Hoán đổi vị trí, đánh tráo khái niệm
Tại Hội thảo “Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và ĐKKD vận tải bằng ô tô: Sửa Nghị định hay nhìn lại cách thực hiện luật?” do CIEM tổ chức sáng qua (21/8), bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) cho rằng, việc rà soát ĐKKD của Dự thảo so với Nghị định gốc là hết sức khó khăn bởi kết cấu của 2 văn bản này rất khác nhau. Không những mở rộng phạm vi, Ban soạn thảo còn “khéo léo” đưa cả ĐKKD vào định nghĩa… Đáng chú ý trong số 85 ĐKKD được bổ sung thêm có 64 ĐKKD được bổ sung trực tiếp và 21 ĐKKD được quy định…“theo quy định của Bộ trưởng Bộ GTVT” một cách khó hiểu.
“ĐKKD là cái có trước khi kinh doanh nên Tờ trình lý giải rằng Dự thảo đã cắt giảm rất nhiều ĐKKD là không sai. Tuy nhiên, đi sâu vào cụ thể thì chẳng qua chỉ là sự hoán đổi vị trí, thậm chí đánh tráo khái niệm, chứ thực chất bỏ 1 thêm đến 5 - 7. Nếu nó chỉ là hạn chế quyền tự do kinh doanh có lý do chính đáng thì còn chấp nhận được nhưng nó đã ngăn cản sự phát triển, tiến bộ…”, Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Công ty Luật Basico lên tiếng. Theo Luật sư, Dự thảo quy định theo hướng thắt chặt hơn, chặt chẽ hơn, lúng túng hơn và xa rời thực tế hơn. Mâu thuẫn, bất cập là quy định nhiều về điện tử, công nghệ 4.0 nhưng lại không quản theo hướng công nghệ hiện đại, mà quản kiểu… 0.4.
“Tại sao lại quy định xe tải khi đi trên đường phải treo biển xe tải. Cái xe tải nó lù lù, ngay đến trẻ con cũng biết là xe tải thì tại sao phải treo biển? Vậy, nếu quy định này được thông qua, nếu tôi là người thì phải treo biển tôi là người chứ không phải giống khác, hoặc người máy?…”, Luật sư lập luận. Hay như quy định xe hợp đồng phải gửi báo cáo chi tiết đến Sở GTVT trước mỗi chuyến đi, theo Luật sư Đức, khác nào xe Hà Nội đi Hải Phòng là “tạm biệt Việt Nam, nhập cảnh vào nước bạn?”.
Thông cảm với lý giải của Ban soạn thảo là nhằm ngăn chặn xe dù, bến cóc, nhưng những giải pháp đã đưa ra quá nhiều, từ lâu rồi, mà vẫn không thay đổi tình hình, Luật sư Trương Thanh Đức đề nghị, cần phải xem lại, không nên hoài cổ và cố “đẻ” thêm rào cản, “dây trói”... “Cái cần thay là quan điểm chứ không chỉ là đổi từ ngữ’’, vị này nói.
Ông Nguyễn Thanh Hưng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cũng cho rằng thêm một vài ĐKKD còn được chứ nhiều quá thì phải xem lại vì thêm nhiều ĐKKD sẽ làm tăng chi phí cho doanh nghiệp.
“Đập đi làm lại”
Hiếm có văn bản nào lại gian truân như Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP. Việc tiến hành sửa đổi Nghị định này đến nay là Dự thảo thứ 5. Không như các Dự thảo khác, cả 4 lần trước đều đã xong ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, nhưng 4 lần Bộ GTVT lại trình Chính phủ 4 Dự thảo khá khác nhau nên “suýt” được ban hành nhưng đều thất bại. Đến Dự thảo trình Chính phủ lần thứ 5 này, theo Luật sư Trương Thanh Đức, khả năng vẫn khó thông qua bởi vẫn còn quá nhiều ý kiến khác nhau. “Rõ ràng không chỉ tắc đường, tắc xe, mà tắc Nghị định và thực chất là tắc tư duy, tắc giải pháp…”, Luật sư Đức bình luận.
Vấn đề nữa là “gốc” của Nghị định 86/2014/NĐ-CP là Luật Giao thông đường bộ 2008 vẫn đang có hiệu lực nhưng 3 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật (Nghị định 91/2009/NĐ-CP, Nghị định 93/2012/NĐ-CP, Nghị định 86/2014/NĐ-CP) và chính Dự thảo sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP lại rất khác nhau. Nên nội dung nào đúng, nội dung nào trái với Luật Giao thông đường bộ cũng cần phải xem xét và cũng tính đến việc sửa luật bởi Luật đã ban hành được 10 năm.
Viện trưởng CIEM, TS.Nguyễn Đình Cung thì cho rằng đã đến lúc cần “đập đi làm lại” trên tinh thần đổi mới tư duy, đó là Chính phủ kiến tạo, tôn trọng quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, đó mới là gốc của vấn đề…