Sáng 4/1, NSƯT Nguyễn Chánh Tín - nam nghệ sĩ trong phim Ván bài lật ngửa đột ngột qua đời tại nhà riêng, hưởng thọ 68 tuổi. Sự ra đi của nam diễn viên khiến nhiều người hâm mộ và đồng nghiệp sốc, tiếc thương.
Diễn viên Nguyễn Chánh Tín đã sống chung với bệnh tiểu đường (đái tháo đường) hơn chục năm qua.
Mỗi ngày ít nhất 80 người chết vì biến chứng liên quan đái tháo đường
Liên đoàn Đái tháo đường thế giới nhận định tại Việt Nam, có 3,53 triệu người đang chung sống với bệnh đái tháo đường. Gần 29.000 người tử vong hàng năm do các biến chứng liên quan tới đái tháo đường, tương đương mỗi ngày ít nhất 80 người tử vong.
Theo Hội Đái tháo đường Việt Nam, con số người Việt bị đái tháo đường có thể lên tới 5 triệu.
Đái tháo đường là một bệnh phổ biến, đặc biệt ở người cao tuổi. Biến chứng của bệnh đái tháo đường vô cùng nguy hiểm, như mù lòa, cắt cụt chân, nhồi máu cơ tim, đột quỵ và chạy thận nhân tạo.
Biến chứng loét bàn chân của người bệnh đái tháo đường
Tại Việt Nam, đái tháo đường là bệnh gây tử vong đứng thứ ba trong số các bệnh không lây nhiễm, sau tim mạch và ung thư.
Độ tuổi của người bệnh ngày càng trẻ, đặc biệt là đái tháo đường tuýp 2. Trước đây, bệnh xảy ra ở người 40 tuổi trở lên, hiện nay nhiều người mắc bệnh khi mới 25-30 tuổi, thậm chí tuổi vị thành niên. Nhiều bệnh nhân chỉ mới 10-12 tuổi đã bị đái tháo đường tuýp 2.
Gần 70% người đái tháo đường không hề biết mình mang bệnh
Điều đáng lưu ý là 63% người bệnh nhưng chưa được chẩn đoán và 70% bệnh nhân đã được chẩn đoán bệnh tuýp 2 song chưa đạt mục tiêu điều trị.
85% người chỉ phát hiện bệnh khi đã có biến chứng nguy hiểm như tim mạch, suy thận, thần kinh, biến chứng bàn chân...
Những biến chứng đáng sợ của đái tháo đường
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng ngày càng nhiều người bệnh là do chế độ ăn uống, vận động không hợp lý của lối sống hiện đại, bên cạnh yếu tố di truyền.
PGS. TS. Vũ Thị Thanh Huyền, chuyên gia về Nội Tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Lão khoa Trung ương khẳng định đây là bệnh không thể chữa khỏi. Việc điều trị bệnh bao gồm thực hiện chế độ ăn, vận động và dùng thuốc.
Đối với một số người, đặc biệt là người cao tuổi có thể đạt được mức đường huyết ổn định bằng thực hiện phương pháp điều trị bằng chế độ ăn và vận động phù hợp theo chỉ định của bác sỹ.
Trong trường hợp đó, bệnh nhân dù không dùng thuốc vẫn cần theo dõi định kỳ đường huyết ít nhất 3 tháng 1 lần để bác sỹ quyết định chế độ điều trị tiếp theo.
Các dấu hiệu cảnh báo có thể rất mờ nhạt như thường đói và mệt mỏi, đi tiểu nhiều hơn và luôn thấy khát, nhìn mờ, miệng khô ngứa da... Bệnh có thể được chẩn đoán bằng cách xét nghiệm máu định kỳ.
Để phòng bệnh, cần có lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, ăn nhiều rau xanh và chất xơ, giảm tinh bột, hạn chế thức ăn chiên xào, không ngồi quá nhiều, giảm stress... Đặc biệt, cần kiểm tra sức khoẻ định kỳ, xét nghiệm máu để biết mình bị bệnh hay không.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu