo cũng bị thương tích, gia đình có công với cách mạng nên VKSND đề cập “Mức hình phạt đối với bị cáo như vậy là phù hợp!” (tức mức mán 2 năm tù treo) nhưng rồi Tòa lại tuyên phạt Long... 2 năm tù giam!

Sai lệch từ điều tra, tố tụng dẫn đến xét xử không công minh

Vụ án này không phức tạp, sự việc xảy ra giữa ban ngày, có nhiều làm chứng nhưng việc điều tra đã không làm rõ được hiện trường gây án và bằng nghiệp vụ đã không sàng lọc lời khai các bên, người làm chứng để đưa ra nhận định khách quan, chính xác. Những lời khai đưa ra mâu thuẫn nhau, lúc nói người này có tội, sau đó lại khai là vô tội (lời khai của Cảnh)... Thậm chí, việc giám định vết máu trên các hung khí cũng bị bỏ qua.

Trong phiên xét xử, Luật sư Phạm Linh Lợi đã công khai bản sao cuốn sổ “Điều trị ngoại trú bệnh động kinh” số 291/T10 2009 của Cảnh, vậy mà từ cáo trạng đến biên bản phiên tòa và bản án đều ghi là “sổ điều trị bệnh tâm thần”. Nhầm lẫn “chết người” này cùng với chứng nhận vô lý của Pháp y tâm thần tỉnh Hà Nam đã giúp Cảnh khai lại, nhận tội về mình để cả hai anh em thoát tội.

Phải chăng biên bản phiên tòa đã được viết sẵn từ trước nên kiến nghị của Luật sư là phải điều tra, thẩm định lại các tình tiết chưa rõ ràng đã không được nhắc đến? Theo lời khai của ông Long: Mẹ và hai bố con ông đều bị ép cung, lừa cung. Ông Long khẳng định, trong quá trình điều tra, khi ông không chịu ký vào biên bản giao nhận “Quyết định phê chuẩn, quyết định khởi tố bị can” theo nội dung viết sẵn, cán bộ điều tra Phùng Văn Khương đã vo viên biển bản, ném vào mặt ông rồi bỏ ra ngoài (ông Long còn giữ được biên bản này).

Ông Long còn cho biết đã hai lần nhận cáo trạng của VKSND với nội dung khác nhau và dương như cơ quan tố tụng đã “lờ” đi việc gia đình ông là gia đình Liệt sỹ, gia đình phải khiếu nại nhiều lần thì chi tiết này mới được bổ sung vào cáo trạng.

Một tình tiết quan trọng nữa cũng bị bỏ qua là khi Huy (con ông Long) chặt cây chuối trên đất tranh chấp giữa hai gia đình, Huy đã bị Cảnh cầm dao chém 3 nhát. Huy phải chạy trốn, sau đó ông Long mới cầm gậy vụt Cảnh giải cứu cho con. Nếu đúng vậy, đó là hành động chống trả mang tính tự vệ nên cũng phải xem xét đến. Hơn nữa, một bên dùng dao, một bên dùng gậy, mức độ nguy hiểm cũng khác nhau.

Được biết, hiện ông Trần Doãn Long đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, chỉ ra những sai lệch nghiêm trọng trong quá trình điều tra, tố tụng dẫn đến phán quyết của phiên tòa sơ thẩm bất minh, kẻ phạm tội thì nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật còn người bị thương tật nặng thì phải oan khất mang danh “bị cáo”.

Trần Công Lý

Đọc thêm

Mâu thuẫn đất đai đứa cháu giết cô ruột dã man

Nguyễn Minh Trường đến cơ quan Công an đầu thú.
(PLVN) -  Sáng ngày 18/4/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang cho biết đang tạm giữ hình sự đối tượng Nguyễn Minh Trường (SN 1990 , trú ấp Phú Hòa 2, xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) để tiếp tục điều tra về hành vi “Giết người”.

Bắt tạm giam chủ tịch UBND xã và kế toán ở Bắc Giang

Cơ quan Cảnh sát điều tra tống đạt các quyết định và lệnh đối với Nguyễn Văn Quang.
(PLVN) - Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND thị trấn An Châu đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ đạo bà Vi Thị Thắm, Kế toán UBND thị trấn An Châu thực hiện trái công vụ, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước số tiền 340 triệu đồng.