Số các cặp vợ chồng vô sinh ngày càng tăng, nhưng đáng mừng là tỷ lệ thuận với tình trạng này là sự tăng lên của những ca thành công bằng các phương pháp hỗ trợ sinh sản.
Niềm hạnh phúc của một bà mẹ sau ca TTNT thành công |
Cái khó "ló" cái khôn…
Theo các bác sỹ (BS) Khoa Thụ tinh nhân tạo (TTNT), BV Phụ sản TƯ cho biết, một trong những ca khó nhất khoa đã thực hiện thành công là vào năm 2006 do PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, GĐ BV thực hiện. Bệnh nhân (BN) tên Hòa, được phát hiện tử cung có vách ngăn, không chỉ thế, vách ngăn còn rất dày, choán cả buồng tử cung.
Trường hợp này, các BS trong khoa đã phát hiện nguyên nhân khó có con ngay từ đầu, nhưng để giải quyết lại khó khăn và phức tạp hơn. PGS Tiến là người thực hiện nội soi cắt vách ngăn, sau đó tạo hình lại buồng tử cung. Đây là một kỹ thuật khó, đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế cùng kinh nghiệm phẫu thuật nội soi ở trình độ cao. Nếu phẫu thuật viên không khéo, có thể gây thủng tử cung. Nhưng nếu sợ thủng tử cung mà "dọn" không triệt để, BN có thể phải mổ lại.
Ca mổ hôm đó diễn ra trong sự căng thẳng và lo lắng của cả kíp mổ. Tuy nhiên, nó thành công như mong đợi. BN sau đó được TTNT, rồi chuyển phôi thành công, được song thai. Thế nhưng, đến 22 tuần, BN lại đẻ non, không giữ được thai.
Lần thực hiện thứ 2 cũng vậy. Đến lần thứ 3, vẫn chuyển phôi đậu 2 thai, nhưng đề phòng tử cung lại tiếp tục co bóp dễ sảy thai như những lần trước, các BS đã quyết định chỉ giữ một thai và một bé trai khỏe mạnh đã chào đời trong hạnh phúc vô bờ của gia đình BN.
Sự vất vả, khát khao có con của vợ chồng chị Hòa không thấm gì so với vợ chồng anh Tuấn, chị Hạnh (lao động ở CH Séc). Không ai có thể tưởng tượng nổi khi tổng số 11 lần TTNT (2 lần TTNT ở CH Séc, 3 lần ở BV Từ Dũ, và 6 lần ở BV Phụ sản TƯ) chị Hạnh mới có được niềm vui sướng khi biết chắc chắn cái thai đã hình thành trong bụng mình.
Ngày 29/11/2012, chiếc mầm hạnh phúc mà bao năm gia đình anh chị chờ đón đã chào đời. Là người trực tiếp thực hiện ca bệnh khó khăn này, PGS.TS Nguyễn Viết Tiến chia sẻ, ngay sau khi tiếp nhận ca bệnh, bản thân ông đã thấy đây là ca rất khó. Nhưng không hiểu sao ông vẫn nghĩ rằng có thể thực hiện được. Và ông đã nói với họ: “Tôi chưa bó tay. Tôi nghĩ rằng có thể thành công. Khi nào tôi nói là tôi chịu rồi thì anh chị mới nên dừng, bỏ cuộc...”.
Để chứng minh cho sự khẳng định của mình, ông Tiến đã lao vào nghiên cứu hồ sơ bệnh án, hì hụi trong phòng nuôi cấy phôi nghiên cứu các cách nuôi cấy và chuyển phôi. Thậm chí, khi đã chuyển phôi vào tử cung, ông vẫn hồi hộp theo dõi BN. Và nỗ lực, sự cố gắng của ông Tiến cũng như các đồng nghiệp của mình đã được đền đáp xứng đáng sau khi sản phụ đã “mẹ tròn con vuông”…
Tại khoa Trung tâm hỗ trợ sinh sản, BV Phụ sản TƯ, ông Tiến cho biết, nhiều trường hợp làm lần nào được lần ấy, nhưng cũng không ít trường hợp thực hiện tới 5, 6, 7 lần mới đạt kết quả. Tuy nhiên, các trường hợp hiếm muộn hoàn toàn có thể tin tưởng vào tương lai, khi Việt Nam đã chinh phục được những ca bệnh khó kể trên.
Thành tích đáng tự hào thể hiện ở việc, tính đến thời điểm này ở BV Phụ sản TƯ, tỷ lệ thành công khi thụ tinh trong ống nghiệm là 50% (trước đây chỉ là 30-35%). Có được kết quả này là do bác sĩ làm nhiều, từ đó rèn luyện được kỹ năng, cùng với đó là trang thiết bị, hóa chất, môi trường nôi cấy phôi được cải tiến; các kỹ thuật khác như kỹ thuật sinh thiết phôi, lấy tinh trùng từ mào tinh... cũng được thực hiện tinh tế hơn.
Mở ra nhiều hy vọng…
PGS.TS Nguyễn Viết Tiến cho biết thêm, trước đây, người ta xét nghiệm nhiễm sắc thể để loại trừ thai dị dạng, bất thường, thì nay ở BV Phụ sản TƯ tiến hành sinh thiết phôi để đánh giá. Như vậy, phôi chuyển vào tử cung gần như chắc chắn là khỏe mạnh. Chi phí cho việc sinh thiết phôi rất tốn kém, nhưng đó là điều cần thiết, đặc biệt đối với những ca đã có thai nhưng thai chết lưu liên tục.
Bên cạnh đó, hiện Trung tâm hỗ trợ sinh sản, BV Phụ sản TƯ cũng đã thực hiện được việc nuôi noãn bằng kỹ thuật blastocyst (kỹ thuật nuôi noãn trong ống nghiệm). Trên thực tế, phòng lab của Trung tâm được trang bị đầy đủ trang thiết bị như: Tủ nuôi, nhiệt độ ổn định 37 độ C và trong môi trường phù hợp nhất, gần giống như trong buồng tử cung của người phụ nữ đảm bảo công tác cấy nấm, khuẩn định kỳ hàng tháng.
Đặc biệt, tin vui dành cho những BN điều trị vô sinh bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm là: Trung tâm đang áp dụng phương pháp chuyển phôi ngày 5 tỷ lệ thành công lên tới 50-60%.
Phương pháp này thực hiện theo quy trình trong 3 ngày nuôi cấy nếu xác định có trên 4 phôi tốt BS sẽ tiến hành chuyển sang kỹ thuật nuôi 5 ngày.
Chuyển phôi ngày 5 thích hợp cho một số trường hợp và tỷ lệ có thai có thể cao hơn so với chuyển phôi ngày 3 trong nhóm BN có tiên lượng tốt, niêm mạc đạt quy trình như kích thước phải lớn hơn hoặc bằng 8mm.
Nguyên nhân do ở giai đoạn này phôi đã vào tử cung nên khả năng lựa chọn phôi tốt, chứng tỏ sự vượt trội của phôi và phù hợp với sinh lý hơn.
Trung tâm cũng đang triển khai hỗ trợ BN bằng kỹ thuật ICSI (tiêm tinh trùng vào bào tương noãn) áp dụng cho các trường hợp: Tinh trùng kém, tắc ống dẫn trứng, vô sinh không rõ nguyên nhân mở ra nhiều hy vọng mới cho các bệnh nhân hiếm muộn.
Trà Long